Gia đình xã hội

Xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

07:56, 20/07/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em là xây dựng một cộng đồng mà ở đó, mọi trẻ em đều được bảo vệ, chăm sóc, vui chơi và được phát triển tinh thần, tình cảm, đạo đức, năng khiếu… trong môi trường sống an toàn, lành mạnh, trong sáng và thân thiện. Đây là mục tiêu đang được các cấp, ban, ngành, địa phương hướng đến. Tuy nhiên, hiện nay, để mô hình thật sự mang lại hiệu quả rất cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng.

Trẻ em cần được quan tâm, chăm sóc trong môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện
Trẻ em cần được quan tâm, chăm sóc trong môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện

Vì sự phát triển toàn diện của trẻ

Theo Quyết định số 34/2014/QĐ-TTg ngày 30/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định các tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em giảm từ 25 tiêu chí xuống còn 15 tiêu chí. Theo quy định, mỗi xã, phường để được công nhận phù hợp với trẻ em phải đảm bảo đạt 15 tiêu chí: Về tỉ lệ trẻ em được khai sinh đúng quy định; tỉ suất trẻ em bị xâm hại, mua bán, bạo lực, bắt cóc hay có các vấn đề xã hội (ma túy, vi phạm pháp luật); tỉ suất trẻ em bị tai nạn thương tích, lao động trong môi trường nặng nhọc; tỉ suất trẻ em được tiêm chủng đầy đủ, được đến trường, được vui chơi giải trí…

Với sự chung tay, vào cuộc quyết liệt của cộng đồng, theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), năm 2016, toàn tỉnh có 292/480 (đạt 60,8%) xã, phường, thị trấn được công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.

Toàn tỉnh có 17 huyện, 3 thị xã, 1 thành phố, trong đó có 11 huyện miền núi; 84/480 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 giai đoạn II và 8/480 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang. Dân số hơn 3 triệu người, trong đó gần 800.000 trẻ em từ 0 - 16 tuổi (chiếm 26,3% dân số), 20.721 em có hoàn cảnh đặc biệt (chiếm 2,6% tổng số trẻ em), 113.832 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Những khó khăn trong thực hiện

Bà Lê Thị Nguyệt, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐTB&XH tỉnh cho biết: “Nhìn chung, mô hình xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em đang được cấp ủy, chính quyền quan tâm sát sao, nỗ lực đạt đủ các tiêu chí. Tuy nhiên, công tác xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em hiện nay vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Nguyên nhân là do tại một số địa phương, việc triển khai và thực hiện xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em chưa được quan tâm, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành nên việc thực hiện đồng bộ các tiêu chí còn gặp nhiều khó khăn. Đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em cấp xã đều kiêm nhiệm nhiều việc, một số người năng lực hạn chế nên việc tham gia cũng như tạo mối liên kết ở lĩnh vực chăm sóc trẻ em đôi lúc còn chưa kịp thời”.

Cũng theo bà Nguyệt, ở các huyện miền núi, vùng nông thôn, điều kiện kinh tế - xã hội chưa phát triển, trình độ dân trí chưa cao, nhận thức người dân còn hạn chế nên dù nỗ lực phấn đấu thì nhiều xã vẫn khó đạt đủ tiêu chí.

Cụ thể như: Ở tiêu chí 10, tỉ suất trẻ em được đến trường, lớp mầm non tưởng chừng dễ đạt, song ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa lại rất khó thực hiện. Bởi, một phần do điều kiện kinh tế, mặt khác do thói quen giữ con trẻ ở nhà đến 5 tuổi mới cho đi học, thậm chí nhiều trẻ đi học muộn hơn. Hay như tiêu chí 13: Tỉ lệ trẻ em được tham dự tọa đàm, diễn đàn trẻ em các cấp trao đổi, đóng góp ý kiến vào các vấn đề liên quan đến thực hiện quyền trẻ em. Trên thực tế, ngoài khu vực TP Vinh, TX Cửa Lò thì các địa bàn khác, hàng năm ngoài ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 và Tết Trung thu, còn phát quà và tổ chức các hoạt động vui chơi có sự tham gia của đông đảo trẻ em.

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đều phải kiêm nhiệm, quỹ bảo vệ chăm sóc trẻ em cấp xã không có, cộng với kỹ năng chuyên ngành còn rất hạn chế…, nên hầu như ở cấp xã, phường, thị trấn chưa thực hiện được việc tổ chức tọa đàm, diễn đàn để lắng nghe trẻ em nói.

Ở tiêu chí 14: Điểm vui chơi, giải trí và tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi, rèn luyện thể chất cho trẻ em. Trong những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền nên việc đầu tư, xây dựng, hỗ trợ kinh phí cho các trường mầm non bổ sung thêm thiết bị vui chơi, giải trí.

Bên cạnh đó, nhờ đẩy mạnh công tác xã hội hóa nên ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có điểm vui chơi và một số xã có sân bóng mini nhân tạo phục vụ nhu cầu của các em. Tuy nhiên, số lượng trên chưa đáp ứng được yêu cầu, phần lớn các xã vẫn chưa có điểm vui chơi giải trí dành riêng cho thiếu nhi. Các hoạt động văn hóa chủ yếu mang tính chất “thời vụ” để tham gia khi xã, phường, thị trấn tổ chức các hội thao, hội diễn…; có rất ít câu lạc bộ phù hợp với lứa tuổi trẻ em.

Năm 2017, Nghệ An phấn đấu duy trì kết quả xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em tại 480 xã, phường, thị trấn và nâng lên 292 xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Để thực hiện được chỉ tiêu trên, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với việc xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM).

Mặt khác, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Các cấp, ngành cần quan tâm hơn nữa trong việc hỗ trợ nguồn kinh phí để xây dựng nhà văn hóa cấp xã, ít nhất mỗi xã có 1 điểm vui chơi giải trí tại khu trung tâm, cũng như có phụ cấp cho cán bộ làm công tác chuyên trách bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Bên cạnh đó, cần lồng ghép, đẩy mạnh việc thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em với một số tiêu chí NTM. Điều quan trọng hơn cả là cần có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em để tạo dựng môi trường an toàn, phù hợp cho trẻ phát triển toàn diện.

Thu Thủy

Các tin khác