(Congannghean.vn)-Mỗi người cha, người mẹ, người chồng, vợ của các bị cáo đến với phiên tòa là mỗi phận đời khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một nỗi đau tột cùng khi người thân của họ vướng vào vòng lao lý. Những bị cáo đứng trước vành móng ngựa phải chịu sự phán quyết của luật pháp nhưng với những người cha, người mẹ, họ vẫn là những đứa con bé bỏng. Đau đớn, hổ thẹn và tủi nhục ê chề khiến họ chẳng dám ngẩng mặt lên để nhìn ai…
Một bà mẹ bật khóc, không dám nhìn con trong phiên xét xử |
1. Thường thì những bị cáo khi bị đưa ra xét xử đều có phần hối hận về những hành vi vi phạm pháp luật mà họ đã gây ra. Nhưng với Đậu Văn Công (SN 1993) trú tại TP Vinh, Nghệ An thì không. Có lẽ phần vì quá trẻ, phần vì đã lường trước được kết cục ngày hôm nay nên từ lúc bị tạm giam cho đến khi đưa ra xét xử, Công chẳng mảy may bận tâm về những gì mình đã làm. Thậm chí khi thấy mẹ mình bật khóc ở phiên tòa, Công đã cáu gắt và xua đuổi bà.
Phiên tòa xét xử Đậu Văn Công về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra vào một ngày cuối năm 2016, không có ai tham dự ngoài 3 bị hại và mẹ của Công là bà Ngô Thị Trâm. Thấy sự khó chịu của con, bà lặng lẽ tìm cho mình một chỗ ngồi ở hàng ghế sau cùng, cách xa con.
Theo cáo trạng, Đậu Văn Công đã 2 lần thực hiện hành vi lừa đảo, thuê 2 xe ôtô tự lái rồi mang đi cầm cố. Với thủ đoạn tháo định vị xe và gửi tại các cơ sở sửa xe ở Kon Tum và Hà Nội để đánh lạc hướng các chủ xe và nhờ người làm đăng ký xe giả, phi vụ đầu tiên Công đã cầm cố được 310 triệu đồng. Phi vụ thứ hai, Công kiếm được 400 triệu đồng.
Là con út trong một gia đình khá giả, sở hữu một đại lý phụ tùng ôtô, vì vậy, từ nhỏ Công được mẹ chiều chuộng và chu cấp đầy đủ. Với điều kiện của Công, bị cáo không thiếu thốn bất kỳ thứ gì. Thế nhưng, con người ta không bao giờ thỏa mãn với những gì mình đang có. Công chia sẻ, hắn có người yêu nghiện “đập đá” nên có bao nhiêu tiền đã đổ vào cung phụng người yêu. Vì vậy, số tiền mà mẹ chu cấp không thể đủ cho những cuộc chơi trác táng thâu đêm, suốt sáng của cậu và cô người yêu. Và, khi hết tiền thì Công đã làm liều.
Từng lời khai của Công trước phiên tòa chỉ khiến người mẹ thêm đau đớn. Trải qua bao nhiêu chuyện, bà mới thấm thía rằng, mình đã yêu thương con sai cách. Thế nên, dù Công có mắng nhiếc, cáu bẳn, thậm chí xua đuổi, bà cũng không dám lên tiếng mà chỉ một mình chịu đựng. Giờ nghị án, bà tiến lên hàng ghế đầu để mong gần con một chút nhưng Công chẳng mảy may quay ra phía sau nhìn mẹ. Bà chỉ biết đứng nhìn con, đưa hai bàn tay giấu đi những giọt nước mắt. Những người bị hại nhìn bà với ánh mắt ái ngại và có phần cảm thông.
Đậu Văn Công bị tuyên phạt 10 năm tù giam, cùng với bản ản 9 tháng tù của TAND TP Vinh về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” chưa thi hành nên Công sẽ có gần 11 năm ở trong tù. Cho đến lúc bước ra xe về trại tạm giam, Công vẫn chẳng hề nói với mẹ một lời nào.
2. Bà Chu Tam Mai (SN 1938) tóc bạc trắng, từ Lạng Sơn vào Nghệ An dự phiên tòa xét xử Đặng Văn Minh (SN 1975, trú thị trấn Đồng Đăng, Cao Lộc) - con trai bà và 1 đồng phạm về tội vận chuyển trái phép 5 kg ma túy đá. Con trai bà dù đã hơn 40 tuổi, là một tay chơi ở bên ngoài nhưng trong mắt bà, Minh vẫn là đứa con bé bỏng.
Là con út trong gia đình có tới 7 anh chị em nên Minh được mẹ cưng chiều nhất nhà. Biết mình được “đặc ân” đó, Minh cho mình cái quyền như ông vua trong nhà, muốn làm gì thì làm. Học chưa hết cấp 2 thì Minh bỏ học theo bạn lao vào những cuộc vui vô bổ. Bà Mai chỉ biết than ngắn thở dài nhìn con bất lực. Cho đến khi Minh lấy vợ thì bà mới cảm thấy yên tâm phần nào và mong con sẽ thay tính đổi nết, chăm lo cho gia đình. Nào ngờ đâu Minh trở thành kẻ gieo rắc “cái chết trắng” và vướng vào vòng lao lý với bản án 11 năm tù.
Trong thời gian Minh chấp hành án, bà một mình đi đi về về thăm nuôi những mong con yên tâm cải tạo, sớm trở về với gia đình. Những tưởng khoảng thời gian ngồi sau song sắt đủ để Minh thấm thía, hối hận về những việc làm tội lỗi của mình, nhưng rồi hắn lại tiếp tục đi theo con đường cũ.
Nhận được lời đề nghị của một người đàn ông Trung Quốc, Minh đồng ý vận chuyển 5 kg ma túy từ Lạng Sơn vào Sài Gòn với giá 100 triệu đồng. Nhận tiền tạm ứng 20 triệu đồng, Minh thuê một người con gái tên Vân vận chuyển số ma túy này. Ngày 19/11/2015, khi Vân xuất hiện ở TP Vinh thì bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ cùng 5 kg ma túy đá. Từ lời khai của Vân, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ Minh khi đối tượng đang ở Lạng Sơn.
Suốt từng ấy năm nuôi nấng Minh khôn lớn, bà Mai chẳng thể ngờ đứa con mà bà một mực cưng chiều lại đẩy bà đến nông nỗi này. 2 lần ra tòa là 2 lần bà phải chịu nỗi đau đớn tột cùng. Lần này, bà bắt chuyến xe sớm từ Lạng Sơn vào Nghệ An. Biết con thích ăn bánh nậm nên trước khi đi bà tranh thủ làm thêm ít bánh đưa vào cho con. Từng lời khai của Minh trước vành móng ngựa như từng nhát dao đâm vào trái tim người mẹ.
Tòa vào nghị án, bà Mai khẩn khoản xin được gặp con, để nói với con ít câu. Biết hoàn cảnh của bà lặn lội xa xôi vào đây, những cán bộ dẫn giải can phạm “phá lệ” cho phép Minh được ngồi gần mẹ để hai mẹ con trò chuyện. Bà đưa bánh cho Minh và giục con: “Ăn đi con, bánh mẹ làm ngon lắm”. Minh bật khóc, cố nhoài người ra, nắm lấy đôi bàn tay nhăn nheo đang run lên của mẹ. Minh nấc lên từng tiếng nghẹn ngào: “Mẹ ơi con xin lỗi…”. Bà Mai nắm lấy đôi bàn tay con, tay kia cố vươn ra lau những giọt nước mắt cho con, những giọt nước mắt hối hận quá muộn màng. Đáng lẽ ra hơn ai hết Minh phải thấu hiểu và trân trọng sự tự do nhưng Minh đã nhận ra điều đó quá muộn. Minh và Vân bị tòa tuyên phạt tù chung thân. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, có lẽ bà Mai cũng khó lòng vào thăm con được nữa.
3. Phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Văn Đào (SN 1952, trú tại thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương) về tội “Hiếp dâm trẻ em” trở nên nháo nhác trong thời gian tòa nghị án. Gia đình bị cáo hỏi “vay nóng” anh em, bà con đến dự phiên tòa để bồi thường cho gia đình bị hại, những mong cha của mình sẽ được giảm án. Hỏi mãi, góp nhặt mãi mới được 15 triệu đồng, người con đến đưa cho gia đình bị hại nhưng họ không nhận.
Cô con gái năn nỉ, thậm chí van xin gia đình nạn nhân viết giấy nợ nhưng cũng không được. Không thể trách họ được, bởi những hành vi tội lỗi mà bị cáo gây ra với con gái họ là hành vi thú tính không thể dung thứ. Con gái của họ mới chỉ 10 tuổi và không ai khác chính là hàng xóm của bị cáo. Trong một lần đi uống rượu về, ông Đào đã dụ dỗ bé gái bằng tuổi cháu mình làm trò “người lớn”.
Trong suốt phiên tòa xét xử, bà Trịnh Thị H. - vợ ông Đào cúi gằm mặt xuống nghe tòa luận tội chồng mình, né ánh nhìn căm phẫn của bố mẹ cháu bé. Trong khi đứa con ngược xuôi vay tiền, bà đứng chôn chân giữa đám đông, không nói một lời nào. Cuộc sống vất vả, cực khổ khiến bà già hơn so với tuổi 63. Sự lam lũ, khắc khổ hiện rõ trên gương mặt người phụ nữ nghèo.
Mỗi dòng cáo trạng, mỗi lời luận tội của Hội đồng xét xử khiến mặt bà tái đi. Bà đứng không vững, bấu víu vào thành ghế, quỵ xuống khi nghe tòa kết án chồng mình 12 năm tù giam. Phần đời còn lại của chồng bà sẽ là những ngày tháng sau song sắt, nhưng còn bà sẽ phải gặm nhấm, chịu đựng nỗi đau ê chề này suốt cả quãng đời mình. Rồi còn con, cháu mình nữa liệu nó có đủ sức để phải chịu đựng nỗi tủi nhục, ê chề và miệng lưỡi của người đời.
Khi chồng bà bị dẫn giải đi, đứa con gái chạy theo ngoái nhìn dặn bố giữ gìn sức khỏe, còn bà vẫn ngồi đó bất động, nỗi đau như hóa đá của một người bị chồng phụ bạc. Chiếc xe dẫn giải phạm nhân vút đi trong mưa lạnh. Khi mọi người ra về hết, bà mới đứng dậy, đôi chân liêu xiêu bước đi trong nước mắt tủi hổ. Cô con gái vừa đỡ mẹ, vừa khẩn khoản: “Nhanh lên mẹ, không hết xe không kịp về nhà…”.