Gia đình xã hội

Bán online từ Đông dược đến vaccine: Ai quản?

09:04, 05/11/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Vào Google gõ từ khóa “viêm âm tán hoàng cung” và click chuột, chưa đầy 1 giây bạn sẽ thấy hơn 143.000 kết quả. Tương tự, khi bạn gõ cụm từ “thuốc Influenzinum 9CH” cũng sẽ cho ra hơn 3.000 kết quả.

Điều đáng nói, hai loại thuốc đang gây sốt trên thị trường nói trên, một không rõ xuất xứ, một đang được thổi phồng quá mức tác dụng thực của nó.  

Thuốc Đông y gia truyền được quảng cáo tràn lan trên mạng internet
Thuốc Đông y gia truyền được quảng cáo tràn lan trên mạng internet

‘Ma trận’ thuốc online

Mặc dù có không ít lời cảnh báo về tác hại đối với sức khỏe của việc sử dụng thuốc Đông y không nguồn gốc, thế nhưng, không ít người vẫn rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang” vì quá tin tưởng vào những lời quảng cáo hấp dẫn từ các trang bán thuốc trên mạng.

Anh Khang bị bệnh mạn tính ở đường tiêu hóa nên ăn uống không ngon miệng, người gầy yếu. Thấy nhiều trang mạng và facebook quảng cáo thuốc Kiện tỳ hoàn có nguồn gốc từ Malaysia giúp ăn ngon, hấp thụ chất dinh dưỡng, chống mệt mỏi, cải thiện giấc ngủ ngon và sâu hơn mỗi đêm, anh mua cả chục lọ về uống. Khỏe đâu không thấy, sau khi uống được 2 ngày anh phải đi cấp cứu do ngộ độc thuốc.

Điểm chung của các trang bán thuốc Đông y trên mạng là tư vấn hời hợt, chủ yếu là quảng cáo thuốc; việc mua bán thuốc đều diễn ra trên mạng hoặc qua điện thoại, người mua sẽ được giao hàng đến nhà qua bưu điện; tất cả những nhận xét của khách hàng về sản phẩm đều khá giống nhau, rằng nó vô cùng hiệu quả và là “thần dược”.

Nhiều loại thuốc còn không ghi thành phần thuốc, số đăng ký, thậm chí là địa chỉ sản xuất cũng không có. Khi người mua hỏi về thành phần thuốc thì người bán chỉ nói là làm từ các dược liệu quý.

Ví dụ như trên bao bì thuốc Viêm âm tán Hoàng cung - được quảng cáo là có thể trị bách bệnh phụ khoa như viêm nhiễm âm đạo, tắc vòi dẫn trứng, thậm chí điều trị vô sinh do viêm nhiễm... chỉ ghi là Tây Sơn, Tam Điệp, Ninh Bình.

Không chỉ thuốc Đông y, thực phẩm chức năng, thuốc trị bệnh thông thường được rao bán tràn lan trên mạng, mà ngay cả vaccine - một chế phẩm đặc biệt, trước và sau khi dùng phải được bác sĩ thăm khám và theo dõi chặt chẽ, cũng được mua bán rất sôi động.

Năm ngoái, khi cơn sốt vaccine dịch vụ "5 trong 1" lên tới đỉnh điểm, ngay lập tức trên facebook xuất hiện không ít người bán hoặc nhận gom mua vaccine này với lời chào mời hấp dẫn: Vaccine đều là hàng có nguồn gốc, xách tay từ Pháp, Bỉ, được bảo quản đúng tiêu chuẩn quốc tế; khi mang về Việt Nam có bác sĩ kiểm định chất lượng...

Một phần do thiếu hiểu biết, một phần do khan hiếm vaccine dịch vụ, nhiều phụ huynh đã chọn giải pháp mua vaccine “xách tay” như một sự lựa chọn an toàn, mà không biết rằng việc làm ấy rất có thể gây hại cho con mình khi vaccine vì lý do nào đó không có tác dụng phòng bệnh, thậm chí con mình đang dùng phải vaccine giả.

Một tài khoản facebook quảng cáo thuốc Influenzinum 9CH như một dạng
Một tài khoản facebook quảng cáo thuốc Influenzinum 9CH như một dạng "vaccine khô" thần kỳ

Sau khi Bộ Y tế giải được bài toán vaccine "5 trong 1",  vaccine "xách tay" hết cửa làm ăn, thì các trang bán hàng qua mạng lại đua nhau quảng cáo “vaccine khô” có tên Influenzinum 9CH phòng chống bệnh cảm cúm được xách tay từ Pháp.

Với việc đánh đúng tâm lý của các mẹ là muốn cho con dùng thuốc xịn, thuốc tốt, cách dùng đơn giản, ít tác dụng phụ, nên “vaccine khô” này đang bán rất chạy và được các mẹ vô cùng tin yêu.

Chị Huyền hồ hởi khoe: “Cô bán hàng bảo Influenzinum 9CH là thuốc bán chạy nhất, ở bên Pháp trẻ con được bác sĩ khuyên dùng hằng năm. Đây cũng là vaccine do WHO phát hiện đặc tính phòng chống cúm hữu ích, đặc biệt tốt cho những người muốn phòng chống bệnh cúm nhưng lại không muốn tiêm phòng”.

Thực chất, Influenzinum 9CH hay “vaccine khô”, là một dạng vi lượng đồng căn (homeopathy) - một hệ thống liệu pháp thay thế. Influenzinum 9CH có tác dụng phòng ngừa cúm, nhưng cũng chỉ giống như việc bạn uống nước chanh với mật ong hàng ngày, chứ không thể thay thế được vaccine phòng cúm thực sự.

 50% thuốc bán trên internet là thuốc giả

Tại một hội thảo do Bộ Y tế tổ chức, bà Samson Chiu, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Viện An ninh Dược phẩm Mỹ) cho biết, hiện nay có khoảng 40.000-50.000 người bán thuốc trực tuyến trên toàn cầu, trong đó có tới 90-95% không hợp pháp.

Còn WHO thì cảnh báo, có tới 50% trang bán thuốc trực tuyến cung cấp dược phẩm giả cho người tiêu dùng. Ngay tại các quốc gia có mức sống cao và chất lượng y tế tốt như ở châu Âu, tình trạng sản xuất, mua bán thuốc giả vẫn đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Mỗi năm, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) ra hàng trăm quyết định thu hồi thuốc kém chất lượng, các cơ quan chức năng bắt nhiều vụ buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thế nhưng, việc vi phạm không vì thế mà giảm xuống.

Hệ lụy dễ thấy nhất của việc sử dụng thuốc giả, thuốc kém chất lượng chính là bệnh không khỏi, ngộ độc, thậm chí tử vong. Còn hậu quả lâu dài là dẫn tới tình trạng kháng thuốc trong cộng đồng, tạo ra lỗ hổng trong phòng bệnh, thậm chí gây bùng phát đại dịch do người dân bỏ tiêm chủng để dùng các thuốc thay thế không có tác dụng phòng bệnh.

Theo các chuyên gia về y tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng được sản xuất và buôn bán tràn lan. Đó là do việc kinh doanh thuốc giả mang lại siêu lợi nhuận, nên các cửa hàng bán lẻ sẵn sàng nhập thuốc từ các đơn vị, cá nhân không được phép sản xuất, kinh doanh thuốc.

Đa số thuốc giả đều không phân biệt được bằng mắt thường, người dân lại không kêu ca gì, đặc biệt các chế tài chưa đủ tính răn đe, nên đã tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất và buôn bán thuốc giả tăng.

Đó là do việc hám rẻ, do sính ngoại, do sự kém hiểu biết của một số bộ phận người dân trong việc dùng thuốc để phòng và chữa bệnh, nên vô tình tiếp tay cho việc buôn bán, sản xuất thuốc giả, kém chất lượng.

Hãy là người tiêu dùng thông thái

Nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân tăng cao khiến thị trường dược phẩm trên mạng internet ở nước ta phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc ngày càng có nhiều trang mua bán trực tuyến rao bán thuốc chữa bệnh như rao bán đồ tiêu dùng hàng ngày, khiến việc sử dụng thuốc giả, sử dụng thuốc không đúng cách ngày càng gia tăng.

Theo tìm hiểu, hiện nay, việc mua bán thuốc trên mạng internet vẫn chưa có bất cứ cơ quan chức năng quản lý cụ thể nào. Đây chính là lỗ hổng khiến cho tình trạng mua bán thuốc trên mạng ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt là thông qua mạng xã hội như facebook.

Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, trong số gần 40 triệu người ở Việt Nam sử dụng Internet, có hơn 28 triệu người dùng mạng xã hội facebook và con số này không ngừng tăng lên theo thời gian.

Bản chất của việc bán hàng trên mạng là rất tốt khi cả người mua và người bán đều có lợi vì giảm giá thành do giảm các chi phí, tuy nhiên, do tính chất “ảo” của mạng xã hội, nhiều kẻ xấu đã lợi dụng, dẫn đến tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Chính vì vậy, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ và chỉ mua thuốc trên những trang web hợp pháp, có đầy đủ thông tin. Không bao giờ mua online những loại thuốc nằm trong quy định phải kê đơn. Phải kiểm tra sản phẩm cẩn thận khi nhận hàng. Tốt nhất, nếu có bệnh thì đi khám tại cơ sở y tế, không nên tự ý dùng thuốc, hoặc dùng theo đơn của người khác.

Các cơ quan chức năng cũng cần sớm ban hành các quy định, chế tài cụ thể để ngăn chặn các hành vi tiêu cực trên mạng xã hội, nhất là hành vi bán thuốc giả gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác