Gia đình xã hội
Phát hiện 3 loài cây hút khí độc trong nhà
Khử khí độc trong nhà có rất nhiều cách, nhưng trồng cây để khử các loại khí độc là cách dễ thực hiện và tiết kiệm nhất. 3 loài cây hút khí độc trong nhà dưới đây sẽ giúp bạn loại bỏ các tạp khí, giúp cải thiện sức khỏe gia đình tốt hơn. Lần đầu tiên các nhà khoa học thuộc trường Đại học Lâm Nghiệp nghiên cứu thành công một số loài cây vừa có tác dụng làm cảnh đẹp vừa có khả năng xử lý khí độc.
Khí độc trong nhà là gì?
Theo TS Phùng Văn Khoa, Phó Chủ nhiệm Khoa sau đại học, trường Đại học Lâm nghiệp (Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội), toluene là một dung môi hữu cơ dễ bay hơi và được ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp. Trong nhà, khí toluene có thể phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau như sơn, khói thuốc lá, chất tẩy rửa, hoặc có thể bị khuếch tán từ ngoài trời vào trong nhà.
Ghi nhận thực tế cho thấy, trong nhà thoáng của dân, hàm lượng này chưa đến mức nguy hiểm. Tuy nhiên, tại những khu nhà mới hoặc gần các nhà máy sản xuất, gần đường giao thông thì hàm lượng khí này tương đối cao.
Theo các nghiên cứu, đây là một trong những chất gây ô nhiễm không khí trong nhà rất nguy hiểm. Bởi nó có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, làm người ở trong nhà có cảm giác buồn ngủ, đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt... Khi ở nồng độ cao, khí toluene có thể ảnh hưởng đến não bộ, gây bất tỉnh và thậm chí gây tử vong.
"Việc lựa chọn được giải pháp phù hợp nhằm giảm thiểu các chất khí độc hại như toluene ở môi trường trong nhà là điều hết sức cần thiết và cấp bách. Một trong những giải pháp thân thiện nhất với môi trường đã được biết đến đó là dùng thực vật để hấp thu chất ô nhiễm (Phytoremediation) đồng thời có tác dụng làm cảnh đẹp", TS Phùng Văn Khoa cho biết.
Thiết mộc lan có thể hấp thu khí toluene trong nhà.
Ba loài cây nên trồng trong nhà
TS Phùng Văn Khoa, ThS Bùi Văn Năng và ThS Nguyễn Thị Bích Hảo là những người nghiên cứu sử dụng cây xanh để hấp thu khí độc. Theo đó, các chuyên gia cho rằng ba loài cây hấp thu khí toluene cao nhất trong 20 cây đã được khảo sát là Thiết mộc lan, Ngũ gia bì và Dương xỉ thường. Điều này dựa trên kế quả nghiên cứu: Sau 72 giờ tiếp xúc, Thiết mộc lan hấp thu 2,7µg/cm2 (đơn vị diện tích lá), Ngũ gia bì hấp thu 1,20µg/cm2, cây Cồ nốc hoa đầu hấp thu 1,00µg/cm2.
Cũng theo nhóm tác giả trên, ba loài cây này đã được lựa chọn nghiên cứu vì mang tính thẩm mỹ cao nên có thể trồng trong nhà như một loại cây cảnh. Ngoài ra, khi tiếp xúc với khí toluene ở nồng độ từ 8,0 - 12,0mg/m3, các loài cây này vẫn sinh trưởng bình thường và không có biểu hiện khác thường nào về hình thái.
Các chuyên gia khuyên, khi trồng cây nên có mật độ phù hợp để có tác dụng cao. Ví dụ, nhà khoảng 10m2 nên trồng từ 2 - 3 cây, trong đó nên có một cây cao khoảng 1m và đường kính tán 0,5m, còn một cây nhỏ hơn đặt gần nơi ngồi làm việc. Bởi các nghiên cứu đã chứng minh, khi để cây gần người sẽ giúp thư giãn và tăng hiệu suất làm việc. Khi trên bàn làm việc có cây xanh nhỏ không những giúp hấp thu khí ô nhiễm mà còn giúp phát huy tính sáng tạo, khả năng tập trung cao hơn.
Thiết mộc lan
Đây là cây có lá mọc thành hình nơ (hoa thị), bóng và sẫm màu, phiến lá có sọc rộng nhạt màu hơn và ngả vàng ở phần trung tâm. Nó là loại cây bụi phát triển chậm với các lá dài. Thiết mộc lan có thể hút khí toluen và khí CO.
Theo kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả Đại học Lâm nghiệp, khả năng hấp thụ khí toluen sau 24h tiếp xúc (tính trên một đơn vị diện tích bề mặt lá) của thiết mộc lan là 1.3 µg/cm2, 2,7 µg/cm2 sau 72 giờ tiếp xúc.
Cây ngũ gia bì
Cây ngũ gia bì còn có tên gọi khác là ngũ gia bì chân chim, sâm non. Có 2 loại phổ biến là: Ngũ gia bì xanh và ngũ gia bì vàng. Cây sống khỏe, có thể trồng bằng cắm cành, chịu lạnh khá tốt, nhu cầu nước trung bình.
Ngũ gia bì là một loại cây quý, thường được trồng trang trí nội thất, đại sảnh, phòng khách, ...
Ngoài tác dụng làm cảnh, ngũ gia bì còn có tác dụng giúp đuổi muỗi, côn trùng trong không gian sống xung quanh ngôi nhà.
Theo kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả Đại học Lâm nghiệp, khả năng hấp thụ khí toluen sau 24 giờ tiếp xúc của ngũ gia bì là 0,7 µg/cm2 và 1,2 µg/cm2 sau 72 giờ tiếp xúc.
Nhưng dù bạn ưa thích trồng và bài trí cây gì, khi đặt cây đều cần chú ý chọn những cây tươi tốt, khoẻ khoắn, dáng vươn lên cao sẽ tạo ra được nhiều sinh khí cho văn phòng, nhà ở.
Cây dương xỉ
Những loại cây hút khí cực độc nên trồng trong nhà như cây dương xỉ có thể hút khí aldehyde formic.
Cây mọc bò dài, dựng đứng ở đầu, lá mọc dạng trái xoan nhọn hai đầu, gốc có bẹ ôm thân, mềm. Cây dương xỉ có thể hút khí aldehyde formic.
TH