Qua hàng chục chuyên án, vụ án mà lực lượng Cảnh sát phòng chống ma túy (CSMT) CATP Đà Nẵng khám phá thời gian qua, một điều dễ nhận thấy là cho dù các đối tượng phạm tội có sử dụng “trăm phương ngàn kế”, tìm ra phương thức thủ đoạn tinh vi đến đâu để che giấu thì cuối cùng cũng bị lộ tẩy, bóc gỡ và phải trả giá cho hành vi của mình. Vậy nhưng, cũng từ thực tế, tội phạm ma túy ngày càng có chiều hướng phức tạp. Làm gì, làm cách nào để hạn chế loại tội phạm này vẫn đang là câu hỏi mở, cần nhiều câu trả lời thỏa đáng!
Mô hình CLB Can thiệp sớm dự phòng nghiện ma túy được triển khai tại Đà Nẵng đã phát huy hiệu quả, giúp những người mới sử dụng đoạn tuyệt với ma túy |
Tội phạm ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp
Thiếu tá Huỳnh Trọng Nghĩa- Đội trưởng Đội Tham mưu, Phòng CSMT CATP Đà Nẵng cho biết, trong năm 2018, tình hình tội phạm về ma túy trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Lực lượng phòng chống ma túy thành phố đã phát hiện thêm nhiều đường dây mua bán trái phép chất ma túy với số lượng lớn từ Hà Nội, Nghệ An, TP Hồ Chí Mình về Đà Nẵng tiêu thụ. Hoạt động mua bán, tàng trữ các loại ma túy tổng hợp chiếm đa số, chiếm gần 96% tổng số vụ bắt giữ (209/218 vụ), đáng chú ý là hoạt động mua bán loại ma túy hướng thần Ketamine gia tăng đáng kể, lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ nhiều gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2017 (478/58gam); bên cạnh đó, tình trạng ma túy từ các tỉnh phía Bắc trung chuyển qua địa bàn thành phố đi các tỉnh tiếp tục diễn ra.
Cũng theo Thiếu tá Nghĩa, hoạt động phạm tội mua bán trái phép chất ma túy chiếm hơn 47% (130/283 đối tượng), phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy chiếm gần 52% (150/283 đối tượng)... Đáng chú ý, hơn 99% đối tượng phạm tội có sử dụng trái phép chất ma túy. Phần lớn các đối tượng phạm tội có độ tuổi từ 18 - 30 (chiếm gần 74%), cho thấy tội phạm ma túy đang có xu hướng trẻ hóa. Cùng với đó, tình hình sử dụng trái phép chất ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp. Độ tuổi người sử dụng tập trung từ 18 - 30 (chiếm hơn 80%), trong đó, đáng chú ý thành phần nữ giới có 324 trường hợp (chiếm gần 11%). Tình trạng lợi dụng quán karaoke và dịch vụ lưu trú sử dụng trái phép chất ma túy gia tăng phức tạp, trong đó đã phát hiện, xử lý 88 vụ/576 trường hợp dương tính với chất ma túy...
Thiếu tá Nghĩa nhìn nhận, qua công tác đấu tranh cho thấy phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng rất tinh vi, xảo quyệt như mở quán nhậu, giải khát làm bình phong che giấu hoạt động mua bán ma túy, thuê nhà tại Đà Nẵng để hoạt động mua bán trái phép chất ma túy nhưng chỉ bán ma túy cho các đối tượng người ngoại tỉnh, đối tượng cầm đầu không lộ diện mà sử dụng đối tượng tay chân để giao dịch mua bán ma túy, lợi dụng các dịch vụ của ngân hàng, chuyển phát hàng hóa của bưu điện, nhà xe... để giao nhận tiền hàng. Đáng chú ý, xuất hiện tình trạng đối tượng là người Việt Nam có quốc tịch nước ngoài mua ma túy ở nước ngoài vận chuyển về Đà Nẵng thông qua đường bưu điện để tiêu thụ, ngoài ra, các đối tượng còn triệt để lợi dụng các trang mạng xã hội... trong các hoạt động giao dịch mua bán ma túy, gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra, giám sát.
Phải đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền
Thiếu tá Nghĩa khẳng định, thời gian qua công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng lực lượng chuyên trách luôn giữ vững ý chí tấn công tội phạm, kiên trì bám sát với phương châm “giảm cầu đi đôi với cắt cung”.
Tình hình tội phạm ma túy trong thời gian qua có những diễn biến phức tạp, theo Thiếu tá Nghĩa xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó, một nguyên nhân đáng chú ý là do bọn tội phạm ma túy trên thế giới không ngừng điều chế, sản xuất ra các loại ma túy mới, chưa nằm trong danh mục cấm, vừa làm mê hoặc giới trẻ, vừa để đối phó với luật pháp. Sau thời gian xuất hiện phổ biến loại ma túy tổng hợp dạng thuốc lắc, dạng tinh thể đá, thì nay, có thêm một số loại mới có tính gây nghiện cao, tiềm ẩn nguy cơ khó lường như cỏ Mỹ, lá Khát, Sisha...
Thiếu tá Huỳnh Trọng Nghĩa cho rằng, trong cuộc chiến với ma túy, công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy là việc làm hết sức cần thiết, không thể thiếu. Đây là việc làm khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, ngành, đoàn thể và đặc biệt là sự tham gia của tất cả người dân. “Hơn lúc nào hết, vấn đề truyền thông nâng cao nhận thức để mọi người ý thức không vướng vào ma túy cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, tập trung đi sâu, trực tiếp đến các đối tượng có nguy cơ cao như thanh thiếu niên, sinh viên, trẻ em đường phố”..., Thiếu tá Huỳnh Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Một vấn đề khác không kém phần quan trọng cần phải thay đổi, theo Thiếu tá Nghĩa là hiện nay, các biện pháp như băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền hay những tiểu phẩm thường đi theo một lối mòn giống nhau. Các khẩu hiệu thường dùng sáo ngữ chung chung, ít ấn tượng như “Nói không với ma túy”, “Nói không với chất kích thích”... Những khẩu hiệu này đã quá “cũ kỹ” và không còn lôi kéo được sự tập trung, chú ý của người dân. Bên cạnh đó, có thể thấy việc thực hiện công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia phòng, chống tệ nạn ma túy hiện nay mới chỉ có thông tin một chiều. Nghĩa là chỉ có tuyên truyền viên nói và người dân nghe, chưa có phương án khảo sát, lắng nghe người dân nói để nắm thực tế về nhận thức của người dân, xem họ cần gì xuất phát từ thực tiễn địa phương đòi hỏi, từ đó có phương án tuyên truyền phù hợp, mới mẻ, hấp dẫn hơn, mang lại hiệu quả tuyên truyền cao hơn.
.