Gia đình xã hội

Xã Đồng Văn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An

Mỏi mòn chờ điện lưới

09:52, 12/06/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Đã nhiều năm nay, người dân xã miền núi Đồng Văn, huyện Tân Kỳ phải sống chung với tình trạng không có điện để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Tình trạng trên kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của họ và hơn lúc nào hết, mong muốn sớm được kéo điện lưới là nhu cầu bức thiết của người dân nơi đây.

Nguồn điện kéo về các hộ gia đình được làm tạm bợ, nguy hiểm đến tính mạng
Nguồn điện kéo về các hộ gia đình được làm tạm bợ, nguy hiểm đến tính mạng

Hiện tại, trong khi nhiều xóm thuộc xã Đồng Văn đã được sử dụng điện lưới quốc gia từ lâu thì nhiều hộ dân xóm Tân Bình, Đồng Lau, xã Đồng Văn phải tự bỏ tiền đứng ra kéo đường dây điện với khoảng cách từ 3 - 4 km từ xóm khác về nhà. Thế nhưng, do khoảng cách quá xa nên cường độ dòng điện không đảm bảo, vì vậy ngoài việc dùng để thắp sáng thì hầu như người dân không thể sử dụng điện vào việc gì khác.

“Mục sở thị” tại xã Đồng Văn, vòng quanh các thôn, xóm, chúng tôi dễ dàng bắt gặp “hệ thống” điện lưới là những cột điện bằng cọc tre tạm bợ, không đạt tiêu chuẩn chiều cao, đường dây điện thô sơ, dây kéo chằng chịt, nhiều đoạn thắt, nối không được bọc kín, rất nguy hiểm.

Anh Xuân Thao ở xóm Đồng Lau phản ánh: "Vì khoảng cách từ trạm biến áp đến nhà dân quá xa nên người dân trong xóm phải chấp nhận nguy hiểm để có điện sinh hoạt. Do đường truyền điện xa nên vào giờ cao điểm, không đủ nguồn điện để sử dụng; vất vả nhất là vào mùa hè nóng nực, buổi tối không đủ ánh sáng để học sinh học bài”.

Qua tìm hiểu được biết, muốn có điện mỗi hộ dân nơi đây phải bỏ ra gần 10 triệu đồng để kéo dây về nhà, tiền điện đóng hàng tháng lại quá cao. Đối với nhiều hộ không có điều kiện nên đành chịu cảnh đèn dầu hoặc nến để thắp sáng. Ngoài ra, người dân cũng sử dụng bình ắc-quy, tận dụng ắc-quy của xe máy nối với dây điện để có ánh sáng sinh hoạt.

Ông Trần Đình Tú, Giám đốc Điện lực huyện Tân Kỳ cho biết: “Đối với các xóm Đồng Lau và Tân Bình là một trong những địa bàn có dân cư phân bố tập trung không đồng đều, địa hình đồi núi. Vì vậy, việc đầu tư trái tuyến, quản lý và quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn và kinh phí còn hạn hẹp. Điện lực Tân Kỳ cũng đã tiếp nhận ý kiến của người dân. Dự kiến giai đoạn 2017 - 2020 sẽ nâng cấp nguồn điện cho họ.

Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo nguồn điện, Nhà nước sẽ đầu tư cho mỗi hộ 1 công tơ riêng, còn các hộ dân phải mua dây đúng tiêu chuẩn đảm bảo an toàn. Về phía Điện lực huyện sẽ luôn đảm bảo nguồn điện phục vụ cho nhân dân, tích cực cải tạo nguồn điện cũ và nâng cấp nguồn điện mới”.

Việc sớm triển khai hệ thống lưới điện cho các thôn vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế là yêu cầu cấp thiết nhất hiện nay của toàn tỉnh. Có điện, đời sống, sinh hoạt văn hóa của người dân sẽ bớt khó khăn hơn. Bà con có thể tiếp nhận được thông tin về cơ chế chính sách của Nhà nước, học hỏi những kinh nghiệm phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng... nhằm phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng.

Xuân Thống - Lô Anh

Các tin khác