(Congannghean.vn)-“Tàu là nhà, biển cả là quê hương”. Đó không chỉ là lời khẳng định mà còn là niềm tin, ý chí của ngư dân từ bao đời nay mỗi khi vươn khơi, bám biển. Và, góp phần tôn dày thêm “cột mốc sống” về chủ quyền thiêng liêng của biển đảo đất nước, ngoài việc mang số hiệu riêng cho con tàu của mình, giữa trùng khơi, hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới trên đỉnh cột buồm chính là tài sản vô giá của ngư dân.
Chiều cuối năm, chứng kiến cảnh tàu thuyền ra vào tấp nập trên bến cảng với những lá cờ đỏ sao vàng năm cánh tung bay phấp phới, trong lòng tôi dâng lên niềm tự hào dân tộc. Hình ảnh ấy là niềm kiêu hãnh, niềm tin, sự hy vọng về một đội hùng binh rẽ sóng, cưỡi gió ra khơi bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Những lá cờ Tổ quốc tung bay trên tàu thuyền của ngư dân đang neo đậu tại cảng Lạch Quèn, huyện Quỳnh Lưu |
Hình hài Tổ quốc giữa trùng khơi
Đối với ngư dân, mỗi chuyến ra khơi, ngoài trang bị cho tàu thuyền của mình đầy đủ các loại vật dụng, ngư cụ, nhu yếu phẩm cần thiết thì không thể thiếu lá cờ Tổ quốc treo trên đỉnh cột buồm. Với họ, lá cờ Tổ quốc rất đỗi thiêng liêng khi tham gia đánh bắt giữa trùng khơi, nhất là bám biển dài ngày ở những ngư trường lớn. Lá cờ được xem như linh hồn của dân tộc không thể phai mờ giữa đại dương rộng lớn, nguồn động viên đối với ngư dân và quan trọng hơn là đánh dấu mốc chủ quyền, vùng lãnh hải của Việt Nam. Vì vậy, hành trang mang theo trong mỗi chuyến ra khơi của ngư dân luôn có những lá cờ mới để sẵn sàng thay thế những lá cờ bị gió bão đánh hỏng.
“Với những ngư dân bám biển từ nhiều đời nay, trong mỗi chuyến ra khơi, điều mà chúng tôi không cho phép mình quên đó là những lá cờ Tổ quốc. Gạo có thể thiếu, rau có thể không đủ đầy trong những chuyến đánh bắt hải sản xa bờ nhưng lá cờ Tổ quốc phải luôn được giữ nguyên vẹn. Những chuyến lênh đênh trên biển, nhìn thấy lá cờ Tổ quốc giữa khơi xa, ngư dân chúng tôi như được gặp đồng hương, anh em trong một nhà. Điều đó đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi vượt sóng, cưỡi gió”, ngư dân Trần Văn Tý trú tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu chia sẻ.
Qua tìm hiểu từ chính cuộc đời gắn bó hàng chục năm nơi đầu sóng, ngọn gió của những ngư dân vùng biển thì việc đầu tiên trước khi ra khơi, thuyền trưởng là người trực tiếp kéo cờ Tổ quốc lên đỉnh cột buồm. Điều này thể hiện trách nhiệm thiêng liêng của người thuyền trưởng với hình bóng Tổ quốc trên mỗi con tàu. Và, tuỳ theo công suất, quy mô tàu thuyền, thuyền trưởng cũng chính là người quyết định việc lựa chọn kích cỡ lá cờ để treo.
Không chỉ vậy, lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới, nhấp nhô theo hình dáng con tàu trên mặt biển còn trở thành điểm tựa tinh thần để ngư dân yên tâm đánh bắt hải sản. Để rồi, khi khai thác trên vùng lãnh hải quê hương, tàu thuyền Việt Nam có thêm sức mạnh đoàn kết để giữ vững ngư trường truyền thống của mình.
Ngoài ra, theo ngư dân cho biết, treo cờ Tổ quốc lâu nay đã trở thành thói quen mỗi khi tàu nhổ neo ra khơi. Quan trọng hơn, mỗi khi nhìn lên bầu trời có lá cờ Tổ quốc tung bay như tiếp thêm sức mạnh cho mỗi thuyền viên để họ giữ vững tay chèo, dẻo thêm tay lưới cho ngày về tôm cá đầy khoang.
Giữ vững cột mốc chủ quyền trên biển
Mỗi khi có dịp đi dọc vùng bờ biển xứ Nghệ, từ cảng Lạch Cờn (TX Hoàng Mai) cho tới Cửa Lò, Cửa Hội, nhìn hình ảnh tàu thuyền rẽ sóng ra khơi mang theo lá cờ Tổ quốc phấp phới tung bay, ai cũng rưng rưng niềm tự hào dân tộc. Chẳng thể kể đếm được trên tổng số gần 4.500 tàu thuyền của Nghệ An đang trực tiếp tham gia đánh bắt hải sản trên biển mang theo bao nhiêu lá cờ Tổ quốc khi ra khơi, nhưng chắc chắn sẽ có từng đó cột mốc chủ quyền đang ngày đêm góp phần bảo vệ vùng lãnh hải của đất nước.
Để tiếp thêm tinh thần, ý chí vươn khơi, bám biển của ngư dân, trong thời gian qua, cùng với cả nước, các cấp, ban, ngành và tổ chức, đoàn thể địa phương đã vận động, quyên góp nhằm mua mới hàng nghìn lá cờ để trao tặng cho các ngư dân.
Các tổ chức Đoàn Thanh niên trao tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân |
Cũng trong năm qua, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã nhiều lần trực tiếp xuống các bến cảng, nơi neo đậu tàu thuyền của ngư dân để thực hiện nghĩa cử cao đẹp này. Qua đó, hàng trăm lá cờ Tổ quốc được đại diện các tổ chức đoàn, hội Công an tỉnh trao cho ngư dân trong niềm hân hoan, xúc động. Phong trào “Tuổi trẻ Công an Nghệ An hướng về biển đảo quê hương” bằng nhiều việc làm khác nhau đã phát huy hiệu quả nhằm góp phần cùng ngư dân giữ vững chủ quyền biển đảo của đất nước.
Nhận những lá cờ Tổ quốc từ các tổ chức, đơn vị, đoàn thể trao tặng, ngư dân như được tiếp thêm sức mạnh để cùng với hàng triệu trái tim người dân đất Việt giữ vững từng cột mốc chủ quyền trên biển của dân tộc. Truyền thống, nghĩa cử cao đẹp đó dù trải qua bao thăng trầm lịch sử vẫn luôn được phát huy, tiếp nối trong trái tim mỗi người. Ý thức đấu tranh bảo vệ toàn vẹn vùng trời, vùng biển và hải đảo quê hương sẽ chẳng bao giờ phai nhạt.
Chiều cuối năm, đi trong hương vị mặn mòi của gió biển, tựa khơi xa thấp thoáng những con thuyền đang rẽ sóng vào âu thuyền bến cảng. Mỗi khi về với biển, tôi không thể quên hình ảnh những lá cờ Tổ quốc tung bay trên tàu thuyền với niềm kiêu hãnh, tự hào. Lá cờ Tổ quốc đối với ngư dân - họ trân trọng như báu vật thiêng liêng mà cả cuộc đời đi biển họ đã gìn giữ, kế truyền.
Còn trên những khoang thuyền lấp lánh ánh bạc của cá, tôm dưới ánh bình minh vào buổi sáng sớm như tiếp thêm sức sống mới cho ngư dân. Cảnh người mua, kẻ bán trên bến dưới thuyền nhộn nhịp hơn ngày thường. Không ai bảo ai nhưng tất cả đều hiểu giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc là trách nhiệm chung của mọi người.
Mấy năm trở lại đây, ngư dân đã mạnh dạn vay vốn, đóng tàu to, thuyền lớn để có thể đứng vững ngoài khơi xa nhiều ngày liền. Một mùa Xuân mới lại về, với ngư dân - họ chỉ mong sao 365 ngày tiếp theo đều “thuận buồm xuôi gió” và cũng ngần ấy ngày phong ba bão táp sẽ không đến với mình, với vùng biển đảo của đất nước.