Gia đình xã hội

Hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/điôxin

Cần sự chung tay của toàn xã hội

09:37, 24/12/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Chiến tranh đã lùi xa, song nỗi đau da cam vẫn còn hiện hữu. Trong năm qua, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ban, ngành tỉnh nhà, nhiều nghĩa cử cao đẹp hướng về nạn nhân chất độc da cam/điôxin đã tạo sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội. Những nỗi đau thể xác lẫn tinh thần nhờ vậy đã vơi bớt phần nào. Quan trọng hơn cả, sự trợ giúp đó còn xua tan mặc cảm để họ vượt qua nghịch cảnh, vươn lên làm chủ cuộc sống.

Ngoài được thụ hưởng chính sách của Nhà nước, nạn nhân da cam/điôxin rất cần sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng
Ngoài được thụ hưởng chính sách của Nhà nước, nạn nhân da cam/điôxin rất cần sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng

Chăm lo, trợ giúp toàn diện

Với khoảng 27.000 người bị phơi nhiễm, Nghệ An là địa phương có số nạn nhân nhiễm chất độc da cam lớn trong cả nước. Theo thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin tỉnh, từ khi thành lập đến cuối tháng 11/2017, Nghệ An có 409/481 xã, phường, thị trấn có Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin. Hội đã kết nạp được hơn 14.000 hội viên. Trong năm qua, nhìn chung các cấp Hội đã làm tốt công tác hỗ trợ, giúp đỡ, chăm lo cho các nạn nhân cả về vật chất lẫn tinh thần. Rất nhiều ngôi nhà tình thương đã được xây dựng, nhiều phần quà thiết thực được trao tận tay các nạn nhân da cam. Sự động viên, giúp sức còn được gửi gắm qua những “cần câu cơm” là những chú bò, bê… hay nguồn vốn hỗ trợ để phát triển kinh tế gia đình…

Thực tế hiện nay, số tiền trợ cấp của Nhà nước dành cho các nạn nhân mới chỉ giải quyết phần nào khó khăn trong cuộc sống của họ. Nhận thức rõ điều đó, hàng năm, Thường trực Tỉnh hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin tỉnh đã có văn bản gửi lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh về việc tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân và các tập thể, cá nhân chung tay giúp đỡ các đối tượng trên. Nhờ đó, giai đoạn 2007 - 2017, Thường trực Tỉnh hội đã trích tiền hỗ trợ xây mới 246 ngôi nhà, sửa chữa 17 ngôi nhà, hỗ trợ 806 gia đình sản xuất chăn nuôi, cấp 192 suất học bổng… với tổng số tiền hơn 17 tỉ đồng. Các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Nghĩa Đàn… là những địa phương vận động được số tiền lớn nhất, trung bình khoảng 300 - 400 triệu đồng/năm.

Cùng với đó, ngày càng có nhiều cá nhân, tập thể hướng sự trợ giúp tới nạn nhân da cam, với số tiền trao tặng lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Sự giúp đỡ kịp thời từ các cấp, ngành và cả xã hội cùng những nỗ lực không ngừng nghỉ của chính bản thân những nạn nhân da cam đã giúp họ từng bước khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng đời sống và hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh sự trợ giúp về mặt vật chất, các cấp Hội còn thường xuyên động viên các nạn nhân nhiễm chất độc da cam/điôxin vẫn có khả năng lao động tham gia sản xuất, xem đây là giải pháp mang tính bền vững để họ tự chăm lo cho bản thân, giảm bớt gánh nặng cho xã hội.

“Vướng” chính sách

Hiện, toàn tỉnh có hơn 30.000 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đã tuổi cao sức yếu, mang nhiều bệnh tật do ảnh hưởng của chất độc nhưng chưa được hưởng chế độ. Tính đến ngày 22/11, mới chỉ có 17.000 người và 10.000 người là con em của họ được hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam/điôxin. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực tế nhiều người trong số đó không được công nhận là nạn nhân da cam vì những căn bệnh họ đang phải gánh chịu không có trong danh mục 17 loại bệnh liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học theo quy định của Bộ Y tế.

Trên thực tế, hiện việc hướng dẫn thực hiện các chính sách của Nhà nước liên quan đến nhóm đối tượng này còn gặp vướng mắc. Đơn cử như việc nạn nhân không còn giấy tờ để chứng minh bản thân chiến đấu hay nhiễm chất độc ở vùng nào, dẫn đến không có cơ sở để xét hưởng chế độ.

Theo ông Đinh Xuân Tứ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh: Sắp tới, Hội sẽ tiếp tục tham mưu các cơ quan, ban, ngành tập trung khắc phục những tồn đọng trong việc giải quyết quyền lợi cho đối tượng người có công, trong đó có nạn nhân chất độc da cam. Được biết, các bộ, ngành chức năng cũng đang đẩy nhanh việc hoàn thiện chính sách đối với những người bị nhiễm chất độc da cam, đặc biệt là những người tham gia kháng chiến. Cùng với đó, nghiên cứu, ban hành bổ sung danh mục các loại bệnh có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học để tránh tình trạng người bị bệnh do phơi nhiễm nhưng không được xem xét thụ hưởng chính sách.

Hiện, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có khoảng 30% số hộ gia đình có nạn nhân da cam có đời sống ổn định, 70% còn lại cuộc sống vẫn còn khó khăn. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, cùng với sự chăm lo, giúp đỡ của cả xã hội, thiết nghĩ, cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cơ quan chức năng trong việc nhanh chóng khắc phục những tồn tại, vướng mắc để nạn nhân da cam sớm được thụ hưởng chế độ, góp phần làm vơi đi những tổn thương mà họ đang phải gánh chịu.

Hồng Hạnh

Các tin khác