Gia đình xã hội

4 ca tử vong do ho gà, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn

15:10, 07/03/2017 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Bộ Y tế vừa có văn bản khẩn yêu cầu các địa phương tăng cường phòng, chống bệnh ho gà, trong đó, rà soát đối tượng thuộc diện tiêm chủng mở rộng trên địa bàn, bảo đảm tỷ lệ tiêm vaccine đạt ít nhất 95% ở quy mô xã, phường.
 
Nên cho trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh ho gà đầy đủ, đúng lịch. Khi thấy trẻ có biểu hiện mắc bệnh, cần  đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị càng sớm càng tốt. Ảnh minh họa
 
Bệnh nhi mắc ho gà điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương đang có xu hướng gia tăng, chủ yếu là trẻ dưới 3 tháng tuổi, chưa được tiêm vaccine, tiêm chưa đủ liều hoặc người mẹ chưa từng tiêm vaccine phòng bệnh ho gà nên không có kháng thể truyền cho con.
Nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng, phải thở máy. Trong đó có trường hợp phải lọc máu và sử dụng kỹ thuật trao đổi oxy ngoài cơ thể (hay còn gọi là kỹ thuật ECMO).
 
Trước thực trạng này, Bộ Y tế vừa có văn bản khẩn yêu cầu các địa phương tăng cường phòng, chống bệnh ho gà, trong đó, rà soát đối tượng thuộc diện tiêm chủng mở rộng trên địa bàn, bảo đảm tỷ lệ tiêm vaccine đạt ít nhất 95% ở quy mô xã, phường.
 
Các địa phương cần tiêm vaccine bổ sung cho những trường hợp trì hoãn tiêm ngay trong từng tháng, kiên quyết xóa các vùng lõm trong tiêm chủng. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh ho gà đầy đủ, đúng lịch.
 
Các địa phương triển khai mạnh mẽ hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, trường học, lớp học, nhà trẻ để bảo đảm môi trường thông thoáng, sạch sẽ, đủ ánh sáng và giữ vệ sinh cá nhân để phòng nguy cơ lây truyền bệnh.
 
Tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác tiêm chủng và phòng chống dịch bệnh, tập trung tại các khu vực có nguy cơ cao, các địa bàn có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
 
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh ho gà thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Bệnh có tính lây truyền rất cao, nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học…
 
Khởi đầu, người bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, viêm đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho, bệnh nhân thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn.
 
Bệnh thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản-phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng.
 
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, để phòng chống bệnh ho gà, người dân cần đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh ho gà đầy đủ, đúng lịch. Hiện có 2 loại vaccine phòng bệnh ho gà là DTP (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván) và Quinvaxem (phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib).
 
Lịch tiêm chủng như sau: Mũi thứ nhất tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi; mũi thứ 2 tiêm sau mũi thứ nhất 1 tháng; mũi thứ 3 tiêm sau mũi thứ hai 1 tháng.
 
Mọi người nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hằng ngày; bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
 
Khi thấy trẻ có biểu hiện mắc bệnh, cần cách ly trẻ với những trẻ khác (kể cả trẻ đã được tiêm phòng) và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị càng sớm càng tốt để tránh nguy cơ biến chứng.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác