"Chúng ta không thất học, không mù ngoại ngữ, tin học, nhưng mù về tình dục. Chúng ta không hiểu chính bản thân chúng ta chứ đừng nói đến bạn đời".
Đó là nhận định của bác sỹ Nguyễn Lan Hải, chuyên gia nghiên cứu về vấn đề giới tính, tình dục, tác giả cuốn sách "Cẩm nang giáo dục giới tính" trong hội thảo “Sex do it or lost” do Nhà xuất bản Phụ nữ tổ chức.
Nói về chủ đề này, bác sỹ Nguyễn Lan Hải đặt ra câu hỏi: Tại sao, ở các nước phương Tây, độ tuổi quan hệ tình dục sớm hơn, nhưng lại không có nhiều “quả đắng” như ở Việt Nam?
Ảnh minh họa |
Theo thống kê của Tổng cục Dân số -Kế hoạch hóa gia đình, vào năm 2015, mỗi năm cả nước vẫn còn gần 6.000 ca nạo phá thai tuổi vị thành niên. Con số về trẻ em gái kết hôn trong độ tuổi từ 15-19 tuổi cũng tăng liên tục trong 5 năm trở lại đây.
Từng tham gia giảng dạy về vấn đề giới tính, tình dục ở nhiều nơi, bác sỹ Lan Hải cho rằng, hiện nay còn nhiều người chưa phân biệt rõ ràng về vấn đề giáo dục giới tính và tình dục. Ngay cả những người như thầy cô giáo, cha mẹ, đáng ra phải hiểu thật rõ thì vẫn còn “lơ mơ”, dẫn đến những giáo dục chưa thực sự đủ và đúng hướng cho các con.
“Thực tế, hành vi tình dục không chỉ là chuyện giao hợp, chuyện có con hay không có con. Đôi khi nó được thể hiện qua ánh mắt, hay chỉ là sự đụng chạm nhẹ nhàng”, bác sỹ Hải nói.
Chuyên gia này cũng nhận định rằng: “Giáo dục giới tính và tình dục ở Việt Nam giống như một tấm lưới thủng”, còn thiếu và yếu ở nhiều chỗ. “Chúng ta không thất học, không mù ngoại ngữ, tin học, nhưng bị mù về tình dục. Chúng ta không hiểu chính bản thân chúng ta chứ đừng nói đến bạn đời”, bà Lan Hải nhấn mạnh.
Đơn cử như trong chương trình giáo dục phổ thông, vấn đề về giáo dục giới tính và giáo dục tình dục cũng mới chỉ được lồng ghép trong các bộ môn như Sinh học, Giáo dục công dân. Nhưng quá trình này lại quá muộn so với sự phát triển của trẻ em. Đến tận lớp 7, lớp 8, học sinh mới được học về vấn đề giới tính, tình dục, nhưng đôi khi chính thầy cô cũng ngượng “đỏ mặt” khi giảng cho học sinh. Trong chương trình THPT, môn GDCD có lồng ghép, nhưng lại không dạy về tình yêu, tình dục mà chỉ đề cập Luật Hôn nhân và gia đình.
Bên cạnh đó, chuyên gia Lan Hải cho rằng, thị trường sách về giáo dục giới tính, tình dục ở Việt Nam hiện nay còn nhiều sách “lá cải, thậm chí lá ngón”, phản tác dụng khi đọc. Trong khi đó có rất nhiều sách nước ngoài hay, nhưng đến khi đưa về Việt Nam lại không được sử dụng do “sốc” văn hóa. Như vậy dẫn đến tình trạng của nhà không có, nhưng của mượn lại không dùng được. Do vậy, giới trẻ Việt Nam hiện nay vẫn “khát” những luồng thông tin chính thống giáo dục về những chuyện “thầm kín”.
Bác sỹ Hải cho rằng, không phải không có sự quan tâm về giáo dục giới tính, tình dục, nhưng sự quan tâm ấy vẫn còn hết sức khiên cưỡng.
Cũng tại buổi trao đổi, bác sỹ Lan Hải cho rằng lỗ hổng trong tấm lưới về giáo dục giới tính, tình dục ở Việt Nam bắt nguồn từ chính gia đình. Việc giáo dục giới tính đơn giản là phân biệt con trai hay con gái, con trai mặc gì, con gái mặc ra sao. Việc giáo dục giới tính nên được bắt đầu từ lúc trẻ bắt đầu biết nhận thức. Ở độ tuổi lớn hơn từ 7-12 tuổi, các bậc phụ huynh nên có những cách để giáo dục tình dục cho con em.
Thiếu hiểu biết về tình yêu, tình dục, không chỉ dẫn đến những hệ lụy như mang thai ngoài ý muốn, tảo hôn, mà còn khiến các trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái thiếu kỹ năng bảo vệ chính mình trước những nguy cơ xâm hại tình dục.
Chuyên gia Lan Hải cho biết hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới, việc giáo dục giới tính, tình dục được dạy cho trẻ một cách thẳng thắn từ rất sớm. Qua đó, trẻ hình thành nhận thức đúng về những vấn đề này, biết cách tôn trọng bản thân và tôn trọng bạn tình.
.