(Congannghean.vn)-Liên tiếp những vụ bạo hành trẻ em xảy ra trong thời gian gần đây khiến dư luận hết sức bức xúc và phẫn nộ. Hơn ai hết, chính những đứa trẻ bị bạo hành phải gánh chịu tổn thương ngay từ tuổi ấu thơ, gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý của các em. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này và cần phải xử lý nghiêm các vụ bạo hành trẻ em.
Bạo hành trẻ em ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ - Tranh minh họa |
Chỉ trong vòng 1 tuần cuối tháng 11, liên tiếp 3 vụ bạo hành trẻ em xảy ra khiến dư luận hết sức bức xúc. Người dân chưa hết bàng hoàng về vụ người giúp việc tên Nguyễn Thị Hàn (58 tuổi) hành hạ cháu bé chưa đầy 2 tháng tuổi tại tỉnh Hà Nam, thì tại tỉnh Kiên Giang, bé trai 7 tuổi bị chính bố đẻ và mẹ kế hành hạ bằng thanh sắt nung đỏ, dí vào má, tay, khiến em bị cháy da, sém thịt. Tại TP Hồ Chí Minh, 40 trẻ ở cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh được các cô “dạy dỗ” bằng cách đánh vào đầu, đạp vào lưng, tát vào má, thậm chí dí dao dọa dẫm. Hay mới đây, người bố tên Trần Hoài Nam ở Hà Nội dùng chân, tay, thậm chí lấy 5 móc áo bằng nhôm cuộn lại để đánh con đẻ của mình chỉ mới 10 tuổi, khiến cháu bị rạn 6 xương sườn và nhiều vết thương khác trên cơ thể.
Có thể thấy, các vụ bạo hành trẻ em đã gây tâm lý lo lắng, hoang mang cho các gia đình cũng như bức xúc trong dư luận xã hội. Không chỉ gây đau đớn về thể xác mà những vụ bạo hành còn để lại hậu quả khó lường, nhất là ảnh hưởng đến tâm sinh lý của các em sau này. Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục, trẻ bị bạo hành sẽ dễ phát sinh nhiều cảm xúc tiêu cực như: Vui, buồn vô cớ, lúc giận hờn, lúc lo lắng… Chính vì điều này đã làm cho mối quan hệ của trẻ với những người xung quanh trở nên khó khăn hơn.
Lâu nay, quan niệm “Thương cho roi cho vọt” đã khiến nhiều ông bố, bà mẹ xem chuyện đánh con là “bình thường” và là quyền của mình trong việc dạy dỗ con cái. Nhưng họ đâu biết được rằng, cách dạy dỗ đó thể hiện sự thiếu hiểu biết về pháp luật nói chung và quyền trẻ em nói riêng. Chính họ đã vô tình biến con cái trở thành nạn nhân của hành động bạo hành dã man.
Đối với những vụ bạo hành trẻ mầm non, ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nghệ An cho biết: Những vụ bạo hành này thường xảy ra tại các trường mầm non tư thục và các nhóm trẻ gia đình. Khó khăn là do phường, xã quản lý, việc giám sát, kiểm định chất lượng chưa được quan tâm đúng mức và chưa phát huy được tinh thần trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội.
Khảo sát cho thấy, trong các vụ ngược đãi, hành hạ con cái trong gia đình, cha mẹ thường có học vấn thấp, cuộc sống khó khăn, không có điều kiện nuôi dạy con cái. Có nhiều trường hợp, cha mẹ ly hôn, mâu thuẫn giữa vợ chồng dẫn đến tình trạng “giận cá chém thớt”… Theo quy định của pháp luật, cha mẹ hành hạ, đánh đập con cái sẽ bị xử lý về hành vi xâm phạm chế độ hôn nhân, gia đình, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Trước hàng loạt vụ bạo hành trẻ trên cả nước gây bức xúc dư luận trong thời gian qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu phải xử lý nghiêm minh. Theo đó, Chủ tịch nước đề nghị Ủy ban Quốc gia về trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trẻ em, nhất là Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 5/11/2012 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, Luật Trẻ em năm 2016.
Chủ tịch nước cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan, các địa phương có các giải pháp hiệu quả để đảm bảo trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần. Tổ chức thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật tại các trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ trong cả nước để phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em.
“Tại Nghệ An, mặc dù chưa xảy ra những vụ việc nghiêm trọng, tuy nhiên, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Nghệ An đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường công tác quản lý, giám sát đối với các trường mầm non tư thục, các nhóm trẻ gia đình. Phối hợp với chính quyền sở tại có nhiều biện pháp khắc phục như đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học. Đặc biệt, với đội ngũ giáo viên cần đảm bảo chất lượng, có trình độ nghiệp vụ sư phạm. Bên cạnh đó, tập trung vào việc thanh, kiểm tra, giám sát việc cấp phép cho các trường ngoài công lập, đặc biệt các nhóm lớp tư thục…”, ông Nguyễn Trọng Hoàn nhấn mạnh.