Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201810/hiem-hoa-vi-pham-hanh-lang-an-toan-luoi-dien-821124/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201810/hiem-hoa-vi-pham-hanh-lang-an-toan-luoi-dien-821124/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Hiểm họa vi phạm hành lang an toàn lưới điện - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 29/10/2018, 11:23 [GMT+7]

Hiểm họa vi phạm hành lang an toàn lưới điện

(Congannghean.vn)-Do không tuân thủ khoảng cách an toàn khi thi công đường dây viễn thông dưới hành lang lưới điện, đã có 4 người bị tử vong vào ngày 26/10 vừa qua tại tỉnh Hà Tĩnh. Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu xảy ra sự việc đau lòng này.

Hiện trường vụ phóng điện làm 4 người chết tại tỉnh Hà Tĩnh
Hiện trường vụ phóng điện làm 4 người chết tại tỉnh Hà Tĩnh

Khoảng 17 giờ ngày 26/10/2018, trong lúc dựng cột để kéo cáp công trình viễn thông tại cánh đồng giáp ranh giữa 2 xã Cẩm Lạc và Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), 4 công nhân đã bị điện giật tử vong. Danh tính các nạn nhân được xác định gồm: Phạm Văn Tình, Phạm Văn Lành, Nguyễn Trọng Ngoãn và Nguyễn Văn Cương, đều trú tại thôn Hưng Dương, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên. Trong đó, 2 nạn nhân Phạm Văn Tình và Phạm Văn Lành là anh em ruột.

Trước sự cố tai nạn điện xảy ra làm 4 người tử vong, Đoàn công tác của Bộ Công Thương phối hợp với lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã gấp rút có mặt tại hiện trường để xử lý và khắc phục sự cố. Thông tin ban đầu cho thấy, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel thuê người dân trồng cột cáp viễn thông nhưng không thông báo cho đơn vị quản lý lưới điện là Điện lực huyện Cẩm Xuyên nên khi trồng cột đã chạm vào đường dây 35 kV và điện phóng gây tai nạn.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Giám đốc Chi nhánh Viettel Hà Tĩnh cho biết, việc thi công dựng cột viễn thông do Viettel làm chủ đầu tư nhưng việc thi công là của nhà thầu phụ. Chủ trương thi công đã được Viettel và Điện lực thống nhất, tuy nhiên thi công trong hành lang an toàn lưới điện nhưng đơn vị thi công đã không lập phương án thi công biện pháp an toàn trình Công ty Điện lực Hà Tĩnh phê duyệt.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự việc này. Trước đó, vào tháng 6/2018, tại địa bàn xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), một nhóm người dân gồm 7 lao động tự do, được thuê đi trồng cột dây cáp viễn thông, khi đang dựng cột bê tông đường dây thì cột va vào đường dây điện 35 kV cung cấp điện cho nhà máy Công ty TNHH Masan Nutri-Farm Nghệ An thuộc Masan Group. Vụ va chạm khiến dây điện 35 kV bị đứt làm 4 người tử vong và 3 người khác bị thương.

Hiện trường vụ trồng cột viễn thông dưới hành lang an toàn lưới điện tại huyện Quỳ Hợp khiến 7 người thương vong (tháng 6/2018)
Hiện trường vụ trồng cột viễn thông dưới hành lang an toàn lưới điện tại huyện Quỳ Hợp khiến 7 người thương vong (tháng 6/2018)

Theo Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014, quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện, dây dẫn 22 kV đến công trình phải có khoảng cách ngang tối thiểu lần lượt là 1 m đối với dây bọc, 2 m đối với dây trần; khoảng cách đứng tối thiểu là 3 m. Quy định là vậy nhưng trên thực tế, tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện vẫn diễn ra thường xuyên, tại rất nhiều địa phương và đã có những vụ việc dẫn đến hậu quả hết sức đau lòng.

Việc vi phạm này khá đa dạng, với những lỗi phổ biến, từ kinh doanh buôn bán, lắp đặt bảng hiệu quảng cáo, dán quảng cáo rao vặt tại các trụ điện, trạm điện; tự ý cơi nới công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện trong quá trình xây dựng, sửa sang nhà cửa; chặt cây vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện; các phương tiện thi công cơ giới va quệt vào đường dây điện đến thi công các công trình, dự án; thậm chí tại một số địa phương, chính quyền cấp bìa đỏ chồng lấn hành lang an toàn lưới điện. Hay như tại huyện Quỳ Hợp, ở Khu công nghiệp Thung Khuộc có đến 10 doanh nghiệp nằm trong khu vực hành lang an toàn lưới điện của đường dây 35 kV từ Quỳ Hợp đi 2 huyện Quỳ Châu và Quế Phong…

Ông Nguyễn Kế Sự, Phó Giám đốc Điện lực huyện Nam Đàn cho hay, đơn vị đã nhiều lần gửi báo cáo về việc vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp của nhiều hộ dân tại các xã Nam Nghĩa và Nam Thái đối với nhánh rẽ trạm 1 Nam Hưng (thuộc đường dây lộ 971 E15.15, cấp điện áp 10kV). Vi phạm xảy ra khi người dân xây dựng, cơi nới nhà cửa sát với đường dây, một số hộ dân còn xây nhà “ôm” cả cột điện. Ngành điện lực biết có sự vi phạm đó nhưng không được phép trực tiếp cưỡng chế, buộc tháo dỡ những công trình vi phạm mà chỉ ra báo cáo vi phạm gửi các cấp chính quyền phối hợp xử lý.

Điều 15, Nghị định 134 năm 2013 về xử phạt trong lĩnh vực điện lực đã quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định an toàn lưới điện. Theo đó, mức phạt tiền thấp nhất là 1 triệu đồng, cao nhất là 50 triệu đồng, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm. Ngoài hình thức xử phạt chính là phạt tiền thì người, tổ chức vi phạm còn có thể bị các hình thức phạt bổ sung như tịch thu phương tiện vi phạm, bồi thường thiệt hại, khôi phục lại hiện trạng ban đầu, đồng thời buộc chấm dứt hành vi vi phạm. Đối với những hành vi vi phạm có tính chất và mức độ nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý vi phạm hành chính một lần mà vẫn tiếp tục vi phạm thì đối tượng vi phạm có thể bị xử lý hình sự.

Quy định là vậy, song do ý thức, chủ quan nên tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện vẫn diễn ra thường xuyên, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc và đau lòng. 2 vụ việc kéo cáp viễn thông khiến 8 người chết, 3 người khác bị thương do vi phạm hành lang an toàn lưới điện là bài học nhãn tiền để ngành điện cũng như các cơ quan chức năng liên quan cần có các biện pháp mạnh tay hơn nữa để tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn hành lang lưới điện, tránh những hậu quả đau lòng tương tự có thể xảy ra.

.

Thiên Thảo

.