Gia đình xã hội
Nước mắt người mẹ trẻ đòi quyền nuôi con
(Congannghean.vn)-Trong cảnh màn trời chiếu đất, không một ai nương tựa, người mẹ trẻ đã cắn răng gửi đứa con gái bé bỏng cho người bạn thân thiết của gia đình nuôi dưỡng để bươn chải ngược xuôi kiếm tiền. Ngày chị gặp được người đàn ông của cuộc đời mình, anh đã bao dung, yêu thương và mở lòng đón nhận 2 mẹ con cũng là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời chị. Chị mừng mừng tủi tủi về quê đón đứa con thơ sau bao năm xa cách, nào ngờ người phụ nữ mà chị tin tưởng năm nào giờ không để cho 2 mẹ con đoàn tụ.
Chị Vi Thị Hằng (trái) và bà Lương Thị Biên tại phiên tòa |
Cuộc sống tha hương đầy giông tố
Những ngày tháng 6, thời tiết nắng nóng như thiêu đốt nơi miền biên viễn càng khiến không khí phiên tòa tranh chấp giành quyền nuôi con càng trở nên ngột ngạt hơn. TAND huyện Kỳ Sơn đưa ra xét xử sơ thẩm 2 vụ án dân sự “Xác định con cho cha, mẹ” và “Tranh chấp về giao dịch dân sự”. Nguyên đơn trong cả 2 vụ án này là chị Vi Thị Hằng (SN 1994) trú tại khối Hòa Tân, thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương (quê ở bản Na Lượng 2, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn) và bị đơn là bà Lương Thị Biên (SN 1977) trú tại bản Na Lượng 2, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn.
Tại phiên tòa, người mẹ trẻ kể lại những tháng ngày khốn khổ của mình khiến những người dự khán không khỏi xót xa. Cơm không đủ ăn, quanh năm đói nghèo đeo đẳng nên Hằng luôn ao ước thoát khỏi cuộc sống này. Năm 2013, nghe theo lời dụ dỗ của bạn bè, Hằng vượt biên sang Trung Quốc để lấy chồng với hy vọng đổi đời.
Tuy nhiên, mọi thứ hoàn toàn ngược lại với sự tưởng tượng của cô gái trẻ, cuộc sống mưu sinh nơi xứ người vất vả, nhọc nhằn nhưng Hằng không còn sự lựa chọn nào khác. Chị chấp nhận kết hôn với 1 người đàn ông bản địa hơn tuổi mình và 2 người có với nhau 1 bé gái. Có con rồi, cuộc sống vợ chồng cũng không hạnh phúc hơn. Do rào cản ngôn ngữ và bất đồng trong sinh hoạt nên cuộc sống của Hằng ngày càng rơi vào tủi nhục.
Chị nai lưng làm lụng, phục tùng chồng và gia đình chồng nhưng họ chỉ xem chị như người giúp việc. Thậm chí, khi Hằng mang thai và sinh con, chị cũng không có 1 ngày yên ổn. Cứ mỗi lần uống rượu là người chồng gia trưởng, vũ phu lại trút lên người chị “cơn mưa” đòn roi. Không chịu nổi sự bạo hành của người chồng và cuộc sống khổ cực nơi xa xứ, năm 2014, Hằng ôm đứa con gái chưa đầy 3 tháng tuổi bỏ trốn về Việt Nam.
Vừa đặt chân về nước, chị nhận được tin như sét đánh bên tai khi bố mẹ và anh trai đang chấp hành án phạt tù do vi phạm pháp luật. Ngôi nhà của gia đình cũng đã bị bán nên 2 mẹ con Hằng không có nơi nương tựa. Mọi thứ như sụp đổ trước mắt người mẹ trẻ. Không nhà cửa, không một đồng xu dính túi, 2 mẹ con rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Tuy nhiên, nhìn gương mặt bầu bĩnh, nụ cười vô tư của con, Hằng càng tự nhủ mình không được phép gục ngã.
Và rồi, may mắn cũng mỉm cười với mẹ con Hằng khi chị gặp lại người bạn thân của mẹ mình là bà Lương Thị Biên. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của Hằng, bà Biên đã mở lòng cưu mang 2 mẹ con. Mặc dù được bà Biên giúp đỡ nhưng Hằng hiểu không thể mãi ở nhà ăn bám, nên dù con gái chưa cai sữa, chị cũng đành cắn răng gửi con nhờ bà Biên nuôi dưỡng để bươn chải kiếm tiền.
Cuộc chiến giành quyền nuôi con
Đầu năm 2016, tình cờ Hằng gặp và quen với anh Trần Nhật Đạt cùng trú tại huyện Tương Dương. Trước khi tiến tới hôn nhân, sau nhiều đêm trằn trọc, Hằng quyết định chia sẻ với người chồng tương lai về đứa con riêng và hoàn cảnh éo le của mình. May mắn thay, không những chồng mà cả gia đình chồng đều thông cảm cho hoàn cảnh của chị và ủng hộ 2 người đón đứa bé về nuôi. Tuy nhiên, khi trở về quê để đón con, Hằng không ngờ bà Biên lại không đồng ý cho mẹ con chị đoàn tụ. Hàng chục lần ngược xuôi để gặp, thuyết phục bà Biên nhưng không thành, cực chẳng đã, chị đã phải làm đơn khởi kiện giành quyền nuôi con gửi TAND huyện Kỳ Sơn.
Chị Hằng viết đơn cầu cứu Tòa án để giành quyền nuôi con |
Lật từng tấm ảnh chụp với đứa con gái bé bỏng, Hằng nói trong tiếng nấc nghẹn ngào: “Bản thân tôi mang ơn bà Biên nhiều lắm vì bà đã cưu mang mẹ con tôi trong lúc khó khăn nhất. Việc tôi phải viết đơn khởi kiện ra tòa để giành quyền nuôi con là việc làm bất đắc dĩ, bởi bà Biên đã tự ý đăng ký khai sinh cho con bé và nhập khẩu vào gia đình bà, trong khi hồi đó tôi chỉ gửi con gái nhờ bà nuôi chứ không phải cho bà nhận làm con nuôi…”. Hằng cũng cho biết, trong thời gian đi làm, chị tích góp được 80 triệu đồng và gửi 1 người bạn mang về cho bà Biên; trong đó, chị gửi cho bà Biên 30 triệu đồng để nuôi con, còn 50 triệu đồng cho bà này vay.
Tại phiên tòa, bà Biên thừa nhận cháu Nguyễn H. Đ. là do Hằng sinh ra, trước khi đi làm Hằng chỉ nói nhờ bà nuôi, giữa bà và Hằng cũng không có bất kỳ sự thỏa thuận nào liên quan đến việc cho, nhận con nuôi. Lý giải vì sao nhiều lần vợ chồng Hằng lên xin nhận lại con nhưng không được chấp nhận, bà Biên khóc cho biết, do “nuôi dưỡng cháu bé từ nhỏ và không nỡ rời xa”.
Trong trường hợp này, cũng khó trách bà bởi “công sinh không bằng công dưỡng”, huống hồ đứa trẻ gắn bó với bà từ thuở còn nằm nôi. Từ ngày có đứa bé, căn nhà trống trải bỗng rộn vang tiếng cười đùa, bi bô của con trẻ. Chứng kiến đứa bé xinh xắn, đáng yêu lớn lên từng ngày, bà không giấu được niềm hạnh phúc. Giờ đây khi mẹ đứa bé trở về, vì không nỡ rời xa nó nên bà đã có hành động thiếu suy nghĩ là tìm cách chia cắt 2 mẹ con.
Trước khi đưa vụ án ra xét xử, TAND huyện Kỳ Sơn đã tiến hành xét nghiệm ADN và xác định cháu Nguyễn H. Đ. và chị Vi Thị Hằng có cùng huyết thống. Sau khi xem xét chứng cứ do các đương sự cung cấp, kết hợp với phần tranh luận tại phiên tòa, chủ tọa buộc bà Lương Thị Biên phải giao cháu Nguyễn H. Đ. cho chị Vi Thị Hằng nuôi dưỡng. Ôm con gái bé bỏng vào lòng, chị Hằng không giấu được niềm vui sướng, nước mắt mừng mừng tủi tủi. Bà Biên cũng bật khóc nức nở. Dẫu biết rằng sẽ có một ngày bà phải trả lại đứa bé về đúng chỗ của nó nhưng bà không ngờ mọi chuyện lại trở nên khó khăn đến vậy…
Phạm Thủy - Huyền Thương