Gia đình xã hội
Mở lối về bến thiện
(Congannghean.vn)-Quản lý, tiếp cận, giáo dục và cảm hóa thanh thiếu niên (TTN) vi phạm pháp luật và có biểu hiện vi phạm pháp luật (gọi tắt là TTN chậm tiến) từng bước phục thiện, trở thành người có ích cho xã hội là việc làm nhân văn nhưng không kém phần gian nan. Động viên họ xóa bỏ mặc cảm, tự ti để hòa nhập cộng đồng vốn đã khó; giúp đỡ họ tạo lập cuộc sống, ngăn ngừa nguy cơ tái phạm lại vất vả gấp bội. Đồng hành với “nẻo về” của đối tượng TTN chậm tiến trên địa bàn tỉnh thời gian qua là sự chung tay vào cuộc của các cấp Đoàn - Hội và tổ chức, đoàn thể; trong đó dấu ấn đậm nét nhất là tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và lực lượng Công an tỉnh nhà.
Công an huyện Tương Dương tuyên truyền chính sách pháp luật cho thanh, thiếu niên và người dân trên địa bàn |
Dẫn lối, soi đường
Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng, dân số đông, tốc độ phát triển KT-XH nhanh. Điều này khiến cho tình hình ANTT trên địa bàn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp; đồng thời đặt ra thách thức lớn đối với các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể làm công tác quản lý, giáo dục TTN; đặc biệt là TTN chậm tiến.
Xuất phát từ thực tế các đối tượng phạm tội có xu hướng trẻ hóa, trong năm qua, nhiều mô hình, câu lạc bộ (CLB), đội - nhóm hướng đến đối tượng TTN chậm tiến, nghiện ma túy, đối tượng mãn hạn tù trở về địa phương do các cấp bộ Đoàn - Hội xây dựng đã được nhân rộng, điển hình như: "Bạn giúp bạn", "Thanh niên tình nguyện thắp sáng niềm tin", chương trình "Thắp sáng ước mơ hoàn lương". Những diễn đàn trên đã thực sự trở thành chỗ dựa đáng tin cậy cho những người từng được coi là “gánh nặng” của cộng đồng, đồng thời tạo hiệu ứng xã hội sâu rộng.
Hưng Nguyên là một “điểm sáng” trong việc duy trì và nhân rộng các CLB, đội - nhóm cảm hóa, giáo dục TTN chậm tiến, trong đó phải kể đến Đội thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin” và mô hình nhóm “Bạn giúp bạn”. Tính đến đầu tháng 11/2016, Huyện đoàn Hưng Nguyên đã thành lập 23 Đội thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin”, với nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật, giáo dục kỹ năng sống cho TTN.
Ngoài ra, hoạt động của 4 nhóm “Bạn giúp bạn” trong công tác phòng, chống ma túy tại các xã Hưng Long, Hưng Xá, Hưng Thịnh, thị trấn Hưng Nguyên và 1 đội thanh niên tình nguyện cấp huyện cũng được duy trì, hoạt động hiệu quả.
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, không quản nắng mưa, bất chấp sự nghi ngại, thái độ né tránh, thậm chí xua đuổi của những TTN chậm tiến mang nặng tâm lý mặc cảm, chối bỏ cộng đồng, những tuyên truyền viên vẫn lặng lẽ thực hiện sứ mệnh cao cả mở lối về bến thiện cho những đối tượng này.
Huyện Yên Thành cũng là địa phương có nhiều nỗ lực, cách làm thiết thực trong công tác giáo dục, cảm hóa TTN chậm tiến trên địa bàn. Trên cơ sở hàng quý, năm, BTV Tỉnh đoàn gửi danh sách đối tượng mãn hạn tù về sinh sống trên địa bàn huyện, BTV Huyện đoàn chỉ đạo các cơ sở đoàn đến tận nhà đoàn viên thanh niên (ĐVTN) mãn hạn tù tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ, từ đó có biện pháp phối hợp, giúp đỡ để đối tượng sớm hòa nhập cộng đồng.
Xuất phát từ thực tế các đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa, tai, tệ nạn xã hội trong TTN ngày càng gia tăng, cùng với sự vào cuộc của các cấp bộ Đoàn, Công an huyện nói chung và chi đoàn Công an huyện nói riêng đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt như tăng cường bám địa bàn, phối hợp với các xã, thị trấn nắm bắt tình hình kịp thời, phát hiện và đấu tranh ngăn chặn các vi phạm pháp luật, rà soát, khoanh vùng các đối tượng có dấu hiệu phạm tội để quản lý, giáo dục; đồng thời tham mưu với các xã xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả như dòng họ tự quản về ANTT, tổ liên gia tự quản… Qua đó, góp phần giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật trong TTN và tỉ lệ tái phạm tội trong nhóm đối tượng này.
Cũng trong năm qua, nhằm hiện thực hóa mục tiêu ngăn ngừa tình trạng tái phạm tội trong TTN chậm tiến, BTV Huyện đoàn nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh như Yên Thành, Nghi Lộc đã chủ động phối hợp với Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân huyện để nắm bắt các vụ án có ĐVTN vi phạm pháp luật, qua đó phối hợp tổ chức tuyên truyền qua xét xử lưu động tại các xã có nhiều tệ nạn.
Trao “cần câu”, truyền hy vọng
Mở lối về nẻo thiện cho đối tượng TTN chậm tiến, lầm lỡ không chỉ dừng lại ở việc giáo dục, cảm hóa mà còn cần sự hướng nghiệp, đào tạo nghề và hỗ trợ vay vốn, qua đó tạo kế sinh nhai, giúp họ bắt đầu khởi đầu mới. Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, thực hiện chương trình “Phối hợp giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng” giữa Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh và Trại giam số 3, Trại giam số 6, công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân trong độ tuổi thanh niên, góp phần giảm tỉ lệ tái phạm tội đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực.
Công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân luôn được Trại giam số 6 đặc biệt quan tâm nhằm giúp họ có tay nghề vững vàng để tái hòa nhập cộng đồng sau khi mãn hạn tù |
Từ năm 2012 đến hết tháng 6/2016, Trại giam số 6 đóng tại huyện Thanh Chương đã mở 39 lớp dạy nghề cho 1.685 phạm nhân, cấp chứng chỉ sơ cấp nghề xây dựng và may công nghiệp, khâu bóng da cho 425 phạm nhân. Thường xuyên duy trì việc làm cho hơn 1.700 phạm nhân, chiếm 60% phạm nhân lao động trong nhà xưởng.
Ngoài ra, đơn vị còn liên kết với các công ty nước ngoài, tạo điều kiện cho phạm nhân tiếp cận với nhiều ngành nghề thủ công, qua đó trang bị cho họ tay nghề vững vàng để tạo lập cuộc sống mới.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tái hòa nhập cộng đồng, đơn vị còn chú trọng tới việc tổ chức các chương trình giáo dục công dân với chủ đề giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, chuẩn bị tốt về mặt tâm lý cho số phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù.
Trường hợp anh Trần Hữu Tân, chủ một xưởng cơ khí tại xã Cao Sơn (Anh Sơn) hay anh Lê Đức Thành, chủ một doanh nghiệp về xưởng cơ khí tại thị trấn Đô Lương (Đô Lương) là minh chứng sống động về hiệu quả mà công tác này mang lại. Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, các doanh nghiệp này còn “chiêu mộ” những lao động từng được học nghề trong trại giam về làm việc sau khi về với xã hội.
Trở về sinh sống tại cộng đồng, đối tượng TTN chậm tiến, mãn hạn tù luôn nhận được vòng tay rộng mở của các tổ chức, đoàn thể, trong đó điển hình là các cán bộ Đoàn. Tặng quà, tổ chức gặp mặt để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ khó khăn; trực tiếp đến từng nhà trò chuyện, động viên các đối tượng mạnh dạn tham gia các hoạt động xã hội đã trở thành việc làm thường xuyên của Huyện đoàn Nghi Lộc. Không chỉ dừng lại ở việc giáo dục, cảm hóa về mặt tinh thần, Huyện đoàn còn có nhiều chính sách hỗ trợ vay vốn, liên hệ tìm và giới thiệu việc làm cho nhiều thanh niên mãn hạn tù, chậm tiến.
Xưởng sản xuất đồ mộc gia dụng cao cấp của anh Nguyễn Đình Thọ - một thanh niên vừa mãn hạn tù ở xóm Xuân Sơn, xã Nghi Thạch là kết quả từ nguồn vốn vay 50 triệu đồng từ Quỹ thanh niên lập nghiệp của tổ chức Đoàn, Hội LHTN cộng với sự nỗ lực của bản thân. Mỗi tháng, xưởng mộc mang về doanh thu trên 570 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức lương 7 - 9 triệu đồng/người/tháng.
Còn tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội II, BTV Huyện đoàn đã chỉ đạo cơ sở Đoàn tại đây thành lập CLB Thắp sáng niềm tin, hướng trọng tâm hoạt động đến việc phổ biến kiến thức pháp luật cơ bản, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cho học viên. Trong 2 năm 2015 - 2016, CLB đã phối hợp mở 4 lớp đào tạo nghề kỹ thuật xây dựng cho 100 học viên, nhận gia công cắt, gấp giấy, tạo việc làm ổn định cho học viên vào cai nghiện. Bên cạnh đó, CLB còn đảm nhận giới thiệu việc làm cho học viên tái hòa nhập cộng đồng khi có nhu cầu.
Có người đã từng nói, người làm công tác giáo dục, cảm hóa, mở lối về nẻo thiện cho các đối tượng lầm lỡ như “làm dâu trăm họ”. Dẫu còn nhiều khó khăn, trở ngại song với tinh thần trách nhiệm, những cán bộ Đoàn mẫn cán, những người chiến sỹ Công an hết lòng vì nhân dân phục vụ vẫn đang âm thầm bồi đắp giá trị chân - thiện - mỹ vào tâm hồn những con người từng một thời lầm lỡ hay có biểu hiện sai đường lạc lối. Dù ít được suy tôn hay vinh danh, họ vẫn miệt mài với sứ mệnh cao cả của mình, góp phần làm đẹp những cuộc đời.
Hồng Hạnh