Gia đình xã hội

Cư dân mạng hành động để chấm dứt xâm hại trẻ em

15:05, 18/03/2017 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Chưa lúc nào các vụ xâm hại tình dục trẻ em, nạn ấu dâm lại được nhắc nhiều đến thế trên mạng xã hội. Cứ như một nạn dịch, từ khóa “ấu dâm” trở thành từ khóa “hot” trong những ngày qua.
 
 Từ vụ bắt giữ Minh béo tại Mỹ đến vụ ấu dâm có nguy cơ bị chìm xuồng ở Vũng Tàu; tiếp đến là vụ ấu dâm ở một ngõ hẻm giữa thủ đô Hà Nội, vụ bé lớp 1 nghi bị xâm hại tại trường học đang lây lan trên mạng gần đây. Những vụ việc xảy ra ngay gần chúng ta như một tiếng chuông cảnh tỉnh, đặc biệt là đối với những bậc làm cha mẹ. Chúng ta đã thực sự  quan tâm tới nạn dịch này hay chưa?

Ngày 12/3, Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet) đã gửi một bức “tâm thư” tới cộng đồng mạng kêu gọi những hành động quyết liệt hơn nữa để giải quyết vấn nạn xâm hại trẻ em. Mỗi người tham gia sẽ thực hiện ký tên điện tử và gửi tới Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng chính phủ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Bên cạnh đó, các Facebooker cũng đồng loạt thay cover với thông điệp "Tôi lên tiếng để chấm dứt xâm hại tình dục trẻ em" để khẳng định sự vào cuộc của mình.

 
Theo số liệu do Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam UNFPA cung cấp: Cứ 4 bé gái thì lại có 1 em bị xâm hại tình dục; Cứ 6 bé trai thì lại có 1 em bị xâm hại tình dục; Độ tuổi trung bình của các em khi bị xâm hại là 9; Khả năng các em quen kẻ xâm hại là 93%.
 
Tại Việt Nam, trả lời báo chí về thực trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và vị thành niên cho biết: “Mỗi năm trung bình cả nước có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Trong đó, hơn 1.200 trẻ em bị xâm hại tình dục, chiếm hơn 60% số vụ xâm hại trẻ em.”
 
Đây là con số "rất khủng khiếp" nhưng theo bà Vân Anh, nó mới chỉ là phần chóp của tảng băng chìm. Số vụ xâm hại tình dục trẻ em không được đưa ra ánh sáng còn rất nhiều.
 
Tại sao những vụ xâm hại tình dục trẻ em ngày càng nhiều như vậy? Những kẻ ấu dâm đột ngột tăng lên hay những vụ việc đột ngột bị phanh phui nhiều hơn trước? Những thông tin đáng sợ như dao cứa vào lòng, chúng ta phải làm gì để bảo vệ con em mình? Trên con đường tìm kiếm câu trả lời, cư dân mạng đã bắt tay hành động.
 
Trên Fanpage “Mầm nhỏ” – một địa chỉ uy tín cung cấp những thông tin hữu ích cho phụ huynh đã đăng tải Clip cũng như những bài viết về phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em. Bài viết nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều người và hàng ngàn lượt chia sẻ:
 
Facebook Thương Nguyễn: Xin phép được chia sẻ! Xã hội bây giờ đầy những hiểm nguy, phải dậy các con thật kỹ càng để mong sau không phải ân hận; Facebook Bảo Long chia sẻ: Cảm ơn Mầm nhỏ vì đã viết rất kỹ về vấn đề này. Mong sẽ có thật nhiều bố mẹ đọc để bảo vệ con mình được tốt hơn; Facebook Nhi Anh: Không bao giờ tha thứ cho tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, chúng ta cần bảo vệ giáo dục các bé trai bé gái biết tự bảo vệ mình nữa. Thế giới thật quá đáng sợ.
 
Không chỉ trên mạng xã hội, những kỹ năng để bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục cũng được báo chí đăng tải. Trong đó, quy tắc hiện đang được chia sẻ nhiều nhất là Quy tắc đồ lót - PANTS Rules do NSPCC - tổ chức bảo vệ trẻ em tại Anh đưa ra. Ngay sau khi thông tin những vụ xâm hại tình dục trẻ em được truyền thông trong nước và mạng xã hội phản ánh, ngày 12/3, chủ tịch nước Trần Đại Quang đã yêu cầu 'điều tra sớm' vụ người đàn ông 76 tuổi bị tố cáo nhiều lần có xâm phạm tình dục các bé gái tại khu chung cư ở phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
 
Ngày 13/3, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu UBND Hà Nội khẩn trương xác minh vụ việc một bé gái 8 tuổi ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) bị xâm hại. Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu UBND TP Hà Nội khẩn trương chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh làm rõ vụ việc và sớm đưa đối tượng ra xử lý nghiêm minh đúng pháp luật; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2017.
 
Trong khi chờ đợi kết quả chính thức từ phía cơ quan điều tra, mỗi người trong chúng ta có thể lựa chọn một cách hành động để bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục. Tính tới ngày 15/3, “tâm thư” của mạng lưới ngăn ngừa và ứng phó bạo lực tại Việt Nam đã có hơn 20.000 người tham gia ký tên, vượt xa con số 5.000 chữ ký mà tổ chức đặt ra ban đầu và số người tham gia vẫn đang tiếp tục tăng lên. Cư dân mạng chúng ta có thể like, share những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho mọi người xung quanh hay đơn giản là ký tên ủng hộ. Bất kỳ một hành động nhỏ nào của mỗi cá nhân cũng sẽ giúp thông điệp "chấm dứt xâm hại tình dục trẻ em" được lan tỏa.

 

Nguồn: ANTV

Các tin khác