Gia đình xã hội
Trẻ em trầm cảm vì bố mẹ hay quát mắng, dọa nạt
Bạo hành trẻ em không chỉ là đánh đập, tra tấn về thân thể mà đôi khi quát mắng, dọa nạt cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý trẻ...
Trẻ từ 5-10 tuổi: Dễ bị tổn thương tâm lý nhất
Đáng lo ngại là người lớn thường hay quan tâm trẻ có vết thương về thân thể hay không mà ít chú ý đến dấu hiệu của bạo hành tinh thần. Tuy vô hình nhưng kiểu bạo hành này có hậu quả khó lường, bởi nó để lại sự tổn thương tinh thần sâu sắc.
Nhiều gia đình khi dọa nạt con bằng lời nói hay hình ảnh như: ông ba bị, ngáo ộp, ma quỷ hay chê bai con kém cỏi đã không nghĩ rằng điều đó làm cho đứa trẻ bị tổn thương nặng nề, lâu dần sinh ra tự ti, chán ghét mọi người, và nhất là chán ghét chính người anh/em/chị mà nó bị đem ra so sánh. Đã có những đứa trẻ bị bố mẹ trói trước nhà, bắt bò giữa đường, lột đồ giữa đông người... Những cách hành hạ đau hơn bất kỳ vết thương nào về thân xác.
Ở trường học, một học sinh học kém có thể bị cô giáo thường xuyên chê bai, nhận xét thiếu tế nhị trước mặt bạn bè sẽ trở nên khó gần, ngỗ nghịch, đánh lại bạn bè hoặc chống đối lại thầy cô, thậm chí tự tử.
Thói bạo lực gia đình, như người cha thường xuyên đánh đập người mẹ, không những gây nên nỗi khiếp sợ mà tai hại hơn là để lại trong đầu óc con trẻ những di chứng tinh thần nghiêm trọng. Chính điều này khiến trẻ nảy sinh tư tưởng tự tử, học kém, dễ có hành động bạo lực, hoặc tâm tính thụ động, mắc bệnh đau đầu, đau dạ dày...
Các nhà xã hội học tiến hành một cuộc nghiên cứu trên 1.000 trẻ em từ 10-15 tuổi, ở cả nông thôn và thành thị về tâm lý cho thấy 67% trong các em có biểu hiện tâm lý bình thường, 33% còn lại có nhiều biểu hiện không ổn định về tâm lý, tinh thần.
Nghiên cứu cũng cho thấy trong số 33% các em có biểu hiện bất thường về tâm lý thì 25% nguyên nhân là do gia đình cha mẹ không hạnh phúc, luôn gây nên những xáo trộn tâm lý các con. Không khí căng thẳng trong gia đình sẽ khiến tâm lý trẻ không ổn định, có thể gây lệch lạc về nhận thức cũng như sự phát triển thể chất của trẻ.
Trẻ hay bị quát mắng: Thiện tính ít dần
Nhiều trường hợp trẻ gặp những vấn đề tâm lý như tự kỷ, hung hãn, phụ thuộc, bi quan... không phải do thiếu sự giáo dục mà là do cách giáo dục không đúng của người lớn. Giáo dục nghiêm nhưng lưu ý không làm tổn thương thể chất hay tinh thần của trẻ. Th.s Nguyễn Thị Mai Hương (Giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội) |
Bạo lực tinh thần khó phát hiện và xử lý, lại có chiều hướng gia tăng khi kinh tế - xã hội phát triển. Theo các nhà nghiên cứu, trẻ từ 5 -10 tuổi dễ bị tổn thương tinh thần nhất.
Theo Th.s Nguyễn Thị Mai Hương, giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhiều trường hợp trẻ gặp những vấn đề tâm lý như tự kỷ, hung hãn, phụ thuộc, bi quan... không phải do thiếu sự giáo dục mà là do cách giáo dục không đúng của người lớn. Giáo dục nghiêm nhưng lưu ý không làm tổn thương thể chất hay tinh thần của trẻ.
Ranh giới giữa một trẻ bình thường và không bình thường là rất mong manh. Sẽ có hai khả năng xảy ra: trẻ có hệ thần kinh yếu thì dễ mắc chứng tự ti, trầm cảm; còn trẻ có hệ thần kinh mạnh thì dễ trở nên hung tính hoặc mắc chứng nổi loạn, tính thiện dần mất đi, nhân cách cũng dần bị thoái hóa.
Các chuyên gia tâm lý cho biết, một trẻ em đã từng bị bạo hành thường sẽ có những biểu hiện tâm lý đặc trưng, dễ dàng đoán biết như: hay tỏ ra giận dữ, gắt gỏng, buồn chán, ăn ngủ bất thường hoặc hay bị ám ảnh là sẽ bị bỏ rơi, hay mơ ác mộng... Theo một số nghiên cứu ở Mỹ, những em bị bắt nạt thường bị cô lập nên không muốn đến trường. Các em rất dễ bị trầm cảm và luôn có cảm giác thấp kém, những điều sẽ gây khó khăn cho cuộc sống của các em ngay cả lúc đã trưởng thành.
Những trẻ em bị bỏ rơi và đã từng bị bạo hành tinh thần là những đối tượng có những vấn đề tâm lý tồi tệ hơn cả những trẻ bị bạo hành tình dục hoặc thể xác. Những trẻ em là nạn nhân của nạn bạo hành tinh thần ít khi được điều trị, và những nỗi đau của chúng thường ít được nhận ra.
Sốt, mê sảng, đái dầm: Biểu hiện bất ổn tâm lý
Hầu hết các bậc cha mẹ đều không hiểu rằng những gì mình đang làm chính là bạo hành, gây ra những hậu quả nặng nề trong việc phát triển tâm sinh lý và hình thành nhân cách trẻ. Để tránh và nhận biết trẻ bị bạo hành, bố mẹ phải chú ý đến đời sống tinh thần, tâm lý của trẻ. Cần quan sát thường xuyên những biến đổi về sinh lý của trẻ bị bạo hành tinh thần như bị sốt, mê sảng, đái dầm.
Trẻ có thể khép mình nhưng cũng có thể trở nên hung dữ, hay đánh trả thể hiện phản ứng những dồn nén mà mình đang chịu đựng. Đồng thời, bố mẹ cần tăng cường giao tiếp đối với trẻ. Và hơn ai hết, chính bố mẹ không được bạo hành tinh thần con thì mới có thể khuyến khích trẻ chia sẻ với mình.
Nguồn: An ninh thủ đô