Gia đình xã hội

Đồng hành cùng người hoàn lương

09:49, 02/06/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Những người hoàn lương thường gặp khó khăn trong cuộc sống do không có vốn để tạo dựng công ăn việc làm. Để tháo gỡ, Chính phủ đã có chương trình cho vay tín dụng đối với những người này. Sau một thời gian triển khai, bước đầu chương trình còn gặp khá nhiều khó khăn do rào cản tâm lý. Tuy nhiên, theo đánh giá, chương trình cho vay đối với người lầm lỡ hoàn lương bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định.

Nhờ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tiệm may của anh Trần Quốc Khang đã mở rộng, phát triển hơn trước
Nhờ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tiệm may của anh Trần Quốc Khang đã mở rộng, phát triển hơn trước

Hoàn lương, thoát nghèo nhờ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội

Anh Trần Quốc Khang trú tại xóm Đông Phú, xã Đồng Thành (Yên Thành), trước đây là người nghiện ma túy lâu năm. Sau thời gian nghiện ngập, kinh tế của gia đình anh trở nên suy kiệt, bao nhiêu tài sản đều lần lượt ra đi để phục vụ cho cơn nghiện. Năm 2013, được sự quan tâm động viên của gia đình và chính quyền địa phương, anh Khang đã cai nghiện thành công. Đứng lên làm lại cuộc đời từ hai bàn tay trắng, anh lúng túng, băn khoăn không biết phải làm sao để gây dựng lại cuộc sống gia đình vì không có vốn. Tận dụng lợi thế có nghề may truyền thống do cha ông truyền lại, anh đã mở cửa hàng cắt may tại nhà, nhưng do không có vốn ban đầu nên không thể mở rộng sản xuất.

Năm 2016, khi Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) triển khai gói tín dụng cho vay cá nhân và hộ gia đình có người cai nghiện thành công, gia đình anh Khang đã mạnh dạn đăng ký vay gói tín dụng 25 triệu đồng và được giải ngân theo yêu cầu. Với số tiền này, hai vợ chồng đã đầu tư thêm 2 máy khâu mới, từng bước khắc phục khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng. Đến nay, để mở rộng quy mô, vợ chồng anh đã thuê thêm 2 nhân công và nhận hàng may gia công cho các nhà máy, gia đình có thu nhập hàng tháng ổn định, trở thành điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế tại địa phương.

Gia đình anh Trần Quốc Khang chỉ là một trong rất nhiều trường hợp trên địa bàn Nghệ An được vay vốn từ gói tín dụng của Ngân hàng CSXH để vươn lên thoát nghèo, trở thành công dân có ích cho xã hội sau lầm lỗi trong quá khứ.

Ông Trần Khắc Hùng, Giám đốc Ngân hàng CSXH Nghệ An cho biết: “Hiện, chương trình cho vay đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương và cho vay dự án cung cấp dịch vụ tài chính vi mô, tạo việc làm cho người sống chung và chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người sau cai nghiện ma túy được thực hiện tại 15 tỉnh, thành phố, trong đó có Nghệ An”.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Mức cho vay căn cứ vào nhu cầu vay và khả năng trả nợ của từng cá nhân, hộ gia đình và không phải thế chấp nhưng không vượt quá mức cho vay theo quy định là tối đa 20 triệu đồng/cá nhân và 30 triệu đồng/hộ. Năm 2016, tổng nguồn vốn Trung ương rót về cho Ngân hàng CSXH Nghệ An để triển khai chương trình là 1,3 tỉ đồng, đến nay Ngân hàng đã giải ngân được hơn 500 triệu đồng với khoảng 25 hộ, cá nhân được cho vay vốn.

Cũng theo ông Hùng, sau hơn 1 năm thực hiện việc cho vay đối với những người có quá khứ lầm lỗi, đến nay đã có nhiều gia đình dựa vào số vốn ban đầu để làm ăn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Theo hướng dẫn của Trung ương thì những đối tượng được cho vay vốn gồm: Cá nhân và hộ gia đình có người nhiễm HIV; người sau cai nghiện, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; người bán dâm hoàn lương.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cho vay vốn, Ngân hàng CSXH đã gặp không ít khó khăn trở ngại, do tâm lý của những người thuộc đối tượng được cho vay còn khá mặc cảm với quá khứ của mình, đặc biệt là những người thuộc diện bán dâm hoàn lương, họ chưa dám chủ động tiếp cận với chương trình.

Nắm được tâm lý tự ti của những người thuộc đối tượng được vay, Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An đã phối hợp với các địa phương thành lập các tổ tiết kiệm và vay vốn tại nơi người hoàn lương sinh sống nên việc tiếp cận, quản lý, đôn đốc, nhắc nhở các hộ vay được thực hiện thường xuyên hơn.

Việc thực hiện cho vay giờ đây không chỉ do ngân hàng quản lý mà cả hệ thống chính trị tại địa phương cũng vào cuộc, phối hợp xét duyệt cho vay, đôn đốc thu hồi nợ, qua đó đảm bảo cho vay đúng đối tượng, mục đích và khả năng trả nợ của người vay. Có thể thấy, sau hơn 1 năm thực hiện chương trình, việc cho vay đối với người hoàn lương đã phát huy hiệu quả; người vay có ý thức hơn trong việc trả nợ, có đủ nguồn vốn để làm ăn, nâng cao đời sống và hòa nhập cộng đồng tốt hơn, qua đó nguồn vốn tín dụng cũng được bảo toàn.

Hiện nay, Ngân hàng CSXH đang tiếp tục phối hợp với các đoàn thể, tổ chức xã hội để từng bước thay đổi quan điểm, hạn chế sự kỳ thị của cộng đồng đối với người tái hòa nhập. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả của chương trình, Ngân hàng đã chỉ đạo các tổ vay vốn tăng cường tìm hiểu, tiếp cận các cá nhân, hộ gia đình thuộc diện được vay vốn để động viên họ mạnh dạn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Phương Thủy

Các tin khác