Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201811/bao-luc-gia-dinh-dang-sau-chiec-mat-na-hanh-phuc-825922/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201811/bao-luc-gia-dinh-dang-sau-chiec-mat-na-hanh-phuc-825922/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bạo lực gia đình đằng sau chiếc mặt nạ hạnh phúc - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 27/11/2018, 08:10 [GMT+7]

Bạo lực gia đình đằng sau chiếc mặt nạ hạnh phúc

Dù xúc cảm bị bào mòn, tình yêu khô cạn, nỗi đau trở nên chai lì nhưng nhiều người vẫn thay nhau mang chiếc mặt nạ của hạnh phúc, điều này đã vô tình tạo ra bạo lực hoặc bản thân mình chịu bạo lực tại chính ngôi nhà, nơi đáng ra là tổ ấm của mỗi người.

Những không gian mô tả về bạo lực gia đình. Ảnh Nhật Thy
Những không gian mô tả về bạo lực gia đình. Ảnh Nhật Thy
Các hình thức bạo lực gia đình hiện nay cũng diễn biến phức tạp và tinh vi hơn trước. Nó thể hiện dữ dội, ồn ào ở các gia đình có mức sống bình dân, tầng lớp lao động phổ thông và diễn ra "âm thầm, lặng lẽ" trong các gia đình tri thức.
 
Những câu chuyện bạo lực của các nạn nhân, đa phần là trí thức tại Triển lãm "Phía sau cánh cửa" đang diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ khiến người xem giật mình bởi muôn vẻ nỗi đau thể xác, tinh thần. Không có bất cứ nhân chứng nào xuất hiện mà phải qua xử lý hình ảnh, không lộ danh tính tại triển lãm bởi tâm lý không muốn "vạch áo cho người xem lưng", công khai sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc, con cái...
 
Câu chuyện của chị P.T.T. - sinh năm 1980, ở Nam Định - tại phòng trưng bày triển lãm có lẽ là câu chuyện để lại ấn tượng mạnh mẽ cho người tham quan. 
 
Chị T. là tiến sĩ, giảng viên đại học. Chồng chị cũng là người học rộng tài cao. Người ngoài nhìn vào thấy gia đình chị thật hạnh phúc. Thầy trưởng khoa nơi chị giảng dạy thậm chí còn mang gia đình chị ra để "nêu gương" về gia đình mẫu mực, hạnh phúc.
 
Không ai ngờ bao năm qua, chị bị người chồng học rộng biết nhiều thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, thậm chí cả bạo lực tình dục. Còn chị cứ luẩn quẩn trong vòng hào quang của gia đình hạnh phúc mà không thể thoát ra.
 
Chị T. kể mỗi lần đánh chị, chồng thường khóa trái cửa trong phòng để đánh. Những khi vợ chồng vui vẻ, chị có hỏi vì sao anh đánh chị, anh nói: "Em làm theo anh thì chả có vấn đề gì". Chồng chị không chấp nhận được vợ làm trái ý mình, dù là điều nhỏ nhất. Chị T. kể ví dụ anh bảo chị đi mua chanh mà chị lại mua quất thì chị lập tức bị chửi hoặc "ăn đòn", vì anh cho rằng vợ khinh bỉ chồng.
 
Chồng chị T. có nhu cầu tình dục cao, chị luôn phải đáp ứng, nếu không anh sẽ nghi ngờ. 
 
"Có hôm tôi mệt quá, nói: "Hay hôm nay mình nghỉ một hôm?" thì anh lại kiểm tra điện thoại, hỏi: "Hay cô ngủ với thằng nào rồi nên cô không muốn tôi?". Có khi tôi trốn sang nằm với con để tránh thì anh ấy lôi tôi dậy, nhổ nước bọt vào mặt, chửi tôi trước mặt các con: "Mẹ mày là con khốn nạn". Tôi luôn cảm thấy nhục nhã và đau đớn như bị hiếp dâm" - chị T. chia sẻ câu chuyện đau lòng.
 
Chị T. không phải là trường hợp trí thức duy nhất bị bạo lực gia đình tại triển lãm này. 
 
Chị M.T.D., sinh năm 1988, tại Hưng Yên - là biên tập viên truyền hình. Khi quyết định lấy mối tình đầu của mình, gia đình chị đều khuyên can vì anh nghiện ngập. Vậy nên khi chị bị chồng đánh đập và chịu nhiều hình thức bạo hành khác, chị không thể tâm sự với ai, ngay cả cha mẹ mình. "Tôi cố sống vì đó là sự lựa chọn của mình rồi, mình phải chấp nhận" - chị nói. Thế nên cha mẹ chị D. không hề biết gì về những đau đớn con gái phải chịu đựng, cho tới một ngày chị D. đau đớn, hoảng loạn gọi điện cho mẹ cầu cứu: "Mẹ sang cứu con, con không thể ở đây được".
 
Còn chị P.T.T. - sinh năm 1981, tại Vĩnh Phúc - là nhân viên ngân hàng bị chồng đánh đập tàn bạo đến mức phải chạy trốn tới Ngôi nhà bình yên của Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam lánh nạn. Chị kể hôn nhân của vợ chồng chị không được bố mẹ chồng đồng ý, nên bao năm chị vẫn không được coi là người trong nhà, gia đình bàn bạc việc gì không bao giờ bàn với chị.
 
Khi xảy ra mâu thuẫn, vớ được gì chồng đánh chị bằng cái nấy, vớ được dao cầm dao, không có gì thì anh dùng tay bóp cổ. Hai vết sẹo trên cổ chị là do chồng dùng ngón tay xiết và ấn mạnh đến mức chảy máu. 
 
"Có lần, anh ấy dùng dao phay cứa vào cổ tôi, tôi sợ quá gọi công an đến giải quyết. Đến khi đi làm, tôi nói dối cơ quan là đi đường bị trấn lột. Tôi không muốn cơ quan tôi cũng như cơ quan chồng tôi biết việc tôi thường xuyên bị chồng đánh vì chẳng vui vẻ gì và sợ nói ra cũng ảnh hưởng đến công việc của anh ấy cũng như ảnh hưởng đến con cái mình", nữ nhân viên ngân hàng đau xót kể.
 
Gần đây, hàng xóm đã phải đưa chị đi cấp cứu khi bị chồng đánh tàn tệ. Ở viện được vài ngày, chị phải trốn vào Ngôi nhà bình yên lánh nạn.
 
Không bị bạo lực thể xác, nhưng chị T.B.V.- sinh năm 1979, tại Thanh Hóa là phóng viên truyền thông lại bị chồng bạo lực về tinh thần. Chồng chị uống rượu thì thời thanh niên, đến giờ vẫn vậy và say rượu hàng ngày. Anh uống tới mức thập tử nhất sinh, phải nằm viện cấp cứu vì loạn thần kinh. Chồng chị V. không đánh đập vợ con nhưng cứ say say tỉnh tỉnh, chửi bới rồi nói lè nhè những câu mà không ai hiểu đang nói gì. Hàng ngày sống như vậy, chị V. cảm thấy chán nản, cảm thấy mình như một cái giẻ lau nhà để mọi thứ xấu xa bẩn thỉu đổ lên.
 
Bà Lê Thị Phương Thúy, Trưởng phòng Tư vấn và hỗ trợ phát triển Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cho biết, bạo lực gia đình vẫn diễn ra âm thầm trong đời sống xã hội, bởi cộng đồng dường như đã và đang chấp nhận bạo lực như phương thức hành xử của gia đình. Qua thực tế tiếp xúc với các câu chuyện của người tạm trú tại Ngôi nhà bình yên, có thể thấy được bạo lực gia đình để lại những hậu quả nặng nề tới con trẻ do chúng luôn phải chứng kiến và sống trong môi trường bạo lực.
 
Trẻ gái lớn lên dễ chấp nhận bạo lực như một phương thức hành xử bình thường, còn những trẻ trai cho rằng "bạo lực là phương thức giao tiếp hiệu quả". Vì vậy, việc đảm bảo an toàn cho trẻ trong môi trường gia đình là việc làm cần thiết.
 
Như trường hợp của chị M.T.H - sinh năm 1968, tại Đông Anh, Hà Nội- đang bế tắc vì không sao ngăn được cảnh các con của mình phải thường xuyên chứng kiến cảnh bạo lực tình dục của bố đối với mẹ. Vì điều này mà con trai út của chị bị trầm cảm.
 
Nhìn con trai út bị trầm cảm vì người cha bệnh hoạn, chị H. giận chồng và giận cả chính mình đã không bảo vệ được con. Nhưng chị không dám ly hôn bởi suy nghĩ con cái không có tội tình gì mà phải chịu thiệt thòi được mẹ không có bố, được bố không có mẹ. Cứ như thế, chị chịu đựng cuộc hôn nhân như địa ngục hàng chục năm trời và không tìm được lối thoát.
.

Nguồn: Nhật Thy/Tiengchuong.vn

.