Hễ nghe thấy một tiếng động dù là rất nhỏ, đôi mắt họ lại long lên sòng sọc. Tinh thần của họ luôn hốt hoảng, khó kiểm soát hành vi, có thể gây rối trật tự công cộng, thậm chí giết người bất cứ lúc nào. Ma túy đá như một “cơn bão” càn quét một bộ phận giới trẻ, gây ra vô vàn hệ lụy và hiểm họa cho xã hội. Còn bản thân họ - những người "ngáo đá" - cũng phải chịu nỗi đau tột cùng do một phút lầm lỡ...
Nỗi đau tâm trí, thể xác
Theo chân bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, chúng tôi bước lên tầng 2 của bệnh viện. Những song sắt lạnh lẽo ngoài ban công làm cách biệt thêm thế giới bên trong bệnh viện với phố xá đông đúc bên ngoài, dù chỉ cách nhau hơn chục mét. Bất chợt, từ phía hành lang dội lên tiếng la hét của một nam thanh niên chừng 20 tuổi khi được các bác sĩ đưa về phòng điều trị. “Chúng tôi đã quá quen với cảnh này” - bác sĩ Thu nói.
Hồ sơ bệnh án ghi, bệnh nhân B.B.Đ. sinh năm 1995, quê ở Thái Nguyên. Bác sĩ Thu cho biết, Đ. là sinh viên một trường đại học ở Thái Nguyên. Gia đình khá giả, Đ. được bố mẹ tạo mọi điều kiện cho ăn học. Vậy nhưng, thay vì phải chuyên tâm học hành, Đ. lại theo đám bạn chơi bời lêu lổng và “làm quen” với ma túy đá. Ban đầu là thỉnh thoảng, sau đó ngày nào Đ. cũng muốn “đập đá”. Từ một sinh viên hiền lành, Đ. đã thay đổi, trở thành một người cục cằn, nóng nảy. Bố mẹ Đ. cũng nhận ra sự thay đổi của con nhưng lại nghĩ rằng do áp lực học hành nên ngày càng chăm sóc. Chỉ đến khi phát hiện “quý tử” đang “đập đá” trong phòng riêng, bố mẹ Đ. mới tá hỏa. Mọi biện pháp được gia đình áp dụng: Đ. xin nghỉ học, bảo lưu kết quả và cai nghiện tại nhà, song không thành công. Vì thế, bố mẹ phải đưa con trai vào Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương để điều trị.
Điều trị bệnh lý do ma túy đá gây ra |
Không chỉ những thanh niên tuổi mới lớn, tại bệnh viện này còn có nhiều bệnh nhân là nữ, ở độ tuổi chín chắn. Trong vai thực tập sinh của bệnh viện, các bác sĩ cho phép chúng tôi tiếp xúc với N.T.H. (sinh năm 1980, trú tại quận Tây Hồ). Nằm bẹp trên giường bệnh, H. phều phào cho biết, cô đã có “thâm niên” gần 10 năm “ngậm” thuốc phiện, heroin, cần sa, bột ke,… và sử dụng ma túy đá. Đối với H., khi sử dụng ma túy đá thì “những chất gây nghiện khác trở nên nhạt nhẽo”.
Con đường dẫn H. đến với ma túy đá cũng tương tự như B.B.Đ. Năm 18 tuổi, khi đang học ở trường trung cấp, vì ham vui, H. bỏ học, theo bạn bè chơi thâu đêm, suốt sáng rồi nghiện ma túy lúc nào không hay. Sau đó, H. gặp một thanh niên cũng nghiện ma túy và về ở với nhau. Quay cuồng trong ảo giác của ma túy đá, H. và chồng bỏ bê chăm sóc hai đứa con. Mỗi khi ngưng sử dụng là cơ thể mệt mỏi, đau nhức, mất ăn, mất ngủ kéo dài. “Đau đến nỗi, em chỉ muốn cắt phăng chân đi thôi” - H. nói.
Chúng tôi đang nói chuyện thì một hộ lý bước vào bật thêm đèn. Lập tức H. chồm dậy, đột ngột cáu kỉnh, giận dữ và văng tục với những người xung quanh. Chỉ đến khi ánh sáng trong căn phòng trở về như cũ và được bác sĩ an ủi, H. mới chịu nằm xuống.
Dùng một lần, hại cả đời
Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu cho biết, khi sử dụng ma túy đá, bộ não con người là nơi bị tổn thương rõ nhất. Trong 100 trường hợp dùng ma túy đá thì một phần tư số đó não bị tổn thương, phá hủy. Nguy hiểm nhất là, chỉ cần dùng ma túy đá 1 lần có thể gây nghiện, cùng với ảnh hưởng của nó sẽ đi theo người sử dụng suốt cả đời. Cho dù vài tháng, vài năm không dùng ma túy đá, nhưng vẫn có thể tái sử dụng do hiện tượng “đói ma túy” diễn ra trong não. Người bệnh bị rối loạn tâm thần, là kết quả trực tiếp của việc sử dụng ma túy đá hoặc khi ngừng sử dụng (hội chứng cai). Trong đó, nguy hiểm nhất là biểu hiện hoang tưởng, người bệnh tự cho mình có nhiều tài năng, thực hiện được những điều không tưởng hoặc có thể cho rằng có người đang tìm cách hại mình và tìm cách chống lại. Trên thực tế, đã có không ít án mạng xảy ra do người bị "ngáo đá" gây nên.
Ma túy đá như một “cơn bão” càn quét một bộ phận giới trẻ. Ngay tại Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, số bệnh nhân nhập viện điều trị ma túy đá từ đầu năm 2017 đến nay đã lên đến gần 800 người, bao gồm những người tái phát loạn thần - cao hơn số người bệnh của cả năm 2016. Ngoài ra, muốn phục hồi từ nghiện ma túy đá phải mất một thời gian dài, trong đó một số tổn thương não không thể hồi phục hoàn toàn. Bác sĩ Thu cho biết: “Hiện chưa có phác đồ điều trị hiệu quả nhất cho những người sử dụng loại ma túy này. Phương pháp điều trị chủ yếu là liệu pháp hành vi nhận thức nhằm ngăn ngừa tái sử dụng và tránh sự cám dỗ, kiểm soát cảm giác thèm nhớ ma túy đá, đặc biệt cách đối phó khi gặp phải những tín hiệu gợi nhớ”.
Theo bác sĩ Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), để giúp người nghiện vượt qua hội chứng cai và duy trì chống tái nghiện cần phối hợp nhiều phương pháp điều trị. Trong đó, sự tham gia của gia đình có vai trò đặc biệt với thời gian đầu của quá trình phục hồi, khi người nghiện bị suy giảm nhận thức và trạng thái trầm cảm, khó tuân thủ điều trị.
Một thực tế đáng buồn là hiện nay nhiều thanh, thiếu niên coi sử dụng ma túy đá như một trào lưu để thể hiện “đẳng cấp” của mình mà không nhận thấy tác hại của nó. Trước tình hình đó, các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần chú ý khi con em của mình tự nhiên có biểu hiện lười nhác, bỏ bê công việc, học tập, ngủ nhiều sau mỗi đợt chơi đêm… Các biểu hiện này cho thấy nhiều khả năng con em của họ đã sử dụng ma túy đá. Khi đó, điều các bậc phụ huynh cần làm là đưa con cháu đi khám ở các cơ sở chuyên khoa về tâm thần để có thể phát hiện và điều trị sớm, tránh những ảnh hưởng tiêu cực cho bản thân và xã hội.
Điều tra của cơ quan chức năng, trong số người nghiện ma túy tổng hợp có gần 50% ở độ tuổi từ 16 đến 30. Loại “hàng đá” này ngày càng len lỏi vào nhiều tụ điểm ăn chơi, từ quán bar, vũ trường cho tới quán cafe, nhà nghỉ, karaoke ở khắp các tỉnh, thành phố, đặc biệt ở các đô thị lớn. Ghi nhận tại các bệnh viện chuyên khoa về thần kinh cho thấy, số bệnh nhân phải vào điều trị do sử dụng ma túy đá liên tục tăng cao, thậm chí có những bệnh nhân vào điều trị dài ngày hoặc vào viện điều trị như cơm bữa vì không thể dứt cơn nghiện ma túy đá.
.