Gia đình xã hội
Người tiêu dùng giữa ma trận hàng giả, hàng nhái trên mạng
09:36, 11/03/2019 (GMT+7)
Niềm tin của người tiêu dùng giữa “ma trận” hàng online đang bị “tổn thương” do nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng thương mại điện tử (TMĐT) để rao bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng… Với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, cơ quan chức năng khó kiểm soát và hoạt động này đang phát sinh nhiều rủi ro, ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế và đời sống người dân.
Bùng nổ giao dịch thương mại điện tử
Khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) và các tổ chức có uy tín cho thấy, ước tính tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam năm 2017 tăng trên 25% và năm 2018 tăng trên 30% so với năm trước. Theo số liệu của Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), tổng doanh thu ngành TMĐT Việt Nam năm 2018 là 2,26 tỷ USD, tăng 29,4% so với năm ngoái.
Số lượng khách mua hàng trên trang TMĐT đạt 49,8 triệu người, chính thức lọt top 6/10 thị trường TMĐT lớn nhất thế giới. Ở Việt Nam đã có 4 sàn TMĐT chính thức lọt vào top 10 trang TMĐT có lượng truy cập cao nhất Đông Nam Á. Đáng chú ý, Thống kê từ Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng cho thấy trong năm 2018, tỷ lệ mua hàng qua Facebook đạt 70%, tăng nhẹ so với năm 2017.
Theo đánh giá của các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp, thị trường TMĐT tại Việt Nam mỗi năm đều tăng trưởng khả quan là nhờ thu nhập của người Việt đã tăng lên đáng kể trong thời gian qua, cùng với đó là chi phí cho việc sử dụng các thiết bị di động ở Việt Nam hiện ở mức khá rẻ ở Đông Nam Á (chỉ sau Singapore)…
Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức họp lấy ý kiến các cơ quan chức năng. |
Ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho biết, công bố từ Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam 2018 đã cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu giao dịch TMĐT năm 2017 so với năm 2016 lên tới 35%. Những doanh nghiệp làm dịch vụ chuyển phát thậm chí có doanh thu tăng từ 62% đến 200%.
Số lượng giao dịch trực tuyến liên quan đến thẻ nội địa tăng 50%, còn giá trị giao dịch tăng 75%. Theo dự báo của VECOM, tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam trong giai đoạn 2018-2020 sẽ đạt mức trên 25% mỗi năm. Đây là những minh chứng rõ ràng nhất cho thấy toàn bộ thị trường Việt Nam đã sẵn sàng cho sự bùng nổ của TMĐT.
Bó tay với hàng nhái, hàng giả?
TMĐT phát triển đã và đang đem lại nhưng giá trị cao cho doanh nghiệp, người dân góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động này đang bộc lộ và phát sinh nhiều rủi ro cho người tiêu dùng.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Vũ Hùng Sơn cho biết, nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng phương thức TMĐT để thực hiện các hành vi sản xuất và buôn bán hàng hóa, dịch vụ cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng hóa hạn chế kinh doanh, hàng kinh doanh có điều kiện, hàng quá hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và các vi phạm khác.
Bên cạnh đó, nhiều website giả mạo doanh nghiệp có uy tín để cung cấp thông tin sai lệch về hàng hóa, dịch vụ lừa dối người tiêu dùng, thậm chí lợi dụng phương thức này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các tổ chức, cá nhân khác. Đặc biệt, hiện nay rất nhiều website, mạng xã hội, các tổ chức tài chính nước ngoài... đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam nhưng chưa được kiểm soát đầy đủ, gây thất thu thuế, tạo cơ hội để thao túng hoạt động TMĐT ở Việt Nam...
Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phụ trách Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, kiểm tra xử lý vi phạm trên môi trường mạng rất khó, phải có dấu hiệu vi phạm, khi đó liên kết với các lực lượng để kiểm tra dòng tiền, dòng hàng, tìm được đầu mối, kho hàng tập kết, kiểm tra xác định sản phẩm…
Theo Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội, thời gian tới cần nhanh chóng tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý trong Luật TMĐT, Luật Công nghệ thông tin nhằm quản lý tiến trình giao dịch trên mạng, làm cơ sở pháp lý để điều chỉnh hoạt động giao dịch TMĐT. Cục QLTT TP Hà Nội đề xuất kiến nghị đưa các hình thức kinh doanh qua mạng xã hội (facebook), sử dụng ứng dụng cho các thiết bị công nghệ di động thông minh (Zalo, Viber…) vào quản lý như đối với website TMĐT (buộc thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước).
“Tính chất đặc thù của TMĐT người mua và người bán không gặp mặt mà chỉ giao tiếp trên môi trường mạng, các đối tượng đưa lên mạng thì là hình ảnh và thông tin của hàng thật nhưng khi khách hàng nhận được có thể là hàng giả, hàng nhái mà bản thân nhiều lúc khách hàng cũng khó phát hiện, xử lý”, ông Đạt nhấn mạnh.
Theo đó, khó khăn lớn nhất là các đối tượng không có cửa hàng, chỉ thông qua các website, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sau đó chuyển hàng và thanh toán trực tiếp theo thỏa thuận. Hàng hóa được phân tán, nhỏ lẻ, thậm chí chỉ bán hàng qua cộng tác viên, đồng thời các website được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng khiến các lực lượng chức năng khó kiểm soát để xử lý.
Vì vậy, đại diện VECOM cho rằng, để TMĐT phát triển bền vững cần có cơ chế bảo vệ người tiêu dùng, chính sách phát triển đồng bộ từ dịch vụ logistics tới thanh toán. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cũng thống nhất cần sớm xây dựng kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hàng vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Từ đó làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển TMĐT bền vững.
Tăng cường phòng chống gian lận trong thương mại điện tử
Ngày 8-3, tại Hà Nội, Văn phòng Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 quốc gia tổ chức họp lấy ý kiến các cơ quan chức năng về việc xây dựng dự thảo Kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng BCĐ 389 quốc gia cho biết, kế hoạch nhằm lập lại trật tự, kỉ cương trong hoạt động thương mại điện tử, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng trong công tác quản lý, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Theo đó, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chức năng có liên quan: Rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý về lĩnh vực thương mại điện tử. Kịp thời phát hiện những bất cập, sơ hở, chồng chéo để thống nhất kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả quản lý, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật.
Bộ Công an chỉ đạo Cục CSĐT tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, lực lượng Công an các địa phương phối hợp với các lực lượng chức năng khác chủ động nắm tình hình, thu thập thông tin, tài liệu, chủ động phát hiện, xác minh làm rõ các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân; xử lý nghiêm những đối tượng chủ mưu, cầm đầu, những vụ việc phức tạp, nổi cộm trong việc lợi dụng thương mại điện tử để vi phạm pháp luật... (Phan Đức)
Nguồn: Lưu Hiệp/CAND