Gia đình xã hội

Phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em

Vẫn còn gặp khó (Bài 2)

15:13, 23/11/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Những năm gần đây, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng có nhiều diễn biến phức tạp. Đã có những vụ trọng án như hiếp rồi giết nạn nhân, hiếp dâm nhiều lần dẫn đến nạn nhân có thai; nhiều vụ án nạn nhân dưới 10 tuổi để lại những hậu quả lâu dài, những nỗi đau dai dẳng cho cả nạn nhân, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, công tác phát hiện, điều tra, xử lý, ngăn chặn tội phạm này vẫn còn những khó khăn…

Bài 2: Cần sự chung tay của xã hội

Vào cuộc quyết liệt

Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm xâm hại trẻ em, Nghệ An đã chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, nâng cao hiệu quả đấu tranh với các loại tội phạm xâm hại trẻ em nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng. Từ đầu năm đến nay, Công an Nghệ An đã khởi tố 4 vụ, 4 đối tượng về tội giao cấu với trẻ em; 7 vụ, 8 đối tượng về tội hiếp dâm trẻ em. Cũng trong năm 2018, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã xét xử 31 vụ, 40 bị cáo về tội hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em, giao cấu và dâm ô với trẻ em; 21 vụ, 35 bị cáo phạm tội mua bán người và mua bán trẻ em.

 Mặc dù bị liệt nửa người nhưng bị cáo Nguyễn Thanh An (SN 1962) vẫn thực hiện hành vi dâm ô với cháu bé 10 tuổi bị thiểu năng trí tuệ
Mặc dù bị liệt nửa người nhưng bị cáo Nguyễn Thanh An (SN 1962) vẫn thực hiện hành vi dâm ô với cháu bé 10 tuổi bị thiểu năng trí tuệ

Thực hiện Chương trình mục tiêu bảo vệ trẻ em và công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên, Công an tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm phát hiện, kịp thời đấu tranh ngăn chặn với loại tội phạm này, trong đó tập trung làm tốt công tác phòng ngừa.

Theo đó, Công an các đơn vị, địa phương đã triển khai toàn diện các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm chắc tình hình hoạt động của tội phạm xâm hại trẻ em. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em; phổ biến về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm này để gia đình, các em nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa.

Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể xã hội, nhà trường để phổ biến, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống các hành vi xâm hại cho gia đình, người thân và chính bản thân các em như tuyệt đối không để trẻ em ở nhà một mình, trẻ em vui chơi ở nơi công cộng mà không có người lớn trông coi, không để người lạ tiếp xúc và thường xuyên kiểm tra các biểu hiện, vết lạ trên cơ thể các em.

Cùng với đó, quản lý chặt chẽ số đối tượng có điều kiện, khả năng xâm hại trẻ em, các đối tượng có tiền án, tiền sự hoặc đang có biểu hiện hoạt động phạm tội liên quan đến trẻ em, như: Xâm hại tình dục trẻ em, mua bán trẻ em, cố ý gây thương tích với trẻ em hoặc dụ dỗ, lôi kéo trẻ em vào mục đích phạm tội.

Thời gian qua, Công an tỉnh cũng đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên tại 8 địa phương Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn. Đây là những địa phương trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại do trình độ nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế, thiếu hụt kỹ năng phòng ngừa, bảo vệ.

Vẫn còn những khó khăn

Thực tế cho thấy, hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em chỉ bị điều tra, xử lý khi có cơ sở tố cáo của nạn nhân. Do đó, công tác phát hiện, đấu tranh với loại tội phạm này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Theo các điều tra viên Phòng Cảnh sát Hình sự, hiện nay, việc tố cáo trình báo tội phạm xâm hại trẻ em thường chậm, gây khó khăn cho việc điều tra, xử lý tội phạm. Vụ việc cũng mang tính nhạy cảm, vì vậy, nhiều gia đình mặc cảm, thường giấu kín không hợp tác với cơ quan điều tra; không có nhân chứng…

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Nguyễn Trọng Hải (Văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự) cho biết, những năm gần đây, các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em không giảm, thậm chí còn có nguy cơ tăng cao, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi. Những vụ án bị phanh phui, phát hiện mới chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”. Nạn nhân của các vụ xâm hại còn ít tuổi nên không nhận thức được mình bị xâm hại, hoặc biết mà không nói với người nhà do bị đe dọa hoặc đó là người thân. Đã có nhiều vụ án trẻ em bị xâm hại rất thương tâm, cá biệt là những vụ ông xâm hại cháu, bố xâm hại con. Tuy nhiên, không phải vụ án nào cũng được xử lý một cách triệt để do thiếu sự hợp tác của bị hại. Nhiều vụ án bị phát hiện thì lại khó xử lý do không thu thập được chứng cứ hoặc quá trình thu thập chứng cứ kéo dài; nạn nhân còn nhỏ tuổi, hoảng loạn tâm lý nên khai báo không chính xác hoặc không thống nhất; bị hại rút đơn tố cáo giữa chừng do có sự thỏa thuận của 2 bên…

Luật sư Nguyễn Trọng Hải cho biết thêm: Điều 142, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Tuy nhiên, quá trình xét xử còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố căn cứ hành vi, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; phía gia đình bị hại và bị cáo có thỏa thuận bồi thường nên dẫn đến nhiều bản án chưa đủ tính răn đe. 

Mới đây, trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, đồng chí Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị cần có quy trình điều tra, xét xử đặc biệt đối với loại tội phạm xâm hại trẻ em. Theo đó, Ủy ban Tư pháp sẽ đứng ra làm trọng tài, tạo điều kiện cho việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm trong lĩnh vực này theo quy trình đặc biệt, không thể theo trình tự thông thường.

Trước những nguy cơ về vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em hiện nay thì trách nhiệm của gia đình, nhà trường vẫn là quan trọng nhất trong việc trang bị kỹ năng tự bảo vệ, phòng ngừa cho các trẻ em gái. Đưa nội dung giáo dục giới tính vào chương trình giảng dạy, sinh hoạt trên lớp. Đặc biệt, khi có vụ việc xâm hại xảy ra cần lên tiếng và nạn nhân là đối tượng được xã hội bảo vệ.

Huyền Thương

Các tin khác