(Congannghean.vn)-Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, trong bối cảnh thù trong giặc ngoài, đất nước gặp muôn vàn khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn quan tâm thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ. Trong Thư gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc,” Người căn dặn: “Thương binh là những người hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”
Thấm nhuần lời căn dặn của Bác, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trông cây” những năm qua Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nghi Phú (Thành phố Vinh) luôn làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa nhằm tri ân và tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những thế hệ cha anh đã cống hiến xương máu vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.
Xã Nghi Phú hiện đang quản lý và chi trả chế độ thường xuyên cho 442 người thuộc diện chính sách, người có công với cách mạng, trong đó 222 người là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; 34 người là bệnh binh; 151 người hưởng chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sĩ; 31 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Và nhiều liệt sỹ được Đảng, chính quyền, Uỷ ban MTTQ và nhân dân ghi công tại Nhà bia liệt sĩ của xã.
Công tác đền ơn đáp nghĩa được xã Nghi Phú quan tâm |
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Thành Tùng, Chủ tịch UBND xã Nghi Phú cho biết: Xác định công tác đền ơn đáp nghĩa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, qua đó thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, trong những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội xã Nghi Phú luôn quan tâm đến việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng. Xã luôn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật của Nhà nước tới mọi tầng lớp nhân dân, kịp thời biểu dương điển hình tiên tiến, cách làm hay của các cá nhân, tập thể trong công tác đền ơn đáp nghĩa. Xã cũng phát động các xóm và đông đảo nhân dân có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng. Các ngành, các cấp, đoàn thể của xã cũng chủ động tích cực, phối hợp chặt chẽ, toàn diện với các xóm để triển khai các hoạt động đền ơn đáp nghĩa…
Chính vì vậy, việc thực hiện chế độ, chính sách cho các đối tượng thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công ở xã Nghi Phú đã đạt được nhiều kết quả thiết thực. Đời sống của các hộ gia đình chính sách, người có công của xã ngày càng được cải thiện, cả về vật chất lẫn tinh thần. Đến nay, trên địa bàn xã đại đa số các hộ gia đình chính sách, người có công đều có mức sống trung bình trở lên, không còn gia đình thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ nào là hộ nghèo. Xã luôn thực hiện đầy đủ, chính xác và kịp thời các chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công và thân nhân. Hàng năm, thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên cho trên 250 người có công, với tổng kinh phí trên 400 triệu đồng đồng; hỗ trợ hàng trăm triệu đồng từ các nguồn giúp 2 gia đình chính sách xây mới và 29 gia đình sửa chữa nhà; tổ chức tốt điều dưỡng cho những người có công; thực hiện điều chỉnh và cấp phát thẻ BHYT khám, chữa bệnh kịp thời cho trên 300 người thuộc diện chính sách, người có công; 100% các xóm luôn thực hiện tốt công tác chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Trung bình, mỗi năm xã vận động được trên 40 triệu đồng đóng góp vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa để thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người có công hoặc thân nhân của họ khám, chữa bệnh khi ốm đau và khi qua đời mà gia đình gặp khó khăn.
Vào dịp lễ, Tết, các ngày kỷ niệm, Đảng ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ xã thường xuyên tổ chức chăm sóc, thăm viếng mộ liệt sĩ đã được các gia đình quy tập tại địa phương; tổ chức đoàn thăm, tặng hàng trăm suất quà các gia đình chính sách, người có công.
Ông Lê Anh Dũng ở xóm 2 là một trong số những người có công với cách mạng trên địa bàn xã Nghi Phú được quan tâm, hỗ trợ trong những năm qua. Trao đổi với chúng tôi, ông cho biết: Sau khi đất nước thống nhất, ông trở về nhà với tình trạng sức khỏe mất 81%. Tích góp nhiều năm ông mới xây được căn nhà. Sau 30 năm sử dụng, ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng mà ông thì không còn đủ sức để tự mình làm nhà. Năm 2017, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của thành phố và xã đã hỗ trợ gia đình ông 20 triệu đồng sửa chữa lại nhà. Ông nói: “Niềm vui lớn của ông là luôn nhận được sự quan tâm của Nhà nước, của xã hội.”
Còn ông Nguyễn Văn Bảo, thương binh hạng 1/4 ở xóm 3 thì cho biết: Tôi rất vui mừng thấy đồng đội được Nhà nước, xã hội quan tâm giúp đỡ khi gặp khó khăn. Bản thân tôi là thương binh nặng, sức khỏe yếu, khả năng lao động bị hạn chế nên thường xuyên được cấp ủy đảng, chính quyền và bà con lối xóm thăm hỏi động viên.
Làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Nghi Phú nhằm phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, góp phần tri ân những người đã không tiếc máu xương vì độc lập tự do của dân tộc.