Gia đình xã hội
Vợ, chồng và cuộc chiến giành quyền nuôi con
(Congannghean.vn)-Ra tòa để giải thoát cho nhau, có lẽ là lựa chọn đớn đau nhất của những cặp vợ chồng sau nhiều năm chung sống nhưng không tìm được tiếng nói chung. Có những cặp vợ chồng năm lần bảy lượt kéo nhau ra tòa không thành vì vướng tài sản, nhưng cũng không ít cặp, chỉ vì tranh giành quyền nuôi con mà thành ra không còn nhìn mặt nhau.
Cặp vợ chồng này lần thứ hai ra tòa giành quyền nuôi con |
1. Khi nghe HĐXX tuyên hủy án sơ thẩm, buộc giao đứa con mới 17 tháng tuổi cho người chồng nuôi dưỡng, gương mặt người vợ biểu thị sự thẫn thờ, bất lực. Vội vã quay đi nhưng không giấu nổi những giọt nước mắt chực trào, chẳng thể trách ai ngoài tự trách mình, khi chị đã buông bỏ, ruồng rẫy tình mẫu tử để chạy theo những hư vô của cuộc sống. Người mẹ cô đơn bên cạnh những người đã từng là thân yêu nhất của mình ấy là chị Trần Thị H. (33 tuổi) trú tại xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn.
Tại phiên tòa phúc thẩm TAND tỉnh Nghệ An xét xử vụ án ly hôn giữa hai vợ chồng, diễn ra vào một ngày cuối tháng 5/2017, hai anh chị lủi thủi bắt xe đò từ Nghĩa Đàn về TP Vinh từ rất sớm. Đứa con trai mới 17 tháng tuổi được gửi cho người thân ở quê, chỉ có duy nhất người chị của chồng ngồi dự khán. Tại tòa, vợ và chồng, mỗi người chọn một chiếc ghế cách thật xa “đối phương”.
Tại phiên sơ thẩm TAND huyện Nghĩa Đàn trước đó, xét thấy cháu bé đang nhỏ dại nên đã tuyên cho chị H. chăm nuôi, mỗi tháng chồng cũ phải chu cấp nuôi dưỡng 700.000 đồng. Cho rằng, vợ không đủ tư cách nuôi dạy con cái, chồng chị kháng án, đòi phần nuôi con về phía mình và đó là căn nguyên của cuộc chiến dai dẳng giữa hai vợ chồng.
Năm 2015, trên tinh thần tự nguyện, chị kết hôn với anh Trần Đình Th. (41 tuổi) trú cùng xã để chăm sóc hai đứa con gái riêng của anh này vì quá cám cảnh trước hoàn cảnh “gà trống nuôi con”. Anh Th. xuất thân từ gia đình nông dân, học thêm được nghề thú y nên cũng có chút thu nhập, tuy vậy cuộc sống gia đình riêng lại không như mong muốn khi người vợ dứt áo ra đi, để lại hai đứa con nhỏ dại cho anh nuôi dưỡng. Cuộc hôn nhân thứ 2 của anh được chắp cánh bởi lòng bao dung của chị H.. Cuối năm 2015, bé Trần Đình H. ra đời, những tưởng là sợi dây gắn kết tình cảm của đôi vợ chồng, nhưng mọi mâu thuẫn cũng bắt đầu từ đấy.
Cho rằng, mình đã làm tròn trách nhiệm của một nàng dâu đảm, vừa mới sinh nhưng đã bị gia đình nhà chồng (vợ chồng anh Th., chị H. sống chung với bố mẹ chồng - P.V) cô lập, chèn ép và xúc phạm, bắt lao động quần quật. Quá sức chịu đựng của một người đàn bà nên chị đã nhiều lần nổi điên, xúc phạm đến chồng và bố mẹ chồng, dù sau đó đã xin lỗi nhưng không được chấp nhận. Cực chẳng đã, khi biết không thể hòa hợp thêm được nữa, chị H. đã đâm đơn ra tòa xin ly hôn.
Về phía anh Th., cho rằng mình đã một lần tan vỡ trong hôn nhân nên rất trân trọng những gì đang có, song chị H. là một người không chịu thương chịu khó. “Là nông dân thì ai cũng phải lao động, ấy thế mà vợ tôi lại không thích làm việc đồng áng, thậm chí còn muốn vào chùa để tu cho nhàn thân. Khi con trai mới 7 tháng tuổi, cô ấy đã lạnh lùng dứt áo ra đi. Trước khi bước chân ra khỏi nhà, tôi đã khuyên cô ấy nên suy nghĩ thật kỹ, vì nếu đã quyết định đi thì đừng trở về nữa, bởi đây đã là lần thứ 3 cô ấy làm như vậy nhưng mặc cho con ngằn ngặt khóc vì khát sữa, người mẹ ấy vẫn ngoay ngoảy quay đi. Để rồi khi cửa chùa không chấp nhận, cô ấy lại về khóc lóc, van xin được tha thứ. Một người mẹ như vậy, liệu có đủ tư cách để nuôi dạy con hay không”?
Chị H. nghe chồng cũ “tố” như vậy cũng chẳng vừa, cho rằng chính vì bị cô lập, xúc phạm nhiều quá nên đành phải dứt áo ra đi để “giải tỏa tâm lý”, và cũng là cách để cho phía gia đình nhà chồng “có thời gian mà suy nghĩ lại cách đã đối xử tệ với mình”. Bằng chứng cho tình yêu của mình với con trai là chỉ sau 3 ngày, chị đã vội vã trở về để chăm con nhưng tiếp tục bị “ngăn sông, cấm chợ” khiến tình cảm mẹ con bị rạn nứt.
“Trong những ngày xa con đó, tôi sợ sẽ mất đi nguồn sữa của con nên phải cho con người khác bú để duy trì. Với lại, tôi hiện đã có công việc ổn định là bán hàng ăn sáng ở chợ, thu nhập khoảng 5 triệu đồng mỗi tháng, như vậy là đủ điều kiện để nuôi con. Anh Th. vừa phải nuôi bố mẹ già, nuôi thêm hai đứa con riêng, trong khi thu nhập hàng tháng từ nghề cạo mủ cao su, bán thuốc và phụ cấp thú y chỉ khoảng 10 triệu đồng, không đủ để nuôi con”, chị H. tự bào chữa cho chính mình.
Anh Th. sau khi đưa ra những chứng cứ “buộc tội” chị H. không đủ tư cách làm mẹ, cho rằng đúng là thu nhập chỉ khoảng 10 triệu đồng, nhưng hai đứa con riêng đã 14, 15 tuổi, bố mẹ lại có lương hưu nên đủ điều kiện để chăm sóc cháu bé. Với lại, thời gian vợ bỏ đi, anh vẫn nuôi dưỡng con trai rất tốt, phát triển bình thường. Tha thiết đề nghị tòa phúc thẩm hủy án, trao lại quyền nuôi con cho mình, chị H. cũng không phải chu cấp tiền nuôi dưỡng con hàng tháng.
Sau giờ nghị án, phân tích và cân nhắc những điều kiện tốt nhất có thể giữa vợ và chồng, tòa phúc thẩm quyết định hủy án, trao lại quyền nuôi con cho anh Th., dù cháu bé chưa đầy 36 tháng tuổi.
2. Cũng vào khoảng thời gian cuối tháng 5/2017, TAND TP Vinh đưa vụ án ly hôn ra xét xử giữa nguyên đơn là chị Dương Thị Thu H. (29 tuổi) và anh Nguyễn Lê Anh T. (38 tuổi) trú tại phường Đông Vĩnh (TP Vinh). Xuất phát từ tình yêu, năm 2013, hai người nên duyên chồng vợ trong sự ngưỡng mộ của nhiều người. Tháng 9/2014, cháu Nguyễn Hồng Ph. ra đời, tổ ấm càng thêm viên mãn.
Nhưng rồi ngày vui ngắn chẳng tày gang, hơn 2 năm sau ngày con trai đầu lòng chào đời, vợ chồng buộc phải sống ly thân vì những mâu thuẫn không thể hàn gắn. Chị H. tức tưởi và cay đắng ra đi với hai bàn tay trắng, tài sản lớn nhất và cũng là duy nhất mà chị muốn mang theo là đứa con trai chưa đầy 36 tháng tuổi, nhưng bị chồng và những người bên gia đình chồng ngăn cách, chia rẽ. Nhiều lần tìm đến gặp con nhưng bị cấm đoán, mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc qua cánh cửa đã bị khóa chặt. Cực chẳng đã, chị H. gửi đơn ra tòa ly dị, đòi quyền nuôi con.
Cũng như bao cặp vợ chồng khác, một khi hết yêu, đọng lại trong nhau chỉ còn là nỗi dấm dẳng, “ghét đến cả tông chi họ hàng” như dân gian vẫn thường bảo. Trong trường hợp này, còn tệ hơn cả sự tan vỡ, ấy là anh và chị, để giành quyền nuôi cháu Ph. đã thuê luật sư để bào chữa.
Chốn công đường, bao yêu thương của ngày hôm qua đã tan biến, cả chồng và vợ đều ra sức “tố” thói hư tật xấu của nhau để bảo vệ cho cái gọi là tình thương con trẻ tuyệt đối của mình. “Cô ấy không đủ tư cách làm mẹ, nuôi dạy con cái. Từ ngày ly thân, chưa một lần nấu cho con bữa cháo tử tế. Nhiều lần đưa người đến nhà riêng và Trường Mầm non quốc tế Blue Sky đòi con, gây náo loạn cả khu phố”, anh T. chỉ trích vợ.
Và để chứng minh mình đủ năng lực chăm sóc cháu Ph., anh T. đã trưng ra bản hợp đồng công việc với thu nhập ổn định 15 triệu đồng mỗi tháng, có cả hợp đồng chăm sóc sức khỏe với bác sĩ riêng cho con trai và xin cho con học tại trường mầm non tốt nhất tại TP Vinh. Dù rằng, những điều này sau đó đã bị phía luật sư của chị H. vạch trần, bác bỏ chỉ là chiêu trò để giành phần nuôi con.
Về phía chị H., cho rằng mình không chăm sóc được con tốt nhất trong giai đoạn ly thân là do bị phía nhà chồng cấm đoán, ngăn cách tình mẫu tử. Ngoài ra, bản thân mình công tác trong lực lượng vũ trang, con trai cũng chưa đủ 36 tháng tuổi nên không chỉ đủ điều kiện, mà đương nhiên được giành quyền nuôi con.
“Trong thời gian sống chung, anh ta đã nhiều lần xúc phạm danh dự, nhân phẩm tôi. Thời kỳ ly thân, anh T. đã tìm đủ mọi cách để chia cách tình mẫu tử thiêng liêng. Hơn thế nữa, gần đây có rất nhiều người đâm đơn tới cơ quan CSĐT tố cáo anh ta có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt hàng tỉ đồng. Một người cha như vậy, thử hỏi có đủ tư cách để nuôi dạy con cái hay không”?, chị H., nức nở giữa chốn pháp đình.
Giữ quyền công tố tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát cũng cho rằng, nên giao cháu Ph. cho bố nuôi, vì người này có thu nhập cao hơn lương của một sỹ quan trong lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, sau giờ nghị án kéo dài, chủ tọa phiên tòa đã tuyên giao đứa bé cho mẹ cháu chăm sóc và nuôi dưỡng, theo quy định tại Khoản 3, Điều 81, Luật Hôn nhân gia đình. Phiên tòa kết thúc, anh và chị chẳng ai nói thêm câu nào, lẳng lặng mỗi người đi theo một hướng. Với họ, cuộc chiến giành phần nuôi con có lẽ chưa dừng lại ở đó…
Thiên Thảo