Gia đình xã hội
Gia tăng tình trạng mượn thẻ bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh
(Congannghean.vn)-Hiện nay, tình trạng người dân mượn thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) để đi khám, chữa bệnh (KCB) đang có chiều hướng gia tăng, gây thất thoát lớn cho Quỹ BHYT. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải quyết liệt ngăn chặn và hơn hết là cần có chế tài xử lý nghiêm khắc hành vi nói trên.
Người dân làm thủ tục khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa TP Vinh |
Những con số “biết nói”
Theo số liệu do Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Nghệ An cung cấp, trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, phát hiện 57 trường hợp sử dụng thẻ BHYT của người khác, 21 trường hợp sử dụng chứng minh nhân dân giả để KCB.
Trước những hành vi vi phạm về lĩnh vực y tế khi cho người khác mượn thẻ BHYT, BHXH tỉnh đã phối hợp với các cơ sở KCB trên địa bàn tiến hành lập biên bản tạm thu hồi thẻ BHYT của nhiều trường hợp như: Nguyễn Công Hưng (SN 1981), xóm Hồng Thịnh, xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành; Đặng Văn Nhật (SN 1984), xã Hưng Đông, TP Vinh; Lê Thị Nhung (SN 1977), xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu; Nguyễn Đình Hữu (SN 1971), xóm 11, xã Nghĩa Hành, huyện Tân Kỳ; Võ Hữu Hòa (SN 1984), Machine-1509527, Công ty TNHH PREX Vinh; Nguyễn Thị Hồng Lam (SN 1968), phường Hưng Bình, TP Vinh; Nguyễn Trọng Quyết (SN 1980), xóm 4, xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương...
Đặc biệt, BHXH tỉnh phát hiện ông Nguyễn Văn Hùng (SN 1969), xóm 5, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành sử dụng thẻ BHYT của ông Nguyễn Văn Liệu trú cùng xã để thực hiện KCB tại Bệnh viện Đa khoa Nghệ An. Đối với trường hợp này, đơn vị đã phối hợp với Bệnh viện tiến hành lập biên bản tạm thu hồi thẻ BHYT của ông Nguyễn Văn Liệu.
Bên cạnh đó, yêu cầu BHXH huyện Yên Thành kiến nghị với UBND xã Hợp Thành ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Nguyễn Văn Hùng. Không cấp lại thẻ BHYT cho ông Nguyễn Văn Liệu; thực hiện chức năng “Thu hồi thẻ BHYT” trên hệ thống phần mềm cho đến khi ông Nguyễn Văn Hùng xuất trình quyết định xử phạt vi phạm hành chính và hóa đơn nộp phạt với cơ quan BHXH huyện Yên Thành; đồng thời thu hồi chi phí KCB phát sinh tại Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông từ ngày 16/1 - 17/1/2018 với số tiền 3.005.240 đồng.
Trên đây là những trường hợp vi phạm do được phát hiện kịp thời nên đã không gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại với mức độ thấp cho Quỹ BHYT. Tuy nhiên, đối với những trường hợp chưa bị phát hiện thì có lẽ số tiền gây thất thoát cho Quỹ BHYT từ hành vi này mang lại là rất lớn.
Khó khăn trong công tác phát hiện, xử lý
Điều 65, Nghị định 76/2013/NĐ-CP quy định: “2. Phạt tiền đối với hành vi cho người khác mượn thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT của người khác trong KCB theo một trong các mức sau đây: a) Từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm nhưng chưa làm thiệt hại đến Quỹ BHYT; b) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm làm thiệt hại đến Quỹ BHYT. 3. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc hoàn trả số tiền đã được Quỹ BHYT chi trả vào tài khoản thu của Quỹ BHYT đối với hành vi quy định tại Điểm b, Khoản 1 và Điểm b, Khoản 2, Điều này; b) Buộc người sử dụng thẻ BHYT hoàn trả toàn bộ chi phí KCB đã được Quỹ BHYT chi trả vào tài khoản thu của Quỹ BHYT đối với hành vi quy định tại Điểm b, Khoản 1 và Điểm b, Khoản 2, Điều này; c) Kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi thẻ BHYT đối với hành vi quy định tại Khoản 1, Điều này”. |
Thực tế cho thấy, tình trạng mượn thẻ BHYT để đi KCB được thực hiện dưới nhiều chiêu thức. Theo đó, để khớp với thông tin trên thẻ BHYT mượn của người khác, người mượn thẻ đã dùng Giấy xác nhận của chính quyền địa phương là không có chứng minh nhân dân (hoặc xác nhận 2 người là 1). Tinh vi hơn là làm giả chứng minh nhân dân để sử dụng thẻ BHYT của người khác đi KCB BHYT. Do lượng bệnh nhân đến KCB hàng ngày rất đông, chủ yếu vào viện trong tình trạng cấp cứu nên nhiều cơ sở KCB không thể phát hiện kiểu trục lợi Quỹ BHYT này.
Với chiêu thức kể trên, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều trường hợp thực hiện trót lọt và đi KCB ở tuyến Trung ương. Điển hình như trường hợp ông Phan Văn Hương sử dụng thẻ BHYT của ông Phan Văn Khẩn (SN 1964), xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu để KCB tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An kèm theo giấy chuyển tuyến KCB của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mượn thẻ BHYT đi KCB. Trong đó, ý thức của đa số người dân về những lợi ích thiết thực, mang tính nhân văn của các chính sách liên quan đến BHYT vẫn còn nhiều hạn chế. Người cho người khác mượn thẻ BHYT dù vô tình hay cố ý đều đã tạo điều kiện cho người khác trục lợi ngay trên chính quyền lợi KCB BHYT của mình.
Bên cạnh đó, theo quy định, đối với hành vi cho người khác mượn thẻ BHYT của chủ thẻ sẽ bị tạm giữ thẻ trong thời hạn 30 ngày. Trong thời gian trên, người cho mượn thẻ không được hưởng quyền lợi BHYT. Quỹ BHYT chỉ hoàn trả thẻ và chi trả phí KCB khi người vi phạm đã nộp phạt theo quy định. Người sử dụng thẻ BHYT của người khác sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn trả toàn bộ chi phí KCB đã được quỹ BHYT chi trả (nếu có). Đó là còn chưa nói đến những trường hợp cho và mượn thẻ BHYT trong quá trình KCB nếu xảy ra các tai biến, biến chứng hoặc bệnh nặng dẫn tới tử vong sẽ có sự liên quan đến pháp lý.
Hành vi cho người khác mượn thẻ BHYT hay sử dụng thẻ BHYT của người khác để đi KCB đã vi phạm vào Khoản 2, Điều 65, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013. Rõ ràng, nếu đối chiếu theo luật thì các trường hợp nói trên đã có hành vi trục lợi Quỹ BHYT. Tuy nhiên, trên thực tế, khi phát hiện sai phạm, ngành BHXH chỉ có thẩm quyền lập biên bản, thu hồi và tạm giữ thẻ BHYT. Hiện nay, hình thức, mức xử phạt theo quy định còn nhẹ nên không đủ sức răn đe đối với các đối tượng cố tình lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT.
Để hạn chế tình trạng người dân mượn thẻ BHYT đi KCB, thời gian tới, BHXH tỉnh yêu cầu các giám định viên BHYT và các cơ sở KCB phối hợp chặt chẽ để kiểm tra thủ tục KCB BHYT theo quy trình giám định BHYT nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn những sai phạm. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại các địa bàn, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa; qua đó, nâng cao nhận thức về trách nhiệm và quyền lợi của người dân tham gia BHYT trong KCB. Phối hợp kiểm tra, phát hiện và thông báo cho các địa phương những trường hợp vi phạm sử dụng thẻ BHYT; phối hợp thu hồi, tạm giữ thẻ BHYT bị tẩy xóa, sửa chữa, sử dụng thẻ BHYT của người khác để KCB.
Sự vào cuộc quyết liệt của ngành BHXH và các cơ quan chức năng trong việc xử lý tình trạng sử dụng thẻ BHYT để KCB là điều hết sức cần thiết và đã được minh chứng bằng những việc làm cụ thể trong thời gian qua. Tuy nhiên, để hạn chế tối đa tình trạng nói trên thì ý thức của người dân được xem là điều kiện tiên quyết, qua đó nhằm đảm bảo lợi ích thiết thực cho mỗi cá nhân và cộng đồng, trên hết là đảm bảo hiệu quả và tính nhân văn của các chính sách liên quan đến BHYT của Đảng và Nhà nước.
An Nhiên