Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201610/thuc-hien-chinh-sach-doi-voi-lao-dong-nu-de-lao-dong-gan-bo-cong-hien-cho-doanh-nghiep-706449/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201610/thuc-hien-chinh-sach-doi-voi-lao-dong-nu-de-lao-dong-gan-bo-cong-hien-cho-doanh-nghiep-706449/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Để lao động gắn bó, cống hiến cho doanh nghiệp - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 30/10/2016, 10:30 [GMT+7]
Thực hiện chính sách đối với lao động nữ

Để lao động gắn bó, cống hiến cho doanh nghiệp

(Congannghean.vn)-Chăm lo đời sống công nhân, đặc biệt là lao động (LĐ) nữ đang là vấn đề được các bộ, ngành quan tâm thông qua việc ban hành các chính sách cụ thể. Tại đa phần các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Nghệ An, đặc biệt là các đơn vị sử dụng số đông LĐ nữ như dệt may, chế biến thực phẩm, không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của lực lượng này trong việc nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là kết quả của việc thực hiện tốt chính sách pháp luật đối với LĐ nữ - một trong nhiều yếu tố quyết định sự tồn vong và thành bại của DN.

Thực hiện tốt chính sách đối với LĐ nữ giúp họ yên tâm sản xuất, gắn bó với DN
Thực hiện tốt chính sách đối với LĐ nữ giúp họ yên tâm sản xuất, gắn bó với DN

Quan tâm thiết thực

Nhằm cải thiện quyền lợi cho LĐ nữ, ngày 1/10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85 về chính sách đối với lực lượng này. Tại Nghệ An, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, chính sách này đã tạo điều kiện thuận lợi cho LĐ nữ trong lao động và sản xuất.

Từ khi quy định mới đi vào thực tế, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đặc biệt chú trọng tới việc đảm bảo quyền lợi của LĐ nữ tại các DN. Theo đó, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với lực lượng này tại các DN trên địa bàn. Đơn cử như Công ty Cổ phần thực phẩm sữa TH, Công ty CP Thái Thượng Hoàng, Công ty TNHH Điện tử BSE Việt Nam. Đây đều là những đơn vị sử dụng đông LĐ nữ.

Qua kiểm tra, nhìn chung, các đơn vị đã thực hiện tốt việc chi trả lương theo tháng và các chế độ cơ bản cho LĐ. Số nữ công nhân LĐ được ký hợp đồng không xác định thời hạn tại một số đơn vị khá cao. Đơn cử như Công ty Sữa TH (412/750 người, chiếm 55%), Công ty TNHH Haivina Kim Liên (100% LĐ nữ được ký hợp đồng lao động, trong đó số không xác định thời hạn là 2.178 người).

Liên quan đến vấn đề chăm sóc sức khỏe cho LĐ nữ, một số DN lớn đã tự bỏ kinh phí xây dựng các phòng vắt, trữ sữa cho nữ LĐ đang nuôi con nhỏ và tạo điều kiện về thời gian cho các bà mẹ có con nhỏ vắt, trữ sữa tại nơi làm việc, đơn cử như Công ty Havina Kim Liên, Công ty TH. Đây là một hạng mục có tính nhân văn, được Nhà nước khuyến khích các DN sử dụng đông LĐ nữ thực hiện và được cụ thể hóa trong Điều 7, Nghị định 85/2015/NĐ-CP.

Ngoài việc đảm bảo chế độ tiền lương, thưởng cho đối tượng này, chủ DN còn quan tâm thực hiện tốt các chế độ khác như: Tiền quà sinh nhật, tiền hỗ trợ vào các dịp lễ, Tết, chế độ giữa ca, tặng học bổng cho con LĐ có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức tham quan du lịch cho công nhân...

Không chỉ thực hiện tốt công tác giám sát, trong các cuộc kiểm tra, đoàn công tác của LĐLĐ tỉnh còn chủ động tới các xưởng sản xuất, trực tiếp trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các LĐ nữ liên quan đến chế độ chi trả, đãi ngộ của DN. Việc làm này đã phát huy vai trò là cầu nối giữa công nhân LĐ và DN, từ đó góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, thúc đẩy sự phát triển của DN.

Bên cạnh đó, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, thời gian qua, LĐLĐ tỉnh cũng đã phối hợp có hiệu quả với các DN, công đoàn các ngành như: Công thương, Y tế tổ chức truyền thông về chính sách LĐ nữ, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản, tư vấn tiền hôn nhân cho các công nhân LĐ.

Còn hạn chế

Trên thực tế, bên cạnh những DN đảm bảo tốt các quyền lợi cho LĐ nữ, một số DN vẫn còn “ngó lơ” nhiều quy định cơ bản như khi tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho LĐ nữ, chưa thực hiện khám phụ khoa, chưa có sự hỗ trợ thêm cho LĐ nữ có con trong độ tuổi gửi nhà trẻ. Thậm chí, LĐ còn phải chịu cường độ, áp lực công việc rất lớn, trong khi điều kiện sức khỏe không đảm bảo.

Ngoài ra, hiện nay, một trong những khó khăn của người LĐ nói chung và LĐ nữ nói riêng là thiếu nhà ở. Trong khi thu nhập bình quân hàng tháng còn khá khiêm tốn thì chi phí nhà ở, đi lại của họ đã chiếm tới 1/3 thu nhập. Do đó, việc ban hành chính sách cụ thể về tạo quỹ đất cho DN xây dựng nhà ở cho LĐ, chính sách hỗ trợ LĐ vay vốn ưu đãi để mua nhà đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Thời gian qua, hiểu rõ thực tế trên, nhằm tạo điều kiện cho LĐ nữ yên tâm lao động sản xuất, một số đơn vị đã thành lập quỹ hỗ trợ xây dựng nhà ở đối với những công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, qua đó góp phần quan trọng vào công tác đảm bảo an sinh xã hội.

Trong đó phải kể đến chương trình “Mái ấm tình thương” thường niên của Công ty Haivina Kim Liên. Theo đó, mỗi ngôi nhà trị giá khoảng 95 triệu đồng, do Công ty tổ chức xây dựng. Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2016, đã có 25 ngôi nhà được hoàn thành, dự kiến sẽ tiếp tục xây dựng 10 ngôi nhà trong năm nay.

Đây được đánh giá là một chính sách ưu việt dành riêng cho LĐ của Công ty, đúng như đánh giá của bà Nguyễn Thị Thu Nhi, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh là “thể hiện tính nhân văn sâu sắc và văn hóa DN”.

Đảm bảo tốt các quyền lợi chính đáng, chính sách pháp luật đối với LĐ nữ gắn với chăm lo mái ấm cho họ là cơ sở, điều kiện cơ bản để đối tượng này yên tâm gắn bó, cống hiến cho DN. Tuy còn bộc lộ một số hạn chế nhưng tin tưởng rằng, trong thời gian tới, việc thực hiện đồng bộ, nhuần nhuyễn giữa công tác tuyên truyền và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách đối với LĐ nữ sẽ tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, không chỉ thúc đẩy kinh tế phát triển mà còn giải quyết tốt nhiều vấn đề xã hội còn tồn đọng.

.

Hồng Hạnh

.