Gia đình xã hội

Giảm lương hưu của lao động nữ: Bước lùi về 20 năm trước

09:26, 21/10/2017 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
8 tháng đầu năm 2017, cả nước có gần 71.000 người nghỉ hưu, trong đó, rất nhiều người xin nghỉ hưu sớm để tránh bị thiệt thòi do thay đổi về cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu từ 1-1-2018.
 
Nhưng người lao động không phải cứ muốn nghỉ hưu sớm là được, mà ngoài đáp ứng quy định về độ tuổi, số năm đóng BHXH, còn phải giám định sức khỏe, do Hội đồng giám định y khoa kiểm tra. Vì thế, để tránh tình trạng xin nghỉ hưu sớm ồ ạt, tháng 8-2017, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã phải ký văn bản gửi lãnh đạo các đơn vị yêu cầu tăng cường quản lý công tác khám, giám định y khoa và nêu rõ: “Theo phản ảnh của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, thời gian gần đây số lượng người lao động nghỉ hưu trước tuổi có chiều hướng gia tăng”.
Giảm lương hưu sẽ khiến phụ nữ không yên tâm làm việc
Giảm lương hưu sẽ khiến phụ nữ không yên tâm làm việc
 
Có tình trạng xin nghỉ hưu tăng bất thường là do theo Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1-1-2018, lao động nữ nghỉ hưu được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho 15 năm đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được cộng 2% và mức hưởng tối đa là 75%, trong khi hiện nay mỗi năm đóng BHXH thêm được cộng 3% mà cũng được hưởng tối đa là 75%.  
 
Theo cách tính mới, từ năm 2018 trở đi, lao động nữ đủ 55 tuổi, nghỉ hưu phải có đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng tối đa 75% (so với hiện nay chỉ cần đủ 25 năm đóng BHXH là được hưởng tối đa 75%). Vì thế, dù chưa đến tuổi nghỉ hưu, chị Nguyễn Lan Hương –cán bộ một đơn vị địa chính ở Hà Nội cũng xin nghỉ hưu. Chị cho biết, đến tháng 1-2019 chị mới đến tuổi nghỉ hưu. 
 
Giảm lương hưu sẽ khiến phụ nữ không yên tâm làm việc
 
Nhưng từ 1-2018 phải đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng 75% lương, mà chị hiện mới có 25 năm nên nếu đóng BHXH thêm 2 năm nữa để đủ tuổi hưu, thì chị lại bị lĩnh lương thấp hơn là nghỉ năm nay, dù đã bị trừ đi 2 năm do thiếu tuổi. Chị Lan Hương chỉ là một trong rất nhiều cán bộ nữ xin nghỉ hưu để “né” chính sách mới. Bởi việc thay đổi chính sách lương hưu lại chỉ tác động tới lao động nữ.
 
Điều bất hợp lý chính là, những người như chị Hương càng làm việc và đóng BHXH thêm, thì càng lĩnh lương hưu thấp đi. Chính BHXH Việt Nam cũng nhận thấy quy định trên sẽ tác động đến những người vào thời điểm đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ số năm đóng BHXH cần thiết để hưởng tối đa 75%. 
 
Việc thay đổi cách tính lương hưu đối với lao động nam có lộ trình, mà với lao động nữ lại không có lộ trình sẽ ảnh hưởng đến lao động nữ nhiều hơn, nhất là đối với lao động nữ có dưới 30 năm đóng BHXH, số năm đóng BHXH càng ít thì tác động càng lớn.
 
Một đại diện BHXH Việt Nam cho rằng, cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nữ từ năm 2018 trở đi không phải là mới, mà đã thực hiện từ năm 1995. Lẽ ra BHXH Việt Nam cần nhớ rằng từ 2003 chính sách lương hưu trên đã có sự thay đổi, để không nên bao biện kiểu này. 
 
Theo Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2002 và Nghị định số 01 sửa đổi điều lệ Bảo hiểm, mỗi năm đóng BHXH thêm của lao động nữ được cộng 3% (trong khi của nam vẫn giữ nguyên chỉ cộng 2%) và số năm đóng BHXH của nữ giảm từ 30 năm xuống còn 25 năm. Như vậy, thay vì cải tiến chính sách lương hưu cho nữ thì năm 2018 lại “cải lùi” khi quay về điều hơn 20 năm trước đã phải thay đổi.
 
Lý giải cho việc thay đổi cách tính lương hưu mới, BHXH Việt Nam cho rằng cần thiết để đảm bảo cho quỹ hưu trí được cân đối trong dài hạn. Nhưng điều chưa hợp lý ở đây là trong khi chưa tăng tuổi nghỉ hưu cho nữ thì lại vội giảm mức hưởng lương hưu. Điều này dẫn đến 2 người cùng đi học, cùng đi làm việc ở tuổi như nhau, nhưng lương hưu của nữ lại thấp hơn nam do nghỉ hưu trước 5 năm. Do đặc điểm giới tính, số năm công tác của nữ đã phải ít hơn nam 5 năm, nhưng tỉ lệ cộng cho mỗi năm đóng BHXH lại như nhau là không hợp lý.
 
Chính những điều này góp phần tạo nên vị thế thấp hơn cho phụ nữ trong gia đình và xã hội, khi lương của họ không thể bằng người đàn ông. Việc “cào bằng” này góp phần làm gia tăng sự bất bình đẳng giới và đi ngược lại các chính sách giải quyết nạn mất cân bằng giới tính khi sinh đang ngày càng trầm trọng ở Việt Nam, là một nội dung rất quan trọng của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương khóa 12. 
 
Bên cạnh đó, quy định giảm lương hưu của lao động nữ từ năm 2018 khiến nhiều người nghi ngại chính sách an sinh xã hội và đặt câu hỏi tại sao việc thay đổi với nam giới thì có lộ trình, còn nữ giới thì lại không?
 
Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, BHXH đã nhận thấy những bất cập trong chính sách và có văn bản kiến nghị Chính phủ để có giải pháp với những trường hợp này, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời. Điều này liên quan đến câu chuyện nghỉ hưu sớm, “chạy” giám định BHXH để được hưởng tỉ lệ tính lương hưu cao nhất.
 
Những ngày qua, mạng xã hội đã có nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi sớm việc này, để đảm bảo tính nhân văn, tránh tác động xấu tới “một nửa thế giới” khi lao động nữ chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong các ngành nghề trên cả nước. Đồng thời, cũng để không ảnh hưởng đến chủ trương khuyến khích người lao động đóng BHXH, nhằm giảm gánh nặng cho bản thân và xã hội khi họ về già.
 
Không nên nghĩ rằng khi Luật đã sắp có hiệu lực là “ván đã đóng thuyền”. Bởi Luật được xây dựng là để phục vụ nhân dân, vì thế, Bộ Luật Hình sự sửa đổi, Luật BHXH đều từng phải lùi ngày có hiệu lực để chỉnh sửa.

Nguồn: Thanh Hằng/Chinhphu.vn

Các tin khác