(Congannghean.vn)-Xúc động khi đọc bài báo của nhà văn Sơn Tùng viết về nghị lực của cậu học trò nghèo bị cụt cả hai cánh tay nhưng học giỏi, Bác Hồ đã gọi điện thoại cho Chủ tịch Ủy ban hành chính Nghệ An đề nghị đặc cách để cậu bé được ra Hà Nội dự “Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc năm 1966”. Đó là Hoa Xuân Tứ trú tại xóm 4, xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên - người đã làm nên những kỳ tích đáng khâm phục.
Hoa Xuân Tứ vẫn lao động như một người bình thường |
Chúng tôi tìm đến nhà Hoa Xuân Tứ khi ông vừa đi làm về. Trước mặt chúng tôi là một lão nông 2 tay bị cụt sát nách nhưng vẫn dùng cằm để kéo chiếc xe chất đầy bao tải lúa, kèm theo các cháu nhỏ ngồi trên xe. Bên ấm nước chè xanh còn nóng hổi, ông kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về cuộc đời mình...
Ngày ấy, quê ông chủ yếu trồng mía để ép mật. Năm lên 6 tuổi, ông theo anh trai ra đồng xem người lớn kéo che làm mật mía. Khi mọi người xuống đồng vác mía, cậu bé Tứ tò mò học theo người lớn cầm cây mía đẩy vào 2 trục đang quay thì bàn tay phải bị cuốn vào máy ép theo cây mía. Hoảng loạn, Tứ đưa tay trái vịn vào trục đang xoay tít để kéo tay kia ra theo phản xạ tự nhiên thì cả 2 cánh tay bị cuốn vào trục. Nghe tiếng gào khóc của Tứ, mọi người chạy lên nhưng chỉ kéo được Tứ ra ngoài, còn đôi tay bị máy nghiền nát lên tận bả vai. Sau vụ tai nạn đó, tương lai cậu bé tưởng như khép lại, thế nhưng nỗi đau về tinh thần, thể xác đã không thể làm Hoa Xuân Tứ gục ngã.
Mong muốn được cắp sách đến trường như bạn bè cùng trang lứa và bằng nghị lực phi thường của mình, Tứ miệt mài tập viết bằng chân. Nghị lực vượt khó của Hoa Xuân Tứ được đền đáp khi nhà trường tạo điều kiện cho cậu bé được đi học. Điều khiến thầy cô và bạn bè nể phục là mặc dù cụt 2 cánh tay và phải viết bằng chân nhưng Tứ rất thông minh, nhiều năm liên tục đạt học sinh tiên tiến và là một lao động nhiệt tình của lớp.
Nghị lực vượt khó trong học tập của Hoa Xuân Tứ được nhà văn Sơn Tùng viết bài đăng trên Báo Thiếu niên Tiền phong năm 1966. Xúc động khi đọc bài báo này, Bác Hồ đã gọi điện thoại cho ông Chu Mạnh, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Nghệ An, đề nghị đặc cách để Hoa Xuân Tứ ra Hà Nội dự “Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc năm 1966”. Gia đình Hoa Xuân Tứ và cả làng quê nghèo Hưng Nhân như vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi nhận được tin báo trên. “Nghe nói được ra Hà Nội gặp Bác Hồ, tôi cảm động lắm. Trước khi đi, tôi được Ủy ban hành chính xã mua tặng 1 bộ áo quần kaki và 1 chiếc mũ để thay bộ quần áo vá chằng chịt đang mặc hàng ngày”, ông Tứ kể lại.
Tại Hà Nội, Hoa Xuân Tứ vinh dự được gặp và chụp ảnh lưu niệm với Bác Hồ. Người ân cần hỏi thăm gia đình, thầy cô giáo rồi xoa đầu Tứ căn dặn phải cố gắng học giỏi để sau này trở thành người có ích cho xã hội. Đặc biệt, sau Đại hội, Bác Hồ giao Giáo sư Tôn Thất Tùng làm cho Hoa Xuân Tứ một đôi tay giả để Tứ có thể tự xúc cơm ăn hàng ngày. Sau khi gặp Tứ, Giáo sư Tùng rất xúc động và cảm phục nghị lực phi thường của cậu bé. Ông đã trực tiếp đo độ dài cánh tay rồi gửi lên HTX chuyên làm chân tay giả bằng da ở tỉnh Bắc Ninh. “3 ngày sau, đích thân Giáo sư Tôn Thất Tùng buộc vào tay phải giả của tôi một cái thìa để tôi tự xúc cơm ăn. Rất tiếc là năm 1978, cơn bão đổ bộ vào nghệ An, nước lũ dâng cao đã cuốn trôi đôi tay giả”, Hoa Xuân Tứ nhớ lại.
Sau “Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc năm 1966”, Bác Hồ giao cho chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện để Hoa Xuân Tứ tiếp tục học tập; đồng thời, Người nhấn mạnh, đây là một tấm gương về nghị lực để học sinh cả nước noi theo. Trở về quê nhà, thay vì viết bằng chân, Tứ dùng cằm và vai để luyện từng con chữ. “Mỗi lần viết phải đặt chân lên bàn, tôi thấy xấu hổ vì mất lịch sự nên quyết tâm tập viết bằng cằm và vai. Thời gian đầu, tôi viết rất chậm nhưng kiên trì tập luyện, đã viết được nhanh hơn”, ông Tứ chia sẻ.
Tuy bị cụt hai tay nhưng Hoa Xuân Tứ vẫn có thể đọc thông viết thạo |
Cuối năm học cấp 2, do chiến tranh, Hoa Xuân Tứ là một trong những học sinh đặc biệt được lãnh đạo huyện Hưng Nguyên tạo điều kiện chuyển lên huyện miền núi Nghĩa Đàn tiếp tục theo học và được miễn tiền ăn học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Sau đó, Hoa Xuân Tứ trở về Trường cấp 3 huyện Hưng Nguyên học cho đến khi tốt nghiệp 10/10.
Năm 1970, khi vừa tròn 20 tuổi, Hoa Xuân Tứ bén duyên với Lê Thị Sự - cô gái quê ở xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc hơn mình 7 tuổi. Để đi đến hôn nhân, Sự phải vượt qua rào cản từ phía gia đình. Bà Sự kể lại: “Trong thời gian tham gia dân công hỏa tuyến không may tôi bị thương, trải qua nhiều lần phẫu thuật, bác sĩ nói nếu lấy chồng cũng không có khả năng sinh con… Khi biết chúng tôi yêu thương nhau, mọi người đều phản đối kịch liệt. Ai cũng bảo người chồng là trụ cột gia đình, trong khi ông Tứ bị cụt cả 2 cánh tay, nếu lấy về sẽ khổ cả đời. Hơn nữa, bản thân tôi lại không có con, lúc về già biết nương tựa vào ai? Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu không có con thì vợ chồng chăm sóc, nương tựa vào nhau mà sống nên tôi đã quyết định lấy ông ấy”.
Vượt qua mọi rào cản, tình yêu của “chim cánh cụt” Hoa Xuân Tứ và cô gái thôn quê Lê Thị Sự đã được đền đáp bằng một đám cưới giản dị, đầm ấm. Niềm hạnh phúc càng nhân lên gấp bội khi 4 đứa con đủ trai, đủ gái lần lượt ra đời. Tuy nhiên, tai họa ập đến khi Hoa Thị Sen - cô con gái thứ 3 trong lúc chơi đùa bị bạn ném đá trúng vào đầu, gây ảnh hưởng não. Ông Tứ, bà Sự ôm con đi chạy chữa khắp các bệnh viện trong tỉnh rồi ra tận bệnh viện tuyến Trung ương, tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, điều kiện thuốc men không đầy đủ, Sen bị bại liệt toàn thân phải nằm một chỗ, chân tay ngày càng teo tóp, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào người khác. Cùng với 540.000 đồng tiền trợ cấp hàng tháng của Nhà nước, ông Tứ lam lũ làm đủ thứ nghề để trang trải cuộc sống và lo thuốc men cho đứa con gái tật nguyền.
Năm nay, “chim cánh cụt” Hoa Xuân Tứ đã bước vào tuổi 66, tóc điểm nhiều sợi bạc và khuôn mặt hằn rõ sự khắc khổ, lam lũ. Mặc dù cụt cả 2 cánh tay nhưng ngày ngày trên cánh đồng ven bờ sông Lam, lão nông nghèo vẫn say mê lao động bằng chính nghị lực phi thường của mình. Cảm phục trước tấm gương của Hoa Xuân Tứ, người dân xã Hưng Nhân đã gọi ông bằng cái tên thân thương, trìu mến: “Chim cánh cụt biết bay”...