Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em trong đó có đề xuất mở Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em.
Dự thảo đề xuất mở Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em để tiếp nhận, khai thác thông tin, thông báo, tố giác từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân về nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em qua điện thoại, đơn, thư, phương tiện thông tin đại chúng, môi trường mạng; liên hệ với các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan hoặc có thẩm quyền để xác minh thông tin, thông báo, tố giác.
Hiện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang duy trì đường dây nóng bảo vệ trẻ em ở phím số 18001567 |
Đồng thời, hỗ trợ người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với từng trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi; theo dõi, đánh giá việc xây dựng và thực hiện kế hoạch này; tư vấn tâm lý, pháp luật, chính sách cho trẻ em, cha, mẹ, gia đình, người chăm sóc trẻ em trực tiếp hoặc qua điện thoại và các kênh thông tin, truyền thông khác; cung cấp các dịch vụ bảo vệ trẻ em và hỗ trợ nâng cao năng lực bảo vệ trẻ em cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu…
Mọi thông tin, thông báo, tố giác được Tổng đài tiếp nhận, xác minh phải được bảo mật vì lợi ích, sự an toàn của người cung cấp và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em có liên quan.
Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em đặt tại Hà Nội, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động; được sử dụng số điện thoại ngắn 3 số và không thu phí viễn thông của người gọi cung cấp thông tin, thông báo, tố giác; được tiếp nhận viện trợ, hỗ trợ tài chính của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Hỗ trợ trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc
Cũng theo Dự thảo, sau khi việc đánh giá ban đầu mức độ tổn hại của trẻ em cho thấy cần áp dụng kế hoạch hỗ trợ, can thiệp, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã chủ trì thực hiện hoặc yêu cầu các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em hỗ trợ thực hiện việc thu thập, đánh giá tình trạng thể chất, tâm lý, tình cảm của trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt: nhu cầu chăm sóc y tế, chữa trị các tổn hại về thể chất và tinh thần của trẻ em; mối quan hệ của trẻ emvới đối tượng xâm hại;các yếu tố làm trẻ em có thể bị hoặc tiếp tục bị xâm hại; điều kiện, khả năng học tập và khả năng tự bảo vệ của trẻ em…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của các cá nhân, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ trẻ em; đại diện địa bàn dân cư nơi trẻ em cư trú, sinh sống hoặc xảy ra vụ việc; cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em để xác định nhu cầu cần can thiệp, trợ giúp cho trẻ em.
Trên cơ sở mức độ tổn hại và nhu cầu cần can thiệp, hỗ trợ đối với trẻ em, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã xây dựng kế hoạch hỗ trợ, can thiệp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phê duyệt...
Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Dự thảo cũng quy định về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên môi trường mạng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân khác trong việc bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng.
Doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng có trách nhiệm cảnh báo về thông tin, dịch vụ tác động tiêu cực, xâm hại trẻ em; thông tin, dịch vụ giả mạo, xuyên tạc xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em. Doanh nghiệp kinh doanh trò chơi trực tuyến phải có công cụ khống chế thời gian, bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng lạm dụng, nghiện trò chơi trực tuyến…
.