Gia đình xã hội

'Giải cứu' nông sản: Bao giờ mới kết thúc?

07:59, 17/04/2017 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Những ngày qua, nhiều đơn vị, cơ quan trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh kêu gọi mọi người mua hành tăm để giúp đỡ người dân Nghi Lộc. Trước đó không lâu, nhiều mặt hàng nông sản cũng được điểm tên trong các chương trình “giải cứu” nông sản Việt: Dưa hấu, dứa, hành tím, chuối… Nếu không quyết liệt trong xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, câu chuyện “giải cứu” trên chẳng biết bao giờ sẽ đến hồi kết thúc?
Các bạn trẻ tham gia “giải cứu” dưa hấu Quảng Nam tại Nghệ An
Các bạn trẻ tham gia “giải cứu” dưa hấu Quảng Nam tại Nghệ An
Còn nhớ, vào thời điểm giữa năm 2015, dưa hấu của Quảng Nam rơi vào tình trạng “được mùa, mất giá” trầm trọng, dưa hấu rớt giá thảm hại. Loại quả vốn là thế mạnh của nông dân xứ Quảng hầu như không thể tiêu thụ hoặc bị thương lái ép giá. Trước tình trạng trên, một chiến dịch “giải cứu” dưa hấu được triển khai rầm rộ tại mọi nơi, mọi lúc. Đợt “giải cứu” dưa hấu chưa tạm lắng thì lại đến hành tím Sóc Trăng cần giúp đỡ. Rồi đến chuối, hành tăm…
 
Rõ ràng người nông dân đang hoàn toàn thụ động trong việc tiêu thụ nông sản. Vì chạy theo lợi nhuận trước mắt, vô tình họ rơi vào những cái “bẫy” kinh tế được giăng sẵn. Và “đâm lao phải theo lao”. Kịch bản chung vẫn thường là: Năm nay, mặt hàng này bán được, người dân đổ xô đi trồng, sang năm, thị trường xuất khẩu gặp vấn đề, nông dân lại phải đổ hàng tấn nông sản dư thừa cho bò, trâu ăn. Thực tế cho thấy, “giải cứu” nông sản chỉ là giải pháp tình thế. Lòng tốt của “hiệp sỹ cộng đồng” không thể lúc nào cũng thực hiện.
 
Và vô tình, điều này đang tạo ra sự chây ỳ cho nền nông nghiệp đang trong giai đoạn cần đổi mới mạnh mẽ. Không thể phủ nhận rằng, những cuộc “giải cứu” nông sản cho thấy dấu hiệu đáng mừng về tinh thần tương trợ của người Việt. Song, chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại phương pháp trên đang gây hệ quả lâu dài cho nhà nông. Dứa hay chuối, hành tăm hay dưa hấu chỉ là một phần nhỏ những sản phẩm nông nghiệp người nông dân làm ra mà không bán được.
 
Việc trồng cây gì, nuôi còn gì đã được tuyên truyền rộng rãi, đã có những bài học đau lòng, nhưng vẫn cứ tái diễn tại nhiều địa phương. Đáng nói hơn, trong khi rất nhiều nông sản Việt phải nhờ lòng tốt để “giải cứu” thì rất nhiều nông sản nhập khẩu tại các siêu thị lớn lại được lòng người tiêu dùng, trong khi giá cả chẳng rẻ chút nào. Nhiều năm qua, nhiều doanh nghiệp đã chủ động liên kết với nông dân để hình thành khâu khép kín nhưng tình trạng “tự bơi”, tự làm vẫn còn khá phổ biến tại nhiều địa phương. Nếu xảy ra vấn đề gì, doanh nghiệp lại bảo nông dân tham lợi, bỏ theo thị trường, trong khi nông dân lại thiếu tin tưởng vào chiến lược tiêu thụ của doanh nghiệp.
 
Để xảy ra tình trạng trên, trong số các nguyên nhân, vấn đề thương hiệu nông sản cũng là rào cản khiến tiêu thụ gặp khó. Bởi trên thực tế, dù có nhiều thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên cho đến nay, phần đa nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, kim ngạch còn thấp. Trong khi đó, lượng nông sản của nước ta chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác, đặc biệt nhiều sản phẩm phải bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Do vậy, việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản là một trong những giải pháp phát triển bền vững mà ngành nông nghiệp phải hướng đến. 
 
Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua, chúng ta đang quá lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, bằng chứng cho thấy trong 2 cuộc “giải cứu” vừa rồi, nông sản tiêu thụ rất nhanh trong thị trường nội địa nếu như có kế hoạch hợp lý và khoa học. Mặt khác, khi xảy ra tình trạng nông sản khó tiêu thụ thì ngành chế biến nước ta vẫn chưa phát huy hiệu quả. Nguyên nhân chính là do công nghệ bảo quản sau thu hoạch và chế biến nông sản của Việt Nam vẫn còn khá hạn chế. Vì thế, các cấp, ngành phải xem xét lại điều này, cần đưa việc xây dựng khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch nông sản trở thành một trong những giải pháp chính để hỗ trợ tiêu thụ và giúp sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững hơn.
 
Sẽ còn bao nhiêu mùa dưa, mấy lần thu hoạch hành nữa thì mới không còn cảnh người nông dân khóc ròng trên mảnh ruộng của mình, không còn cảnh dưa hấu, cà chua đổ cho bò ăn. Trong khi đó, ở những vùng tiêu thụ lớn như Hà Nội, TP HCM thì người tiêu dùng vẫn phải mua dưa hấu, hay hành tím, chuối với giá đắt đỏ. Câu hỏi đó chỉ mong các cấp quản lý xem xét, tính toán kỹ để đưa ra chiến lược phù hợp trong quy hoạch sản xuất, nuôi trồng cho người nông dân. Và chừng nào mạnh ai nấy làm, không theo quy hoạch, chừng nào xuất khẩu tiểu ngạch vẫn hấp dẫn bà con nông dân, thì chừng đó vẫn sẽ còn tiếp diễn câu chuyện “giải cứu” nông sản.

Mai Hậu

Các tin khác