Gia đình xã hội

Bài trừ vắc-xin - trào lưu nguy hại!

10:38, 14/07/2017 (GMT+7)

Phản đối vắc xin: khoa học hay lý do nhân quyền?

Có một câu chuyện xảy ra cách đây không lâu tại một quốc gia. Sau khi bùng nổ dịch sởi từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2015 trên 8 bang nước Mỹ, rồi lan sang cả hai quốc gia Canada và Mexico, chính quyền bang Califonia đã quyết định đặt bút ký luật SB 277 quy định về việc bắt buộc tiêm vắc xin cho trẻ em vào ngày 30/6/2015.Trước đó, bang Califonia là một trong những bang từng tự hào rằng việc tiêm vắc xin là không bắt buộc vì đó là “quyền tự do” và “lựa chọn của phụ huynh”.

Nhưng niềm tin đó đã là quá khứ. Chỉ sau hai năm 2016-2017 nhận thấy những ích lợi mạnh mẽ từ sự miễn dịch cộng đồng nhờ luật SB 277, người dân và chính quyền Califonia đang thực sự cảm thấy tự hào. Các dự luật và các luật về sau tiếp tục củng cố hơn nữa các hiệu quả tích cực này. Dưới đây là sơ đồ được Sở Y tế bang Califonia công bố, theo đó số ca mắc sởi đã giảm mạnh mẽ kể từ khi luật bắt buộc tiêm vắc xin cho trẻ em mẫu giáo SB 277 được thi hành.

 Trong lịch sử, một vụ lùm xùm tương tự đã từng diễn ra tại Mỹ vào cuối thế kỷ thứ 19, khi dịch bệnh Đậu mùa ở Mỹ dẫn tới các chiến dịch tiêm vắc xin, và vì thế hoạt động chống lại vắc xin cũng nổi lên. Một nhóm các nhà hoạt động chống tiêm chủng nhân danh nhân quyền đã đệ đơn lên tòa án để bãi bỏ luật tiêm vắc xin ở một số bang như California, Illinois, và Wisconsin. Nhưng dịch đậu mùa hoành hành khiến chính quyền yêu cầu mọi cư dân thành phố phải được tiêm ngừa. Vẫn có nhóm người tại Massachusetts phản đối vì cho rằng chính quyền vi phạm quyền chăm sóc cơ thể của họ. Vụ kiện tụng qua lại này được đưa lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ năm 1905. Cuối cùng, Tòa án phán quyết dứt khoát rằng Nhà nước có quyền ban hành luật bắt buộc phải tiêm vắc xin để bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong trường hợp có dịch bệnh lây lan.


Phản đối vắc xin: lý do cảm xúc và niềm tin tôn giáo?

Ngoài những quan điểm mạnh mẽ về nhân quyền, ngay từ khi vắc xin xuất hiện, có những quan điểm phản đối khác hoàn toàn vì lý do tôn giáo, văn hóa hoặc liên quan đến vấn đề tinh thần. Trong lịch sử nhân loại, còn lưu giữ rất nhiều các ghi chép nghiêm túc về trường hợp này tại các thư viện quốc gia.

Có thể kể đến vụ chống lại việc tiêm chủng bệnh Đậu mùa ở Anh và Mỹ vào giữa những năm 1800. Cơ sở cho việc phản đối rất đa dạng: một số cho rằng sức khỏe người bệnh phụ thuộc vào định mệnh và không nên can thiệp vào số mệnh tự nhiên; một số tuân theo niềm tin tôn giáo không cho phép xâm phạm cơ thể theo cách tiêm chủng; một số ít là vì lợi ích chính trị cá nhân; và cuối cùng là nhóm phản đối dựa trên lý lẽ khoa học dưới dạng giả thuyết, không chắn chắn, không thể chính minh rõ ràng. Xét vào thời điểm những năm 1800, sự thiếu hiểu biết, căn cứ khoa học, cộng thêm niềm tin tôn giáo còn nặng nề, những cảm giác mơ hồ về truyền thuyết, số mệnh, ý Trời vẫn còn trong tâm tưởng nhiều người dân thì sự phản đối tiêm chủng là khó có thể tránh khỏi. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho chính quyền và ngành y tế đương thời.

Cụ thể như các mục sư, đạo sư địa phương phản đối vì cho rằng chủng ngừa này có nguồn gốc gì đó từ con vật, sau đó tiêm vào cơ thể người là không “phải đạo”. Đối với một số cha mẹ đứa trẻ, họ vô cùng kinh hãi khi thấy các bác sĩ sẽ ghim một thứ kì lạ, đáng sợ lên da thịt của con mình. Đứng trước một thành tựu khoa học hoàn toàn mới, nhiều phụ huynh thời kỳ ấy cảm thấy cực kỳ bối rối và hoang mang. Thậm chí, có một nhóm khoa học tin rằng bệnh Đậu mùa là do thứ gì đó phân hủy ra và lây lan trong không khí, do đó họ không tin tiêm chủng có thể bảo vệ họ khỏi dịch bệnh.
Mặc dù thời gian đã trôi qua, cảm xúc và lòng tin xưa - dù là triết học, tôn giáo, chính trị hay nỗi sợ hãi tinh thần - vốn là nền tảng của sự chống đối đối với vắc xin vẫn không có nhiều thay đổi. Trong tất cả các trường hợp này, nhóm phản đối tiêm chủng ngoài những lý luận cảm tính hùng hồn, họ không thể đưa ra các nghiên cứu khoa học chứng minh đầy đủ, nghiêm túc, xác thực.

Vắc xin: từ khoa học đến những kết quả thực tế

Nhờ sử dụng vắc xin dự phòng, nhiều bệnh truyền nhiễm đã được thanh toán, loại trừ hoặc giảm đáng kể số mắc, số chết. Trước khi sử dụng vắc xin, bệnh đậu mùa đã gây tử vong khoảng 2 triệu người mỗi năm, tuy nhiên sau một chiến dịch tiêm chủng toàn cầu bệnh đã được thanh toán vào năm 1979. Tiêm chủng cũng gây tác động lớn đối với sức khỏe toàn cầu với các thành tựu như: 2/3 số nước đang phát triển đã loại trừ được bệnh Uốn ván sơ sinh, số ca mắc Bại liệt giảm từ trên 300.000 trường hợp/năm giai đoạn những năm 1980 xuống chỉ còn 2.000 trường hợp năm 2002, số trường hợp tử vong do Sởi giảm từ 6 triệu trường hợp/năm xuống còn dưới 1 triệu trường hợp/năm, số mắc Ho gà giảm từ 3 triệu trường hợp/năm xuống chỉ còn dưới 250.000 trường hợp.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, việc thanh toán bệnh Bại liệt đã giúp Chính phủ của các quốc gia tiết kiệm được 1,5 tỷ USD mỗi năm cho chi phí vắc xin, điều trị và phục hồi chức năng. Việc thanh toán bệnh Đậu mùa giúp tiết kiệm được 275 triệu USD mỗi năm cho chi phí chăm sóc y tế trực tiếp. Một nghiên cứu đã ước tính là 100 triệu USD đầu tư cho việc thanh toán bệnh tật trong vòng 10 năm sau 1967 đã tiết kiệm được cho thế giới khoảng 1,35 tỷ USD/năm. Theo báo cáo của Viện Y tế Hoa Kỳ, cứ chi 1 USD cho vắc xin MMR thì tiết kiệm được 21 USD.

Các nghiên cứu chi phí - hiệu quả  khác cũng cho thấy tiêm chủng giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho y tế.

Mặc dù có những bước tiến đáng kể như vậy, nhưng việc tiêm chủng cũng gây nhiều tranh cãi và trên thế giới đã từng có những thời kỳ tỷ lệ tiêm chủng giảm. Tại Vương quốc Anh, tỷ lệ tiêm chủng giảm mạnh những năm 1970 do những lo ngại của người dân về phản ứng sau tiêm chủng liên quan đến vắc xin Ho gà. Khi tỷ lệ tiêm chủng giảm còn 30%, số mắc Ho gà tăng vọt từ 2.000 -8.000 ca mỗi năm lên 100.000 ca, nhiều trường hợp tử vong và nhập viện. Sau 2 vụ dịch lớn và các chiến dịch truyền thông về nguy cơ và lợi ích của tiêm chủng, người dân đã dần tin tưởng vào công tác tiêm chủng tỷ lệ tiêm chủng sau đó đã tăng tới 95% vào giữa thập kỷ và kết quả là số ca mắc Ho gà giảm xuống tới mức thấp nhất trong lịch sử.

Tại Việt Nam, thành công của công tác Tiêm chủng mở rộng đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em, cụ thể: Việt Nam đã thanh toán Bại liệt vào năm 2000, đạt mục tiêu loại trừ Uốn ván sơ sinh vào năm 2005, tỷ lệ mắc các bệnh thuộc tiêm chủng trên 100.000 dân nếu so sánh năm 2010 với năm 1984 thấy: Bệnh Bạch hầu giảm 585 lần, Ho gà giảm 937 lần, Uốn ván sơ sinh giảm 59 lần, Sởi giảm 573 lần. Việt Nam là quốc gia đã đạt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005. 

Kết quả giám sát các bệnh trong Tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam cũng cho thấy: tỷ lệ mắc hầu hết là các bệnh có vắc xin phòng trong chương trình TCMR và đều duy trì chiều hướng giảm qua các năm. So sánh năm 1985 (năm bắt đầu triển khai TCMR trên toàn quốc) với năm 2010, tỷ lệ này giảm từ hàng chục đến hàng trăm lần.

Năm 1984 cả nước có 1.223 ca mắc Bại liệt, từ năm 1998 cả nước không ghi nhận ca Bại liệt. Từ 2000 đến nay không ghi nhận ca Bại liệt hoang dại trên phạm vi toàn quốc.

Bệnh Bạch hầu cũng ghi nhận số trường hợp mắc giảm đáng kể với 363 lần, năm 1984 cả nước có 2.177 ca mắc, năm 2010 cả nước chỉ ghi nhận 06 ca mắc. Đối với bệnh Ho gà, năm 1984 cả nước có 28.953 ca mắc, năm 2010 số mắc giảm xuống còn 81 ca, số mắc giảm 357 lần.

Tỷ lệ giảm số mắc bệnh Uốn ván sơ sinh là 70 lần cụ thể năm 1991 cả nước có 334 ca Uốn ván sơ sinh, tuy nhiên đến năm 2010 cả nước chỉ có 35 ca mắc. Bệnh Sởi đã giảm số mắc 23 lần, năm 1984 cả nước có 65.148 ca mắc Sởi, năm 2010 có 2.809 ca.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng nguy cơ của các dịch bệnh trên vẫn tiềm ẩn, cụ thể: nguy cơ vi rút Bại liệt xâm nhập từ các nước lưu hành Bại liệt vào Việt Nam là rất lớn, Uốn ván vẫn là bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh có vắc xin phòng được triển khai trong TCMR và Uốn ván sơ sinh vẫn là bệnh có tỷ lệ chết/mắc cao nhất (53-82%). Do vậy việc tiêm chủng phòng bệnh là hết sức quan trọng trong việc duy trì các thành quả mà Việt Nam đã đạt được, không để nguy cơ dịch bệnh bùng phát tại một cộng đồng nhỏ sẽ trở thành một sự kiện y tế công cộng của Việt Nam. Điều đáng nói là nếu như không duy trì tỷ lệ tiêm chủng chắc chắn là dịch bệnh sẽ bùng phát và tất cả cộng đồng sẽ gánh chịu hậu quả. Chính vì vậy Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm đã quy định tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch là tiêm chủng bắt buộc. Hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để bảo vệ cho từng cá thể và cho cộng đồng.

Tiêm chủng mở rộng luôn đảm bảo 3 yêu cầu cơ bản bao gồm: nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, nâng cao chất lượng tiêm chủng và bảo đảm an toàn tiêm chủng, tất cả các vắc xin đều phải đảm bảo được tính an toàn và hiệu lực cũng như phải trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt mới được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, giống như thuốc: không có một loại vắc xin nào dù tốt đến đâu có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối như mong muốn, bởi vì tiêm vác xin tức là đưa một kháng nguyên lạ vào trong cơ thể.

Thông thường mỗi cá thể phản ứng với vắc xin ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi trong 24h, tuy nhiên một số rất ít cơ thể lại có phản ứng mạnh với văc xin như sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí là sốc phản vệ và tử vong. Chính vì vậy trong thực tế, nhiều trường hợp tiêm cùng một lô vắc xin, thậm chí tiêm cùng 1 lọ vắc xin lại có trẻ có phản ứng rất nghiêm trọng, trong khi tất cả các trẻ khác hoàn toàn bình thường và đó là do phản ứng cá thể cơ địa của từng người với vắc xin chứ không phải do chất lượng vắc xin. 

Việc kết luận các nguyên nhân của trường hợp đáng tiếc sau khi tiêm vắc xin cần sự nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc, công tâm từ phía các bác sĩ, chuyên gia, không thể đưa ra những suy luận cảm tính, để từ đó gây ra những hoang mang hoặc hiểu lầm không cần thiết, ảnh hưởng xấu đến sự miễn dịch chung của cả cộng đồng.

Ngày nay, mạng xã hội phổ biến là môi trường thuận lợi để tạo nên những tin đồn thất thiệt, những trào lưu phản cảm, những xuyên tạc gây hoang mang cho dư luận, gây thiệt hại nặng nề cho cá nhân, tổ chức hoặc an ninh cộng đồng. Do đó, mỗi chúng ta đều cần cẩn trọng trước mỗi tin tức, trào lưu mới trên mạng xã hội. Các thư viện, các nguồn tin chính thống đều được rộng mở cho việc tra cứu, kiểm chứng mọi nghi vấn về sức khỏe của bạn và gia đình. Hãy tỉnh táo trước khi đặt niềm tin vào một khẳng định, một quan điểm, một trào lưu nào đó. Bởi rất có thể tính mạng của gia đình bạn, của cả cộng đồng sẽ ảnh hưởng rất nhiều vào mỗi quyết định của chính bạn!

Nguồn: Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Các tin khác