(Congannghean.vn)-Cũng như nhiều địa phương trên cả nước, nông nghiệp Nghệ An đang trên đà phát triển và hội nhập. Để thích ứng với những đổi thay mới, với sự đồng hành và hỗ trợ của các cấp, ngành, nông dân tỉnh nhà đang từng bước thay đổi tư duy sản xuất, hướng tới mục tiêu tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu nội địa cũng như phục vụ xuất khẩu một cách bền vững.
Đồng hành tích cực
Phát huy vai trò là “bệ đỡ” cho người nông dân, trong những năm qua, các phong trào thi đua luôn được các cấp Hội Nông dân tỉnh chú trọng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tạo sự lan tỏa rộng rãi. Trong đó phải kể đến phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững". Qua một thời gian phát động, phong trào này ngày càng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu và thu được nhiều kết quả quan trọng.
Tính đến đầu tháng 10/2017, toàn tỉnh có 272.491 hộ nông dân đăng ký hộ nông dân kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, số hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đến năm 2016 là 125.760 hộ. Song song với việc nhân rộng các phong trào thi đua, việc phát huy hiệu quả các loại hình kinh tế tập thể cũng được các cấp Hội triển khai toàn diện, đồng bộ; với 266 mô hình kinh tế tập thể hướng tới mục tiêu khôi phục và phát triển các loại cây, con là đặc sản địa phương và ngành nghề truyền thống, theo hướng chuyên canh tập trung, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, mạnh dạn áp dụng KH-KT vào sản xuất, kinh doanh. Có thể kể đến các mô hình như mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rừng ở xã Tân Lạc, huyện Quỳ Châu; mô hình nuôi cá theo công nghệ "tạo sông trong ao” ở xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu; mô hình làm nhà lưới trồng rau trái vụ ở TP Vinh.
Thay đổi tư duy sản xuất là yếu tố bắt buộc để người nông dân đứng vững trong xu thế hội nhập - ảnh minh họa |
Cũng trong thời gian qua, công tác hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh cũng được các cấp Hội Nông dân triển khai một cách sâu sát. Liên quan đến hoạt động vay vốn, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã đứng ra tín chấp ký hợp đồng thỏa thuận với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp nông dân vay vốn sản xuất. Đến nay, đã xây dựng được 1.145 tổ vay vốn Ngân hàng NN&PTNN với 12.664 thành viên, dư nợ đạt 784,038 tỉ đồng; nhận ủy thác vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã xây dựng 2.450 tổ tiết kiệm và vay vốn với 77.656 thành viên tham gia chương trình cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách khác. Cũng trong 5 năm qua, các cấp Hội đã phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng hơn 96.000 tấn vật tư phân bón các loại và trên 500 tấn thức ăn chăn nuôi theo hình thức cho nông dân vay trả chậm không lãi suất để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thay đổi tư duy
Trên thực tế, thay đổi tư duy sản xuất theo hướng ứng dụng KHKT, sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, đảm bảo an toàn theo hướng bền vững là hướng đi tất yếu để nông dân tỉnh nhà có thể đứng vững trong xu thế hội nhập. Để nông nghiệp tỉnh nhà giữ vững “phong độ” trong “cuộc chiến” cạnh tranh về sức tiêu thụ sản phẩm thì sự đồng hành của các cấp Hội Nông dân trong việc định hướng sản xuất cho nông dân là yếu tố then chốt. Một trong những việc làm mang tính cấp thiết là hình thành tư duy doanh nghiệp cho nông dân. Trên địa bàn tỉnh, tư duy doanh nghiệp đã hình thành khá rõ nét trong người nông dân ở một số địa phương như các xã vùng bãi ngang của huyện Quỳnh Lưu; các xã Diễn Kỷ, Diễn Hồng, Diễn Tháp (Diễn Châu)… Điều này được thể hiện ở sự phát triển kinh tế, thu nhập và đời sống ngày càng cao của người dân.
Để tư duy doanh nghiệp trở thành yếu tố hiện diện trong ý thức của đông đảo nông dân, thời gian qua, tỉnh nhà đặc biệt chú trọng tới việc thu hút các doanh nghiệp có thương hiệu đầu tư vào hoạt động nông nghiệp. Sự tham gia của các doanh nghiệp sẽ là cơ sở quan trọng để nông dân có cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất, từ đó hình thành động lực học hỏi và thích ứng với các yêu cầu của doanh nghiệp. Cùng với đó, chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi cho những người nông dân có năng lực kinh doanh hoặc đã được đào tạo về kinh doanh cũng được triển khai rộng rãi.
Thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiêu chuẩn người nông dân mới phải có 5 cái mới: Tư duy mới, nhận thức mới, kiến thức mới, đời sống văn hóa mới và quyết tâm mới. Để nông nghiệp tỉnh nhà phát triển bền vững, thiết nghĩ, ngoài sự đồng hành, giúp đỡ của các cấp, ngành, bản thân mỗi người nông dân cần chú trọng phát huy năng lực nội sinh, thông qua việc không ngừng học hỏi để có thể tạo dựng chỗ đứng trong sân chơi chung.
.