Gia đình xã hội
Đi qua giông bão
(Congannghean.vn)-Ngồi đối diện với tôi trong căn nhà khang trang nép mình bên sườn đồi là chàng trai trẻ hiền lành, ít nói. Đi gần hết nửa cuộc đời, anh đã trải qua không ít gian truân, thăng trầm. Có những giọt nước mắt, có những tâm sự, nhưng điều quan trọng nhất, anh đã vững tin và từng bước khẳng định quyết tâm làm lại cuộc đời. Anh là Nguyễn Hữu Phương trú tại xóm 8, xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Anh Nguyễn Hữu Phương và cán bộ Công an huyện Nam Đàn trao đổi về tình hình sản xuất tại xưởng mộc |
Sinh ra trong gia đình đông anh em, như bao bạn bè cùng trang lứa, anh Nguyễn Hữu Phương được bố mẹ cho ăn học đầy đủ. Suốt những năm tháng học tập tại trường, anh luôn được đánh giá là học sinh ngoan hiền, có ý thức kỷ luật tốt. Học xong lớp 12, Phương dự định thi xong THPT sẽ chọn con đường phù hợp để có điều kiện phụ giúp cha mẹ. Mọi chuyện chỉ bất ngờ rẽ lối từ ngày hè định mệnh.
Một sáng cuối tháng 5/2007, trên đường đi học về, Phương bất ngờ bị một nhóm người trong xã vây đánh. Chẳng hiểu chuyện gì xảy ra, lúc đầu, Phương cúi đầu chấp nhận. Nhưng không kìm được tức giận vì bị đánh oan, anh tìm cách chống trả. Rồi sẵn con dao trong người, Phương đâm một người bị thương nặng. Dù đã được cấp cứu kịp thời nhưng nạn nhân đã tử vong ngay sau đó. Sau này mới biết, do nhìn nhầm Phương thành một người khác trong xã nên Phương bị nhóm người trên kéo vào tình huống éo le. Giết người trong trạng thái bị kích động, Nguyễn Hữu Phương bị Tòa án tuyên phạt 3 năm tù giam.
Những ngày trong trại, anh đã tự dằn vặt và hối hận rất nhiều về hành động của mình. Thời gian đầu ở trại, anh trở về bản tính rụt rè, thu mình. Nhưng được sự động viên của cán bộ quản giáo, anh chấp hành nghiêm túc quy chế trong trại và được tha tù trước thời hạn. Năm 2010, Nguyễn Hữu Phương trở về địa phương.
Về nhà, cũng như nhiều trường hợp chấp hành xong án phạt tù, anh Phương gặp không ít khó khăn. Ý thức hậu quả việc mình gây ra đã ảnh hưởng rất nhiều đến bố mẹ, người thân, anh Phương quyết tâm làm lại từ đầu. Nhưng làm nghề gì đây khi trong tay chưa được đào tạo hay có bằng cấp gì? May thay, lúc này, trong gia đình có người thân tại Bình Phước nên anh quyết định xin phép bố mẹ vào đó học lấy mủ cao su để kiếm thêm thu nhập. 3 năm xa nhà, anh tự dặn mình phải chăm chỉ làm việc để không khiến gia đình lo lắng.
Năm 2014, trở về quê nhà, được sự động viên của người thân, anh quyết định học thêm nghề mộc tại xưởng của người bác ở thị trấn Nam Đàn. Đây là nghề truyền thống của gia đình, cũng là công việc đã mang lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình trong xã. Sau một thời gian học nghề, anh mạnh dạn đứng ra vay mượn người thân và thông qua Hội Nông dân xã làm cầu nối vay vốn với lãi suất ưu đãi, mở xưởng mộc tại nhà.
Có thể nói, đây là một quyết định táo bạo, bởi lúc đó, Phương còn quá trẻ để làm chủ một cơ sở sản xuất, kinh doanh. Nhưng quyết tâm là làm, anh vẫn tự tin “Nếu không bắt đầu thì không biết bao giờ làm được”. May mắn, anh nhận được sự hỗ trợ, quan tâm từ người thân, khối xóm, đó là nguồn động viên tinh thần to lớn với anh. “Với tôi, trải qua thăng trầm, tôi càng ý thức giá trị của tình thân và tình cảm gia đình. Nếu không có bố, không có sự yêu thương của mọi người, chắc tôi đã không thể vượt qua và đứng vững như ngày hôm nay”, anh Phương chia sẻ.
Có kinh tế dần ổn định, xưởng mộc của anh mở rộng quy mô. Xưởng cũng đã tạo việc làm cho 3 thanh niên trong xã với mức thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người. Yêu thương và đồng cảm với quyết tâm của anh Nguyễn Hữu Phương, chị Lê Thị Trang, người phụ nữ cùng quê đã quyết định cùng anh dựng xây hạnh phúc. Tổ ấm nhỏ là chỗ dựa bình yên để anh tiếp tục vững tin trên con đường làm lại cuộc đời.
Mai Hậu