Gia đình xã hội
Giải quyết chế độ cho người có công: Kịp thời, toàn diện
(Congannghean.vn)-Năm 2017, tỉnh ta đã thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công theo quy định của Đảng và Nhà nước; duy trì và nhân rộng các chương trình "Đền ơn đáp nghĩa". Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và đảm bảo an sinh xã hội.
Toàn tỉnh có hơn 45 nghìn liệt sỹ, gần 40 nghìn thương binh, 13 nghìn bệnh binh, 19 nghìn người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc hóa học… Hiện, có 77 nghìn người đang hưởng chế độ chính sách cho người có công (NCC), với kinh phí gần 122 tỉ đồng/tháng. Mặc dù trong điều kiện khó khăn nhiều mặt về KT-XH, song năm qua, công tác chăm sóc NCC với cách mạng trên địa bàn tỉnh được quan tâm thường xuyên; các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” tiếp tục được xã hội hóa và tạo sức lan tỏa sâu rộng.
Bệnh viện Quân y 4 tặng quà cho hội viên cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo tại xã Hưng Lộc, TP Vinh |
Toàn tỉnh thu được 19,17 tỉ đồng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ xây mới 180 ngôi nhà với số tiền 16,6 tỉ đồng, sửa chữa 190 ngôi nhà với số tiền 7,7 tỉ đồng. Các cấp, ngành liên quan cũng đã kịp thời giải quyết các chế độ, chính sách đối với NCC cho 33.356 trường hợp, chi trả kịp thời chế độ trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho gần 76.425 NCC với số tiền chi trả cả năm là 1.488,134 tỉ đồng.
Cũng trong năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh đã rà soát, giải quyết chế độ cho hơn 1.000 hồ sơ NCC còn vướng mắc và chi trả kịp thời chế độ cho các đối tượng. Nhờ sự vào cuộc đồng bộ và sự nỗ lực của ngành LĐ-TB&XH, đến nay, trên địa bàn tỉnh không có hồ sơ NCC tồn đọng theo quy định tại Quyết định 408 ngày 20/3/2017 của Bộ LĐ-TB&XH.
Tuy nhiên, để tiếp tục chăm lo tốt hơn cho đối tượng NCC, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 240 và Hướng dẫn 328 tiến hành rà soát hồ sơ tồn đọng của tất cả các đối tượng NCC trên địa bàn tỉnh một cách toàn diện. Đối với trường hợp tham gia kháng chiến đã hy sinh nhưng hiện không có hồ sơ liệt sỹ, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã có văn bản tham mưu đề nghị Bộ LĐ-TB&XH ban hành cơ chế chính sách, văn bản pháp quy để có căn cứ thiết lập hồ sơ xác nhận công nhận liệt sỹ cho các trường hợp nói trên.
Liên quan đến việc thu hồi chế độ NCC đối với những đối tượng đã bị đình chỉ theo kết luận thanh tra của Bộ LĐ-TB&XH, cũng theo Sở LĐ-TB&XH: Một số đối tượng không có khả năng thu hồi như những người già cả không nơi nương tựa, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo thì địa phương không tiến hành truy thu nữa.
Cũng trong năm qua, việc hỗ trợ nhà ở cho NCC với cách mạng trên địa bàn cũng được thực hiện hiệu quả. Theo Đề án hỗ trợ nhà ở cho NCC với cách mạng trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt, tổng số hộ cần được hỗ trợ về nhà ở là 26.846 hộ (13.748 hộ xây dựng mới và 13.098 hộ sửa chữa), với kinh phí gần 816 tỉ đồng. Được biết, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông báo nguồn chi hỗ trợ về nhà ở cho đối tượng NCC trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo Quyết định 22/2013 của Thủ tướng Chính phủ là 738 tỉ đồng.
Với sự quan tâm chăm lo đặc biệt đối với NCC của các cấp, ngành, tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác nhận NCC với cách mạng còn tồn đọng; từng bước rà soát, phân loại và có hướng giải quyết đối với các đối tượng NCC còn tồn đọng ở cấp cơ sở. Cùng với đó, 100% gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Với số lượng lớn NCC với cách mạng, trong khi tiềm lực KT-XH còn chưa thật sự vững mạnh và liên tục phải gánh chịu hậu quả nặng nề của thiên tai, đời sống NCC gặp nhiều khó khăn thì việc thực hiện các chính sách ưu đãi đối với đối tượng này đặt ra cho tỉnh nhà nhiều yêu cầu cần sớm giải quyết. Do vậy, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về hỗ trợ NCC, rất cần hơn nữa sự chung tay của cộng đồng trong việc giúp đỡ NCC về cả vật chất lẫn tinh thần để góp phần làm vơi đi phần nào những thiệt thòi mà họ phải gánh chịu trong cuộc sống.
Hồng Hạnh