Từ ngày 1/12, khi chuyển mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân từ cơ sở y tế đang điều trị sang cơ sở khác để thực hiện một số kỹ thuật như chụp Pet-CT, hoặc xét nghiệm... mà cơ sở đang điều trị không có, bệnh nhân sẽ vẫn được BHYT thanh toán.
Trao đổi với báo chí tại buổi họp báo ngày 31/10 về những quy định của Nghị định 146/2018/NĐ-CP (NĐ 146) quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, có hiệu lực từ ngày 1/12/2018, ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, cho biết, Nghị định 146 thay thế Nghị định 105/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT và Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BHY-BTC.
Trong Nghị định 146/NĐ-CP của Chính phủ có quy định mới, BHYT sẽ thanh toán cho các trường hợp gửi mẫu bệnh phẩm hoặc chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế khác để thực hiện một số kỹ thuật, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh như Pet-CT, chụp X-quang, MRI... do cơ sở y tế đang điều trị không có máy móc thực hiện các dịch vụ kỹ thuật này.
Ông Phan Văn Toàn cho biết, một số cơ sở không có chức năng điều trị như Viện Pasteur, Viện Vệ sinh dịch tễ nhưng có các máy móc hiện đại để xét nghiệm nhiều loại bệnh, nên quy định mới trong Nghị định 146 sẽ cho phép các cơ sở y tế khác gửi mẫu đến đây để xét nghiệm, sau đó gửi kết quả về cơ sở y tế đó và người bệnh vẫn được thanh toán BHYT.
Ảnh: VGP/Thúy Hà. |
Liên quan đến quy định chuyển tuyến, trường hợp người bệnh được cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên chẩn đoán, chỉ định điều trị, sau đó chuyển về tuyến dưới để quản lý, theo dõi hoặc cấp phát thuốc tại cơ sở y tế tuyến xã cũng vẫn được BHYT thanh toán. Quy định mới này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, được khám, chữa bệnh gần nơi cư trú, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân. Hiện tại, BHYT chỉ thanh toán cho trường hợp bệnh nhân từ tuyến dưới lên tuyến trên, chưa thanh toán cho bệnh nhân chuyển từ tuyến trên về tuyến dưới.
Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: VGP/Thúy Hà. |
Đối với trường hợp bệnh nhân đang điều trị nhưng thẻ BHYT hết hạn, sẽ được BHYT thanh toán thêm 15 ngày trong đợt điều trị đó. Thời gian này, bệnh nhân nên thực hiện mua thẻ BHYT kế tiếp.
Trường hợp người có thẻ BHYT tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến, sau đó tiếp tục được chuyển tuyến đến nơi khác thì quỹ BHYT sẽ thanh toán theo hình thức trái tuyến, trừ các trường hợp cấp cứu, đang điều trị nội trú được phát hiện bệnh khác ngoài phạm vi chuyên môn của cơ sở y tế đang điều trị.
Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, theo lộ trình Đề án 3116 về liên thông kết quả xét nghiệm, chậm nhất năm 2018, sẽ liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt, năm 2020, liên thông phòng xét nghiệm cùng mức chất lượng trong phạm vi mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đến năm 2025 sẽ áp dụng liên thông với các phòng xét nghiệm trên toàn quốc.
Trong năm 2018, Bộ Y tế sẽ đánh giá các phòng xét nghiệm của các bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt, sau đó sẽ công bố kết quả. Hiện, trên toàn quốc có khoảng 3.000 phòng xét nghiệm.