Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201708/vo-liet-sy-cong-an-nhan-dan-giua-thoi-binh-753642/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201708/vo-liet-sy-cong-an-nhan-dan-giua-thoi-binh-753642/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Vợ liệt sỹ Công an nhân dân giữa thời bình - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 22/08/2017, 09:37 [GMT+7]

Vợ liệt sỹ Công an nhân dân giữa thời bình

(Congannghean.vn)-Vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân, không chỉ trong chiến tranh mà giữa thời bình, để đấu tranh chống lại cái ác đang len lỏi, có không ít cán bộ, chiến sỹ CAND đã ngã xuống. Những người vợ còn rất trẻ, hàng chục năm qua họ vẫn thủy chung son sắt, kiên định thủ tiết thờ chồng và nuôi dạy con cái phương trưởng, nối nghiệp vinh quang của cha.

Chúng tôi về xóm 1, xã Thịnh Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, tìm gặp bà Thái Thị Hồ (SN 1945), là vợ của liệt sỹ CAND Nguyễn Công Thiết (SN 1941), hy sinh cách đây tròn 30 năm khi quyết liệt đấu tranh với tội phạm để giữ bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Từ đó đến nay, người vợ ấy vẫn ở vậy, một mình lặng lẽ chăm sóc 4 đứa con khôn lớn, trưởng thành và 2 trong số này đã tiếp bước cha để khoác lên mình màu áo truyền thống của lực lượng CAND, như một sự tri ân và tiếp nối.

30 năm qua, bà Thái Thị Hồ, vợ liệt sỹ CAND Nguyễn Công Thiết vẫn thủ tiết thờ chồng, nuôi con khôn lớn
30 năm qua, bà Thái Thị Hồ, vợ liệt sỹ CAND Nguyễn Công Thiết vẫn thủ tiết thờ chồng, nuôi con khôn lớn

20 năm làm vợ, 30 năm góa phụ

Trong căn nhà nhỏ tĩnh lặng, được che chắn bởi những tán cây rợp bóng mát, bà Thái Thị Hồ bồi hồi nhớ lại, Nguyễn Công Thiết có hoàn cảnh rất đặc biệt khi cha mất sớm, mẹ đi bước nữa khiến ông phải đi ở từ nhỏ. Là 1 cô gái làng bên, cảm kích và chia sẻ tấm gương vượt khó của chàng trai nghèo nhưng đầy ý chí và nghị lực, bà Hồ đã nguyện nâng khăn, sửa túi cho ông. Lần lượt 4 người con ra đời, cuộc sống vốn đã khó khăn càng thêm phần bí bách, thế nhưng trong gian khó đó, Nguyễn Công Thiết đã không đầu hàng số phận, không những chèo lái con thuyền gia đình vượt qua bãi cạn, ông còn từng bước phấn đấu để từ cương vị là một người Công an xã, đã đứng vào lực lượng CAND chuyên nghiệp, công tác tại Công an huyện Đô Lương.

Năm 1987, ông Nguyễn Công Thiết lúc bấy giờ giữ chức vụ Phó Trưởng Công an huyện Đô Lương, trước sự việc liên tiếp xảy ra các vụ trộm cắp tài sản tại các kho ngoại thương trên địa bàn, lãnh đạo Công an huyện đã quyết định xác lập chuyên án để đấu tranh. Chuyên án do Phó Trưởng Công an huyện Nguyễn Công Thiết trực tiếp chỉ huy, sau một thời gian ngắn đã tiến hành điều tra, phát hiện một nhóm đối tượng ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa là thủ phạm gây ra các vụ trộm trên.

Đêm 9/11/1987 âm lịch, phát hiện các đối tượng đang tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội khi tổ chức khóa cửa ngoài, nhốt bảo vệ kho ngoại thương vào phòng để trộm cắp tài sản, đồng chí Thiết cùng đồng đội tiến hành vây bắt. Bị phát hiện bất ngờ, song nhóm “đạo chích” liều lĩnh này đã manh động dùng súng quân dụng chống trả, buộc lực lượng Công an huyện phải nổ súng để trấn áp. Trong quá trình chiến đấu với tội phạm, đồng chí Thiết bị trúng đạn và anh dũng hy sinh.

Đồng chí Nguyễn Công Thiết ngã xuống, không chỉ là sự tổn thất nặng nề cho lực lượng Công an Nghệ An lúc bấy giờ mà còn để lại cho gia đình sự mất mát không gì bù đắp nổi. “Thời điểm ấy, bản thân tôi mới ngoài 40 tuổi, 4 đứa con thì 3 đứa đang ngồi trên ghế nhà trường nên khó khăn chồng chất khó khăn. Dù suy sụp và đau thương, mất mát nhưng xác định mình phải là chỗ dựa cho các con, nên tôi đã gắng gượng đứng dậy, một mình vừa làm tròn bổn phận của một người mẹ, vừa thay chồng làm cha cho các con. Cứ như vậy, suốt 30 năm qua, tôi đã vượt qua mọi khó khăn, vất vả để nuôi con khôn lớn, trưởng thành”, bà Hồ chia sẻ.

Đến nay, 2 trong số 4 người con của bà Hồ đã vinh dự đứng trong hàng ngũ CAND, trong đó anh Nguyễn Công Trầm hiện nay là Phó Trưởng Công an huyện Yên Thành và anh Nguyễn Công Thanh đang công tác tại Phòng Hậu cần Công an Nghệ An. 20 năm sống đời vợ chồng, 30 năm làm quả phụ, bà Thái Thị Hồ cũng đã có không ít người đàn ông tốt, sẵn sàng dang rộng vòng tay đón nhận, không chỉ một mình bà mà chấp nhận nuôi dưỡng các con nhưng bà đã khước từ tất cả, thủ tiết thờ chồng. Giờ, nhìn lại quãng đường gian khó và đằng đẵng sau lưng, dù tất cả đã là quá khứ, nhưng mỗi lần thắp nén hương lên bàn thờ của chồng, bà Hồ luôn cảm thấy tự hào vì đã giữ trọn tin yêu và nuôi dạy các con khôn lớn, trưởng thành đúng như tâm nguyện của ông Thiết lúc sinh thời.

Nỗi đau kép của hai người vợ Cảnh sát Giao thông

23 năm trước, vào đêm 9/7/1994, câu chuyện về 2 chiến sỹ CSGT Công an Nghệ An anh dũng ngã xuống trong quá trình quyết liệt truy đuổi tội phạm đã để lại niềm xót thương cho người dân xứ Nghệ. Nỗi đau ấy, còn kéo dài tận mãi đến hôm nay khi hậu phương của các anh là những người vợ đã vĩnh viễn mất chồng, những đứa trẻ thơ không bao giờ còn được gọi tiếng cha. Thế nhưng, hậu phương ấy đã biến đau thương thành hành động, để xứng đáng với sự hy sinh và mất mát ấy, những người vợ đã nuôi con phương trưởng, tiếp tục đi trên con đường mà cha của họ đã chọn lựa, tô thắm thêm truyền thống của những người chiến sỹ CAND ưu tú và anh hùng.

Trở lại với câu chuyện về 2 chiến sỹ CSGT hy sinh vào thời điểm nói trên, trong khi đang làm nhiệm vụ, Đại úy Nguyễn Trọng Sáu và Đại úy Bùi Văn Sơn, nguyên là 2 cán bộ của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh trong quá trình đuổi theo xe ôtô BKS15A-8351 do Cao Mạnh Hùng điều khiển có dấu hiệu vi phạm, khi đến cầu Bến Thủy đã bị đối tượng này ép, hất văng trước mũi đầu xe đối diện khiến 2 chiến sỹ CSGT hy sinh.

Liệt sỹ Nguyễn Trọng Sáu hy sinh, để lại người vợ trẻ và 2 đứa con nhỏ trong ngôi nhà hóa giá cũ kỹ ở phường Trung Đô (TP Vinh). Chị Nguyễn Thị Thu, vợ anh Sáu chia sẻ: Bản thân chị vốn đã đau yếu, thời điểm anh Sáu hy sinh, chị đang làm việc tại Nhà máy sợi Vinh. Thế nhưng, sau cú sốc định mệnh, phần vì không gượng dậy nổi, phần nữa do sức khỏe yếu, chị xin nghỉ theo chế độ 176. Thương hoàn cảnh 3 mẹ con, đồng chí Trưởng phòng CSGT lúc bấy giờ là Thượng tá Lý Nam Dân, đã nhận chị vào làm tạp vụ, giữ xe tại cơ quan.

“Thế nhưng, hàng ngày nhìn đồng đội của chồng đi làm về trong màu áo CSGT, tôi đã không chiến thắng được bản thân. Nỗi nhớ chồng cứ ùa về trong cả bữa ăn, giấc ngủ nên tôi đã xin nghỉ việc, về nhà bán nước chè dạo. Cuộc sống quá túng quẫn, tôi phải đi xuất khẩu lao động trong nhiều năm trời”, chị Thu kể lại.

Cũng hoàn cảnh như chị Thu, chị Nguyễn Thị Hoa, vợ liệt sỹ Bùi Văn Sơn đã phải gánh chịu nỗi đau mất mát quá lớn khi chồng hy sinh. Anh Sơn là con trai duy nhất trong gia đình, là chỗ dựa cho 3 mẹ con chị và bố mẹ chồng đã già yếu. Mới hơn 30 tuổi, chị phải ôm 2 đứa trẻ, 1 đứa lên 6 và 1 đứa gần 4 tuổi đối diện với sự thật, rằng chị đã mất chồng, các con vĩnh viễn không còn cha. Cũng như bao người vợ liệt sỹ CAND khác, cả chị Hoài lẫn chị Thu đều ở vậy, thủ tiết thờ chồng, nuôi con khôn lớn trưởng thành, nối nghiệp bố tiếp tục cống hiến vì sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Cả chị Thu và chị Hoa đều cho rằng, suốt hơn 20 năm qua, để các chị vượt qua khó khăn, nuôi con trưởng thành, tiếp bước cha trong màu áo CAND, ngoài nghị lực bản thân, các chị rất trân trọng và ghi nhận sự giúp đỡ, đồng hành của Công an Nghệ An nói chung và Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh nói riêng, đã giúp các gia đình không chỉ về tinh thần mà còn cả vật chất. Đó chính là sự tri ân, là nguồn động viên giúp các chị vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đứng vững trên đôi chân của mình, xứng đáng với sự hy sinh cao quý, vì bình yên cuộc sống của các anh - Những liệt sỹ CAND giữa thời bình.

.

Thiên Thảo

.