Gia đình xã hội
Không định kiến giới
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiến bộ đáng khâm phục về bình đẳng giới, về sự phát triển của phụ nữ ở mọi lĩnh vực…Tuy nhiên, trong thực tế, ở đâu đó vẫn còn hiện tượng định kiến về giới.
(Ảnh: vietnamnet.vn) |
Tạp chí Forbes Việt Nam vừa công bố danh sách 50 Phụ nữ Ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019. Theo đó, họ là các chính trị gia, doanh nhân, nhà khoa học, nhà báo, nhà văn, nhạc sĩ…có tinh thần dấn thân, dám nghĩ dám làm, bền bỉ, giúp họ vươn lên thành công trong lĩnh vực của mình, đồng thời xác lập và khẳng định những giá trị mới với người phụ nữ thời hiện đại.
Sự ghi nhận này là một trong biểu hiện phản ánh sự thật rằng phụ nữ có thể làm mọi việc nam giới có thể làm, và đương nhiên ngược lại, nam giới cũng có thể thành công ở những lĩnh vực tưởng như chỉ dành cho phụ nữ.
Tuy nhiên, trong đời sống xã hội ở các cung bậc khác nhau, định kiến về giới còn khá nặng nề, nhất là sự kỳ thị đối với nữ giới. Định kiến là nhận thức, đánh giá tiêu cực, thiên lệch về vị trí, vai trò, đặc điểm, năng lực của nam và nữ, như: phụ nữ là yếu đuối, phụ thuộc, nên dành thời gian chăm lo gia đình, dạy dỗ con cái, nên đứng sau chồng; đàn ông phải cao thượng, phải cứng rắn, phải làm các việc xã hội, làm chính trị, kinh doanh chứ không nên làm việc nhà; phụ nữ học hành không cần nhiều, nhất là không nên hơn chồng; đàn ông phải là trụ cột, lo việc lớn, quyết định những việc quan trọng; đàn ông có quyền dạy bảo vợ, vợ có nghĩa vụ tuân phục chồng…
Rõ ràng các định kiến thường sai, không phản ánh đúng khả năng thực tế của từng người, nhưng định kiến lại dẫn đến giới hạn sự tham gia hay lựa chọn của cá nhân đối với các cơ hội. Định kiến khiến phụ nữ ít cơ hội phát triển, thăng tiến hơn nam giới; nhiều trường hợp lao động như nam giới nhưng thu nhập thấp hơn; và tệ hại nhất là bạo lực gia đình mà phụ nữ đa số là nạn nhân.
Chính vì định kiến về giới có ở không ít nền văn hóa, dù mức độ khác nhau, nên bình đẳng giới là một trong những giá trị mang tính toàn cầu. Mục tiêu mà bình đẳng giới đặt ra là xóa bỏ sự phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ, thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam và nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống gia đình, xã hội.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiến bộ đáng khâm phục về bình đẳng giới, về sự phát triển của phụ nữ ở mọi lĩnh vực…Tuy nhiên, bình đẳng giới vẫn còn là một hành trình phức tạp. Theo Luật Bình đẳng giới thì: “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó”. Nhưng từ điều luật đến cuộc sống, còn có một rào cản lớn đó chính là định kiến về giới.
Quyền con người của mỗi một cá thể là như nhau, không phân biệt họ là nam, là nữ, hay giới tính thứ ba, do đó định kiến về giới là một sự phi lý phải kiên quyết xóa bỏ.
Xóa bỏ định kiến về giới không chỉ dừng ở việc thay đổi nhận thức mà quan trọng hơn, phải giúp con người sống với đúng bản chất của mình. Có nghĩa là phải xây dựng được một thái độ sống đúng đắn, tích cực để từ đó người ta có thể thay đổi chính mình. Thay đổi định kiến để mạnh dạn đánh thức tiềm năng cùng với những đam mê, khát vọng, ý chí và bản lĩnh của người phụ nữ; phát huy ý thức trách nhiệm, sự thấu cảm, chia sẻ và những kỹ năng ở người đàn ông… cũng là một cách tích cực để tạo cơ hội cho mỗi người sống đúng với khả năng, sở thích, sở trường của mình, chung tay xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng xã hội.
Xóa bỏ kỳ thị về giới, định kiến về giới là mục tiêu cần kiên trì, bền bỉ, thực hiện với sự sáng suốt, nhân văn và khoa học cả 365 ngày/ năm, chứ không phải chỉ là những lời chúc tụng, những bó hoa chúc mừng trong mỗi dịp 8/3./.
Nguồn: Đăng Dương/Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam