Gia đình xã hội

Dân bản Phú Lâm mong lắm một cây cầu

09:58, 09/11/2017 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Nằm dưới chân ngọn thác Vũ Môn, sát biên giới Việt - Lào, bản Phú Lâm thuộc xã Phú Gia, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) dường như tách biệt với thế giới bên ngoài bởi địa hình đồi núi hiểm trở. Đặc biệt, nằm ở vị trí hợp lưu của 3 con suối đổ về sông Tiêm nên chỉ cần một trận mưa đầu nguồn là cả bản bị cô lập hoàn toàn. 
 
Một ngày cuối thu, chúng tôi tìm về bản Phú Lâm. Con đường từ trung tâm xã về với bản như thử thách lòng người. Sau hơn 25 km đường đồi núi, uốn lượn, ghồ ghề, nhờ bác lái đò, chúng tôi đã vượt qua ngầm Cây Trồ dễ dàng hơn để vào bản. Nằm tách biệt với bên ngoài, bản Phú Lâm chỉ có những ngôi nhà gỗ đơn sơ, nhỏ bé nằm nép mình bên dòng sông Tiêm. Trong bản không có chợ, không có trạm y tế, không có trường học, chỉ có vài ba ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp nghiêm trọng.
Hàng ngày, mọi sinh hoạt của người dân đều phải qua ngầm Cây Trồ, sông Tiêm
Hàng ngày, mọi sinh hoạt của người dân đều phải qua ngầm Cây Trồ, sông Tiêm
 
Đi một vòng quanh bản, chúng tôi mới thấy cuộc sống người dân nơi đây vẫn còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là bản “giữ chân” các hộ thuộc dân tộc Lào sinh sống. Cả bản có 24 hộ thì hơn 50% là hộ nghèo. Học sinh chỉ học đến lớp 9, số em học THPT và đại học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mọi sinh hoạt của dân bản đều phải qua ngầm Cây Trồ (một điểm giao thông trên sông Tiêm), từ chợ búa, đi học đến khám bệnh, hay mua giống cây, lân đạm để bón cho nương rẫy… Giao thông cách trở khiến cuộc sống của bà con càng khó khăn, vất vả. Vì thế, từ bao đời nay, người dân bản Phú Lâm luôn khao khát có 1 cây cầu nối 2 bờ sông Tiêm để thuận tiện trong giao lưu, sinh hoạt và để con đường đến trường của học sinh bớt gập ghềnh hơn. 
 
Đoạn đường từ bản đến điểm trường của xã tại thôn Phú Lâm chỉ cách khoảng 1 km nhưng đường sông cách trở nên việc học cái chữ đối với con em trong bản là điều khó khăn. Mùa nắng, học sinh ngày 2 buổi lội sông tới lớp. Nhưng chỉ cần một trận mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về là bản bị cô lập, các em có khi phải nghỉ học vài tuần hoặc cả tháng, chờ nước rút mới tới trường. 
 
Do nhu cầu đi lại ngày càng nhiều nên 2 năm trở lại đây, người dân hai bên bờ đã góp tiền làm một cây cầu gỗ tạm bợ bắc qua ngầm Cây Trồ (đoạn dẫn vào bản). Tuy nhiên, do chiếc cầu khá tạm bợ nên tình trạng hư hỏng xảy ra thường xuyên. Chỉ cần nước trên sông Luồng lên cao, chảy xiết là chiếc cầu bị cuốn trôi. Bình quân cứ 1 năm người dân làm lại cầu ít nhất 2 lần, thậm chí có năm phải làm lại cầu đến 4 lần. Mới đây nhất, sau bão số 10, chiếc cầu tạm bị cuốn trôi khiến việc đi lại của người dân trong làng bị đình trệ, ông Ngô Xuân Kim, Trưởng thôn Phú Lâm chia sẻ. 
 
Những năm trở lại đây, thời tiết thay đổi nên mùa mưa kéo dài. Có lúc, cả tháng trời bản Phú Lâm bị cô lập trong biển nước. Đơn cử tháng 10/2016, hai trận lũ kép kéo dài cả tháng đã làm cho giao thông dẫn vào bản bị tê liệt. Nhiều nhà hết gạo và các nhu yếu phẩm cần thiết nhưng phải chờ nước rút mới qua sông mới có thể được giải quyết. 
 
Mặc dù người dân đã làm cây cầu gỗ tạm bợ nhưng tai nạn vẫn luôn rình rập và xảy ra trên cây cầu thiếu an toàn này. Chỉ trong vòng 3 năm, tại ngầm Cây Trồ có 5 người chết. Mới đây nhất là vào tháng 4/2017, vợ chồng anh Sơn (thôn Hòa Nhượng, xã Phú Gia) đi rừng về, gặp mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về nhanh chảy xiết nên đã cuốn trôi 2 vợ chồng. Vợ anh là chị Võ Thị Huế bị nước cuốn trôi,  còn anh bị thương nặng. Ngoài ra, hàng năm còn có hàng chục trường hợp xe máy, xe đạp bị trôi xuống sông. 
 
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Xuân Thế, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Gia cho biết: “Mỗi khi chứng kiến cảnh người dân đi rừng, các cháu học sinh đều phải vượt ngầm đi học, chúng tôi rất bất an và lo sợ. Tuy nhiên, dựa vào thực tế ngân sách địa phương thì kinh phí để xây dựng cầu là quá lớn. Hàng năm, xã chỉ hỗ trợ thêm để người dân làm cầu gỗ tạm. Qua Báo Công an Nghệ An, rất mong các cấp, ngành ưu tiên bố trí kinh phí để làm cây cầu nhỏ bắc qua ngầm Cây Trồ. Việc xây dựng cầu mới sẽ giúp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, thúc đẩy phát triển KT-XH vùng biên giới và giúp công tác đảm bảo ANTT, tuần tra biên giới, bảo vệ rừng đầu nguồn tốt hơn”.

Sông Đông - Thu Hường

Các tin khác