Gia đình xã hội
Đề phòng với bệnh ho gà ở trẻ
(Congannghean.vn)-Những tháng đầu năm 2017, do điều kiện thời tiết chuyển lạnh, độ ẩm cao nên các bệnh đường hô hấp gia tăng, trong đó có bệnh ho gà. Theo ghi nhận, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, bệnh ho gà trên trẻ nhỏ đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp.
Bác sĩ Trần Thái Phong khám bệnh cho trẻ bị ho gà tại Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An |
Theo số liệu của Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, từ đầu năm 2017 đến nay, đã có 53 trường hợp nhập viện do mắc ho gà. Hiện, tại khoa đang có 17 trẻ được điều trị.
Bác sĩ Trần Thái Phong, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cho biết, bệnh ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn ho gà gây nên. Bệnh thường lây qua đường hô hấp. Nguy cơ nhiễm bệnh ở trẻ em lớn hay không tùy thuộc vào khả năng miễn dịch của bà mẹ truyền sang con và khả năng tiếp xúc với nguồn bệnh. Trẻ dưới 6 tháng tuổi, hệ miễn dịch thường chưa tốt nên dễ mắc bệnh. Bệnh lây lan mạnh nhất trong 1 - 2 tuần đầu của bệnh. Do vi khuẩn có trong những hạt nước bọt bắn ra từ mũi, miệng bệnh nhân khi ho, hắt hơi trực tiếp sang người khác.
Biểu hiện về bệnh ho gà ở trẻ chính là cơn ho dài, đỏ mặt, có đờm trắng. Vi khuẩn ho gà khá nhạy cảm với kháng sinh nên có thể dùng kháng sinh đặc hiệu ngay từ giai đoạn sớm. Nếu cho trẻ uống thuốc không đúng, bệnh có thể nặng lên rất nhanh, chỉ vài ba ngày trẻ có thể có những cơn suy hô hấp và tím tái. Bệnh ho gà là một bệnh nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Bệnh làm cơ thể suy yếu, dễ bị các biến chứng thiếu dinh dưỡng, viêm phổi, viêm não, tăng áp lực phổi… Vi khuẩn ho gà cũng có khả năng gây bệnh lý cho não do tình trạng thiếu oxy và dẫn đến tử vong.
Do ho gà thường có thời gian ủ bệnh dài nên rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Vì vậy, việc phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để điều trị kịp thời là rất quan trọng. Để phòng bệnh, trẻ em cần được tiêm đủ 3 mũi vắc xin phòng bệnh ho gà vào lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi. Cần tránh cho trẻ tiếp xúc với những người nghi ngờ mắc bệnh. Khi chăm sóc, tiếp xúc với trẻ, người lớn cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh răng miệng, mũi họng để phòng nguy cơ lây truyền bệnh cho trẻ. Khi thấy trẻ có biểu hiện mắc bệnh, cần cách ly trẻ với những người khác và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị càng sớm càng tốt để tránh nguy cơ biến chứng.
Cũng theo bác sĩ Trần Thái Phong, so với thời điểm này năm 2016, năm nay, số ca mắc ho gà tại trẻ có tăng nhiều. Điều đáng chú ý, các trẻ bị bệnh thường dưới 3 tháng tuổi - độ tuổi chưa được tiêm chủng mũi ho gà theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Các chuyên gia y tế đánh giá, điều này không bất thường bởi trẻ dưới 3 tháng tuổi chưa đến lịch tiêm chủng vắc xin hoặc chưa được tiêm đủ liều vaccine (lịch tiêm vaccine phòng bệnh ho gà ở trẻ gồm 3 mũi tiêm, khi trẻ trên 2 tháng tuổi, 3 tháng tuổi, 4 tháng tuổi).
Mặt khác, bản thân trẻ không có miễn dịch hoặc không nhận được miễn dịch từ cơ thể mẹ do trước đó sản phụ chưa tiêm vắc xin phòng bệnh này. Điều đáng lo là trẻ dưới 1 tuổi mắc bệnh ho gà tiến triển nặng lên rất nhanh. Trẻ càng ít tháng mắc ho gà thì tỉ lệ tử vong càng cao.
Về vấn đề này, có một số ý kiến đề xuất hạ độ tuổi tiêm phòng mũi ho gà cho trẻ. Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế vẫn khẳng định, đến nay, các tổ chức y tế trên thế giới đều chưa có khuyến cáo hạ độ tuổi tiêm mũi vaccine ho gà đầu tiên cho trẻ xuống dưới 2 tháng tuổi. Vì thế, Việt Nam cũng không thể hạ độ tuổi tiêm vắc xin ho gà mà vẫn khuyến cáo các bậc phụ huynh cần đưa trẻ tiêm đi vắc xin đúng lịch, đủ liều... như hiện tại.
Hiện, Bộ Y tế đang giao cho một số đơn vị nghiên cứu đối tượng phụ nữ mang thai nào thì nên đi tiêm vắc xin này. Riêng vắc xin phòng bệnh ho gà cho người lớn đang được tiêm dịch vụ ở nước ta và bà mẹ mang thai nên căn cứ vào hướng dẫn của cơ quan y tế để quyết định có nên đi tiêm hay không.
Mai Hậu - Việt Hà