Gia đình xã hội

Phụ nữ Nghệ An với nhiều mô hình phòng, chống mua bán người

11:01, 13/03/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Với những chiêu bài không mới là đánh vào tâm lý nhẹ dạ, cả tin của chị em phụ nữ vùng nông thôn, bằng cách vẽ ra tương lai nhàn hạ, có thu nhập ổn định nên trung bình hàng năm ở Nghệ An vẫn có khoảng từ 12 - 16 nạn nhân “sập bẫy” của tội phạm mua bán người. Trước thực trạng nhức nhối về loại tội phạm này ở khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, các câu lạc bộ phòng, chống mua bán người đã được thành lập ngay từ cơ sở, trở thành “tấm lá chắn” để bảo vệ, giúp đỡ chị em.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Nghệ An thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho chị em phụ nữ vùng sâu, vùng xa
Hội Liên hiệp Phụ nữ Nghệ An thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho chị em phụ nữ vùng sâu, vùng xa

Nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng mua bán người, 2 em Lô Thị H. và Vi Thị L. ở 2 xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương đã đồng ý đi sang Trung Quốc làm việc. Rất may trên đường đi, Công an huyện Thanh Chương và Câu lạc bộ (CLB) hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người xã Thanh Sơn đã kịp thời giải cứu thành công.

Cho đến lúc hoàn tất các thủ tục ở cơ quan Công an để trở về với gia đình, H. và L. mới biết rằng, chỉ chậm một chút nữa thôi, 2 em đã bị bán sang xứ người. Nếu như không được giải cứu kịp thời, không ai dám chắc cuộc đời của 2 cô gái mới bước qua tuổi 17 sẽ trôi dạt về đâu. Trước đây, hầu như các em đều rất ít tham gia các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật hay những hoạt động của CLB. Vì thế, các em bị thiếu hụt những kiến thức cơ bản để phòng tránh các đối tượng mua bán người. Rất may, Ban chấp hành CLB đã quan tâm, theo sát nên sớm nhận biết được thủ đoạn của các đối tượng và kịp thời thông báo cho lực lượng Công an giải cứu thành công H. và L. khỏi tay bọn buôn người.

Chị Lang Thị Hương, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Thanh Sơn, Chủ tịch CLB hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người cho biết: “Sau khi phân tích cho các em và gia đình biết được thủ đoạn, phương thức của tội phạm buôn người, chúng tôi đã kịp thời động viên, tìm kiếm và giới thiệu việc làm cho các em. Hiện nay, 1 trong 2 em đã lập gia đình, ổn định cuộc sống và rất tích cực tham gia vào các hoạt động của CLB”.

Mới thành lập vào tháng 3/2016, CLB hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người xã Thanh Sơn với 30 hội viên đã cung cấp nhiều kiến thức, kỹ năng phòng, chống mua bán người cho các tầng lớp phụ nữ, góp phần ngăn chặn, hạn chế tình trạng mua bán người trên địa bàn.

Đây chỉ là một trong rất nhiều mô hình phòng, chống mua bán người của các hội phụ nữ cấp cơ sở đã được Hội LHPN Nghệ An chỉ đạo thí điểm và nhân rộng trong thời gian qua. Trước tình trạng di cư lao động trái phép và tình trạng mua bán người, nhất là phụ nữ và trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp, Hội LHPN tỉnh Nghệ An đã phối hợp triển khai đồng bộ, toàn diện nhiều nội dung, biện pháp tuyên truyền và xây dựng các mô hình cộng đồng phòng, chống mua bán người hiệu quả, tạo được sự đồng thuận trong xã hội.

Theo đó, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Công an Nghệ An xây dựng mô hình điểm “Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người” tại xã Tam Quang, huyện Tương Dương, hiện nay đã nhân rộng ra các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa ở Kỳ Sơn, Con Cuông, Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Quế Phong.

Nét nổi bật của mô hình “Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống tội phạm mua bán người” là công tác truyền thông và hỗ trợ nạn nhận bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú như: Sinh hoạt hội viên, nói chuyện chuyên đề, treo băng rôn, khẩu hiệu, tăng cường truyền thông trên hệ thống loa phát thanh về phương thức, thủ đoạn, tác hại của loại tội phạm mua bán người, các biện pháp phòng ngừa, kỹ năng ứng phó trong trường hợp có dấu hiệu về việc mua bán người, cách phát hiện, tố giác tội phạm, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và bản thân trong việc chủ động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người.

Bên cạnh những hoạt động tuyên truyền, tại các chi hội phụ nữ trên địa bàn toàn tỉnh đã vận động người dân không kỳ thị với các nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập với cộng đồng; đồng thời, hướng dẫn chị em phụ nữ, trẻ em bị mua bán trở về địa phương làm các thủ tục để hưởng chính sách, tư vấn, hỗ trợ tâm lý, học văn hóa, học nghề… Sự ra đời của các mô hình này đã làm chuyển biến nhận thức, thay đổi hành vi của hội viên, phụ nữ trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.

Bà Hoàng Thị Kim Oanh, Ban Chính sách - Luật pháp, Hội LHPN tỉnh Nghệ An cho biết: Cùng với việc thành lập các mô hình, Hội đã xây dựng bản tin phụ nữ Nghệ An chuyên đề “Phụ nữ với công tác phòng, chống mua bán người“ phát hành đến tận cơ sở. Các cấp Hội cũng đã tích cực chủ động phối hợp với các ban, ngành, địa phương như Công an huyện, Phòng Tư pháp đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn về công tác phòng, chống mua bán người. Chủ động tranh thủ các nguồn lực từ Trung ương Hội, các tổ chức quốc tế để phối hợp với các ngành liên quan tổ chức đối thoại chính sách về di cư lao động và phòng ngừa mua bán người. Thông qua đó đã hướng cán bộ, hội viên, phụ nữ vào việc phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn tội phạm mua bán người, bước đầu tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cộng đồng, góp phần phòng, chống tội phạm mua bán người.

Trong những năm qua, tình hình tội phạm mua bán người ở Nghệ An diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2016 đến nay, Công an Nghệ An đã đấu tranh làm rõ, khởi tố 18 vụ mua bán người, 23 bị can, giải cứu thành công 27 nạn nhân. Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến từng chị em phụ nữ tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Trung tá Lê Tiến Nam, Phó trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh cho biết: “Để đấu tranh với tội phạm mua bán người, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an thì sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành, chính quyền địa phương đối với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho chị em phụ nữ, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn là vô cùng quan trọng. Đó là chìa khóa để trang bị cho chị em phụ nữ hiểu biết, có nhận thức đúng đắn về thực trạng và hậu quả của tình trạng mua bán người. Thời gian qua, Hội LHPN đã triển khai có hiệu quả nội dung này. Việc tuyên truyền để mọi người thấy được cách thức, thủ đoạn, hoạt động của bọn tội phạm cũng là điều cần thiết để người dân chủ động phòng ngừa, nâng cao cảnh giác và đấu tranh ngăn chặn với loại tội phạm này”.

Huyền Thương

Các tin khác