Gia đình xã hội
Đổi thay từ đề án mới
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, tiếp thu chỉ đạo của Trung ương, Nghệ An đặc biệt chú trọng tới việc ban hành nhiều kế hoạch tổ chức thực hiện công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí. Qua đó, tạo ra nền tảng, điểm tựa vững chắc để nhóm đối tượng yếu thế này từng bước phục hồi, hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng an sinh xã hội.
Cần chú trọng nâng cao chất lượng chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần - Ảnh: Hương Thi |
Gia tăng căn bệnh rối nhiễu tâm trí
Khác với tâm thần - căn bệnh vốn đã “quen thuộc”, rối nhiễu tâm trí (RNTT) là khái niệm khá mới. Đó là khi sức khỏe tâm thần có biểu hiện lệch lạc trong một thời gian dài, vượt khỏi sự tự điều chỉnh trở lại cân bằng của cơ thể và cần phải có sự can thiệp chuyên môn để tránh dẫn đến các tổn thương khó hồi phục khác. Hiện trên cả nước nói chung, Nghệ An nói riêng, bệnh tâm thần và RNTT ở thanh, thiếu niên đang có xu hướng tăng nhanh về số lượng và trở thành gánh nặng, thậm chí là “hiểm họa” về mặt KT-XH và ANTT.
Thế nhưng, hiện nay, công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng (TGXH&PHCN) cho nhóm đối tượng này còn gặp khó khăn do sự hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng của mạng lưới các cơ sở hoạt động liên quan đến lĩnh vực trên. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở bảo trợ xã hội còn thiếu các dịch vụ tư vấn, trợ giúp các đối tượng để họ từng bước tái hòa nhập cộng đồng.
Tăng cường trợ giúp
Trong bối cảnh số lượng người tâm thần và RNTT ngày càng gia tăng, việc phát triển hệ thống, dịch vụ trợ giúp xã hội trở thành yêu cầu mang tính cấp bách. Nhận thức rõ điều đó, ngày 8/6 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 323/KH-UBND về việc thực hiện đề án TGXH&PHCN cho người tâm thần, người RNTT dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020.
Mục tiêu mà đề án này hướng đến là huy động sức mạnh, sự chung tay của cả xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng thông qua việc tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người RNTT dựa vào cộng đồng; trọng tâm là nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội về công tác TGXH&PHCN cho nhóm đối tượng yếu thế này. Song song với đó, phát triển mạng lưới cơ sở TGXH&PHCN phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH của tỉnh.
Để đạt được mục tiêu trên, việc làm cần thiết trước tiên là xây dựng cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp và trị liệu tâm lý cho người tâm thần và người RNTT dựa vào cộng đồng theo cơ chế có thu phí. Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của xã hội, các cơ sở trợ giúp xã hội như Trung tâm Giáo dục, dạy nghề người khuyết tật tỉnh; Trung tâm mái ấm tình thương 1/5 Làng Nam tại xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc; Làng trẻ em SOS Vinh cũng sẽ được nâng cấp, mở rộng với quy mô thiết kế lớn hơn. Cùng với đó, phát triển mới 1 cơ sở trợ giúp xã hội trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ngoài công lập với quy mô từ 100 - 300 người.
Cũng trong khuôn khổ của đề án, việc phát triển nguồn nhân lực làm công tác chăm sóc và phục hồi chức năng cho nhóm đối tượng này cũng được chú trọng thực hiện. Bởi song song với việc tạo dựng cơ sở vật chất như phát triển các cơ sở phòng và trị liệu RNTT, xây dựng cơ sở dữ liệu TGXH&PHCN cho người tâm thần, người RNTT thì nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực trên chính là nền tảng cơ bản và vững chắc đảm bảo tính hiệu quả của chính sách an sinh xã hội liên quan đến nhóm đối tượng yếu thế này.
Nếu thực hiện đồng bộ những việc làm trên, mục tiêu đề ra đến năm 2020, gồm: 100% số người tâm thần có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng và số người tâm thần lang thang được chăm sóc, phục hồi chức năng luân phiên tại các cơ sở trợ giúp xã hội, 90% số người RNTT có nguy cơ cao bị bệnh tâm thần, người tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý, sử dụng các dịch vụ y tế và công tác xã hội khác hoàn toàn có thể trở thành hiện thực...
Cũng liên quan đến vấn đề trên, thiết nghĩ, để người tâm thần và RNTT sớm hòa nhập cộng đồng sau khi phục hồi chức năng, việc tạo “cần câu cơm” để họ từng bước ổn định cuộc sống cũng cần được chú trọng. Một trong những việc làm thiết thực đã được 21 tỉnh, thành phê duyệt là kế hoạch thành lập mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội với tổng số gần 8.800 người, góp phần trợ giúp các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội tiếp cận, thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống.
Hồng Hạnh