Gia đình xã hội
Phụ nữ, trẻ em bị xâm hại: Im lặng không làm sự việc qua đi
08:24, 12/06/2018 (GMT+7)
Hàng loạt vụ hiếp dâm, xâm hại phụ nữ, trẻ em gái xảy ra trong thời gian qua khiến dư luận bức xúc. Phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân trong những vụ việc này phải trải qua vô vàn những trạng thái tâm lý khủng hoảng, thế nhưng lại rất khó đứng lên để tố cáo hành vi.
Phụ nữ bị xâm hại hãy dũng cảm lên tiếng để bảo vệ bản thân mình-Ảnh minh họa |
Tại sao lại như vậy, cách nào là tốt nhất để bảo vệ những người yếu thế khỏi các hành vi xâm hại, hiếp dâm? Báo Lao Động có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Gia đình-Xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam.
Thưa bà, thời gian vừa qua có rất nhiều vụ hiếp dâm, xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em. Bà đánh giá như thế nào về tình trạng này?
Qua thông tin báo chí cũng như báo cáo từ các cấp Hội, có thể thấy gần đây đã xảy ra nhiều vụ xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em với tính chất nghiêm trọng và có xu hướng tăng lên. Đây là sự xâm phạm nghiêm trọng nhân phẩm và quyền con người của phụ nữ và trẻ em, có ảnh hưởng lâu dài đến thể chất, tinh thần của người bị xâm hại và cả gia đình họ.
Phụ nữ khi bị xâm hại, hiếp dâm sẽ phải chịu những khủng hoảng như thế nào, thưa bà?
Thiệt hại mà tội phạm xâm hại, hiếp dâm gây ra cho nạn nhân không chỉ đơn thuần là thiệt hại về thể chất mà còn là những thiệt hại về tinh thần không gì có thể bù đắp được và có ảnh hưởng nghiêm trọng, lâu dài tới nạn nhân và cả gia đình họ.
Hầu hết các nạn nhân đều phải đối mặt với mặc cảm xấu hổ, sợ người khác biết; một số phụ nữ bị sang chấn tinh thần, phải mất một thời gian dài mới có thể trở lại cuộc sống bình thường và phần lớn trong số này thường xuyên ở trạng thái lo âu, mất ngủ.
Thậm chí, có tới gần ½ số phụ nữ bị hiếp dâm từng có ý định tự sát vì không chịu nổi khủng hoảng tâm lý sau khi trở thành nạn nhân bị hiếp dâm.
Có thể nói, đời sống vật chất cũng như tinh thần của tất cả các nạn nhân của tội hiếp dâm đều có nhiều trở ngại, bất ổn. Đặc biệt là thời gian đầu, sau khi tội phạm hiếp dâm xảy ra, nhiều nạn nhân đã không muốn và không thể sống tại địa phương, họ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống riêng.
Những hậu quả tâm lý mà nạn nhân của tội hiếp dâm và xâm hại tình dục phải gánh chịu vô cùng nặng nề trong khi nạn nhân của đa số các tội phạm khác không phải hoặc ít khi rơi vào tình trạng tương tự.
Thưa bà, khi bị xâm hại, hiếp dâm, phụ nữ sẽ gặp những rào cản, khó khăn như thế nào trong việc tố cáo?
Xuất phát từ tính chất của các vụ án xâm hại tình dục là xâm hại danh dự, nhân phẩm của người phụ nữ nên chị em có tâm lý e ngại, mặc cảm khi tố cáo với cơ quan chức năng. Nhiều người vì xấu hổ hoặc sợ ảnh hưởng đến cuộc sống tương lai của mình, của con cái mình, sợ hạnh phúc gia đình tan vỡ hoặc sợ bị thủ phạm trả thù mà nạn nhân hoặc người thân giữ im lặng hoặc cam chịu.
Bên cạnh đó, do vụ việc thường xảy ra ở nơi vắng, vào ban đêm nên không có đủ bằng chứng, nhân chứng đi tố cáo tội phạm. Chưa kể vẫn còn tình trạng “đổ lỗi cho nạn nhân”, thiếu chia sẻ, cảm thông cũng khiến nạn nhân ngại tố cáo.
Khi bị xâm hại, hiếp dâm, phụ nữ nên làm gì để bảo vệ bản thân mình?
Sự tổn thương về thể xác, tinh thần của nạn nhân ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của họ trong tương lai. Việc im lặng, giấu giếm sẽ không làm cho vụ việc qua đi được, vì vậy khi bị xâm hại người phụ nữ phải xác định đây hoàn toàn không phải là lỗi của họ, vì vậy họ cần phải chia sẻ, tâm sự với người thân để được ủng hộ, hỗ trợ về tâm lý. Họ nên giữ các chứng cứ để tố cáo với cơ quan chức năng.
Họ có thể tìm đến các tổ chức đoàn thể như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, các địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, các đơn vị tư vấn pháp lý để được hỗ trợ về thủ tục pháp lý cũng như trợ giúp về tâm lý, về y tế.
Thời gian qua Hội LHPN Việt nam đã có những hoạt động gì để phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em?
Để giúp phụ nữ có kiến thức, kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục, các cấp Hội có nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em như sinh hoạt hội viên, đối thoại chính sách, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động, sân khấu hóa, thi tìm hiểu pháp luật, viết bài đưa tin trên hệ thống thông tin đại chúng, tổ chức các câu lạc bộ (CLB Phụ nữ với pháp luật, CLB trợ giúp pháp lý, CLB phòng, chống bạo lực gia đình); phòng chống ma túy từ trong gia đình; phòng chống mua bán người, tố giác tội phạm…
Hiện có 16 tỉnh/thành, Hội thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật, 19 tỉnh/thành, Hội thành lập Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Một số tỉnh/thành, Hội có phòng tư vấn pháp luật, tổ trợ giúp pháp lý.
Tại Trung ương, mới đây nhất đã ra đời “Tổ tư vấn pháp luật và tâm lý hỗ trợ Hội LHPN Việt Nam trong bảo vệ phụ nữ và trẻ em” và tổ chức lễ ra mắt Tổ tư vấn, tổ chức hội thảo tham vấn chuyên gia trao đổi kinh nghiệm về các vấn đề lồng ghép giới trong dự thảo luật, cách thức lên tiếng các vụ việc bảo vệ phụ nữ, trẻ em của tổ chức Hội LHPN các cấp.
Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!
Nguồn: Tiengchuong.vn