Gia đình xã hội
Chống tham nhũng: Nhân dân phấn khởi vì Đảng đã làm nghiêm
09:05, 18/12/2017 (GMT+7)
Những vụ đại án liên quan đến ngân hàng, dầu khí hay chuyện tiêu cực nảy sinh tại các doanh nghiệp lớn bị phanh phui thời gian qua là minh chứng rõ nét cho thấy quyết tâm chính trị rất cao chống tham nhũng của Đảng.
Những vụ đại án liên quan đến ngân hàng, dầu khí hay chuyện tiêu cực nảy sinh tại các doanh nghiệp lớn bị phanh phui thời gian qua là minh chứng rõ nét cho thấy quyết tâm chính trị rất cao chống tham nhũng của Đảng.
Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quy định 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, tiếp tục là công cụ hữu hiệu nhằm xây dựng chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch bộ máy chính quyền, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng. Phóng viên Báo CAND đã cuộc trò chuyện với ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng về vấn đề này.
Phóng viên: Ông có đánh giá gì trước việc ban hành Quy định 102 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm trong bối cảnh Đảng ta đang thể hiện quyết tâm chính trị rất cao chống tham nhũng bằng những việc làm cụ thể?
Ông Vũ Quốc Hùng |
Ông Vũ Quốc Hùng: Quy định 102 có 5 chương, 37 điều quy định rất rõ phương hướng, phương châm, phương pháp, đối tượng để xử lý. Đây là một quy định mang tính chất hướng dẫn rất quan trọng. Văn bản này có cấu trúc rất khoa học, phân rõ nhiều chương mục, hướng dẫn rõ để thi hành kỷ luật trong đảng.
Quy định mang tính chất đúc kết, rút kinh nghiệm qua nhiều thời kỳ. Thế nên đối với một cấp ủy, một ủy ban kiểm tra, cơ quan thanh tra thì đó là cẩm nang vận dụng cho đúng đắn, công minh, chính xác, kịp thời. Bởi xử lý trong đảng là một quá trình hết sức tế nhị và phức tạp, vì đây là xử lý những đồng chí của mình, những người thân quen của mình.
Quy định này vừa là cẩm nang hướng dẫn, không chỉ để xử lý, mà cũng là đèn soi cho mọi cán bộ đảng viên, có tính chất phòng ngừa, răn đe. Mỗi đảng viên soi vào đó để biết đây là những hàng rào mà đừng liều mạng, tuỳ tiện bước qua. Khi xử lý đảng viên, căn cứ vào đây sẽ đưa ra những quyết định thấu lý đạt tình, công minh chính xác, khẩn trương hơn, sẽ giảm đi sự bao che, nể nang.
Tôi thấy đây là bước tiến trong quá trình đổi mới và chỉnh đốn đảng. Tuy nhiên, quy định này thay thế quy định nào thì chưa được đề cập. Và tôi có mong muốn, trên cơ sở quy định 102 và những quy định của Đảng cùng với thực tiễn đang diễn ra trong công tác xây dựng bảo vệ, đổi mới Đảng, thì tới đây sẽ thay đổi, sửa đổi Điều lệ đảng, để Điều lệ đảng như “bộ luật cơ bản” trong Đảng.
Phóng viên: Thưa ông, nhìn lại một số vụ việc gần đây liên quan đến đảng viên vi phạm nghiêm trọng về kinh tế cho thấy, vấn đề phát hiện đảng viên vi phạm quá yếu nên dẫn đến tình trạng đã vi phạm nhưng đảng viên ấy vẫn tiếp tục được sắp xếp vào vị trí cao hơn?
Ông Vũ Quốc Hùng: Đúng vậy. Điều đó chứng tỏ công tác thanh tra, kiểm tra kém. Trách nhiệm đầu tiên phải nói đến là cấp ủy. Tai mắt của cơ quan chức năng là cấp ủy. Qua đó thấy rằng phải khơi dậy sức chiến đấu của chi bộ.
Từ những việc này phải xới xáo, xem lại sức chiến đấu của chi bộ. Chúng ta đã có quy định, có nghị quyết nhưng vấn đề là quán triệt như thế nào? Sinh hoạt Đảng vẫn chưa thực chất, chưa nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng.
Tôi nhận thấy, ý nguyện của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội là làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Thế nhưng, hiệu quả trong phòng chống tham nhũng rất thấp, mà nạn quan liêu, xa dân, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng còn nhiều. Tham nhũng lớn thì đã được chỉ ra rồi. Thế nên cần đổi mới cách đánh giá, phân loại đội ngũ cán bộ.
Người phân loại phải là người có tâm, có tầm, có năng lực trình độ phân loại và có quyền lực để thực thi theo quy định của nhà nước. Rõ ràng những tiêu cực, biểu hiện quan liêu... đã cản trở sự phát triển của xã hội về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng. Nhưng chúng ta cũng mừng vì sự cố gắng của Đảng, Nhà nước thời gian qua trong công tác đấu tranh chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả rất quan trọng.
Phóng viên: Vai trò của cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát là đặc biệt quan trọng để có thể phát hiện, ngăn chặn sớm vi phạm của mỗi cán bộ, đảng viên. Điều này có được đề cập đến trong Quy định 102 không thưa ông?
Đảng ta là đảng cầm quyền, Đảng chọn những những cán bộ đảng viên ưu tú cử sang làm chính quyền. Nhưng khi có quyền rất dễ dẫn đến vụ lợi. Tại sao để những đảng viên lún dần, lún sâu vào vi phạm, khuyết điểm, kể cả đảng viên ở cấp cao? Những vụ việc bị phanh phui vừa qua là một ví dụ, đặc biệt là bài học của ông Đinh La Thăng.
Câu hỏi đặt ra là, công tác tổ chức, đánh giá, kiểm tra, giám sát thế nào để ông Đinh La Thăng sai phạm từ thời ở dầu khí mà vẫn tiếp tục được sắp xếp vào vị trí cao hơn. Vậy những cơ quan nào có trách nhiệm trong quản lý cán bộ, cơ quan nào chịu trách nhiệm về mặt Đảng? Thế nên tôi nghĩ, những người làm ở tổ chức kiểm tra là không thể thoái thác được.
Thứ 2 là phải kiểm điểm lại trách nhiệm của tổ chức Đảng (chi bộ, đảng bộ) nơi đảng viên đó sinh hoạt và mắc khuyết điểm. Vấn đề là phải rút ra được bài học. Quy định 102 cũng đã điểm tới những vấn đề đó, nhắc đến trách nhiệm của người giới thiệu.
Phóng viên: Vụ việc trên cho thấy cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Đảng chủ trương hiện nay là không có “vùng cấm”. Nhưng lần đầu tiên, có một cán bộ ở cấp cao như vậy bị xử lý vì những sai phạm nghiêm trọng về kinh tế. Quan điểm của ông về vụ việc này?
Ông Vũ Quốc Hùng: Trong thời điểm này, đây là giai đoạn đầu xử lý một cán bộ ở vị trí cấp cao. Người đương chức có sai lầm về kinh tế thì còn phải xem xét trách nhiệm của những người liên quan. Tôi nghĩ bước tiếp theo phải kiểm điểm việc đó một cách sâu sắc, xử lý triệt để các sai phạm trong vụ việc này.
Phóng viên: Người dân luôn tin vào sự lãnh đạo của Đảng, nhưng Đảng cũng bị giảm sút niềm tin vì còn nhiều tồn tại, nhất là không phát hiện sớm tiêu cực. Vậy làm thế nào để lấy lại lòng tin của nhân dân đối với Đảng, thưa ông?
Ông Vũ Quốc Hùng: Phải làm tiếp thôi. Trước những việc làm vừa rồi, nhân dân phấn khởi vì Đảng đã làm nghiêm, nói đi đôi với làm. Còn nói những thiếu sót trong Đảng thì từ Nghị quyết Trung ương VI lần 2 khóa VIII, Nghị quyết Trung ương IV khoá 11 rồi Nghị quyết Trung ương IV khoá 12 đã nói tất cả.
Đảng ta đã tự thấy, tự xem xét mình, không giấu giếm khuyết điểm nên Đảng đã công khai bằng những nghị quyết như thế, không chỉ công khai, mà còn bằng các hành động cụ thể khắc phục khuyết điểm. Vì công khai xử lý nên nhân dân thấy những thiếu sót, khuyết điểm, sai lầm. Chính vì thế cần phổ biến để mọi người có phương pháp nhìn đúng.
Điều quan trọng nhất là sửa chữa những sai lầm mà Đảng đã chỉ ra, phải có quá trình, kế hoạch sửa chữa khuyết điểm. Và việc sửa chữa ấy thể hiện trong hành động của từng đảng viên. Vai trò của báo chí là tuyên truyền để nhân dân nhìn nhận với thái độ xây dựng, lạc quan.
Phóng viên: Như ông đánh giá, Quy định 102 đã được đúc kết, rút kinh nghiệm qua nhiều thời kỳ, mang giá trị quan trọng là phòng ngừa và răn đe. Từ đó, mục tiêu phòng chống tham nhũng sẽ có hiệu quả. Vậy để quy định này đi vào thực tế thì cần phải làm gì, thưa ông?
Ông Vũ Quốc Hùng: Trước tiên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng phải có hướng dẫn. Thứ 2 là phải phổ biến bằng các hội nghị quán triệt, bằng các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời phải có những ấn phẩm phổ biến tới từng chi bộ, từng đảng viên.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: CAND