Mưa lũ tại hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh khiến 28 người chết và mất tích. Bên cạnh lũ lớn do thiên nhiên, tại Hà Tĩnh người dân vùng rốn lũ Hương Khê còn bất lực đứng nhìn nước lên khi Nhà máy thủy điện Hố Hô “chọn” đúng lúc nước lên để xả lũ.
Tang thương trong lũ
Cơn lũ vượt ngoài dự báo khiến Quảng Bình mênh mông trong biển nước, thiệt hại nặng nề. Đến chiều 16-10, đã có 22 người chết và mất tích, bị thương 13 người; 77.504 hộ bị ngập lũ... Một số địa phương bị chia cắt, cô lập hoàn toàn như thôn Tiên Xuân (xã Quảng Tiên) và một số thôn của xã Quảng Lộc (huyện Quảng Trạch)...
Hàng chục tàu thuyền neo đậu ở các cảng biển bị sóng đánh trôi, hư hỏng, nhiều ngư dân mất tích.
Nước lũ lên còn cuốn trôi hàng trăm nghìn gia súc, gia cầm; gây xói lở nhiều tuyến đường. Đường sắt Bắc - Nam bị hư hỏng nặng gây ách tắc giao thông; hàng chục công trình thủy lợi bị hư hại; cơ sở vật chất của nhiều trạm y tế, trường học... ở các địa phương bị ngập lụt nặng.
Chiều 16-10, PV Báo CATP có mặt tại huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình, nơi hứng chịu nặng nề trận mưa lũ khủng khiếp mấy ngày qua, trung tâm rốn lũ là xã Văn Hóa, nằm bên bờ sông Gianh, hình ảnh hoang tàn hiện ra sau khi nước rút, mọi ngả đường đều phủ đầy bùn đất. Những đống rác, cây cối ngã đổ có nơi chất cao 3m, trường mẫu giáo thôn Hà Thâu gần như bị rác bao phủ, còn trường cấp 1 và cấp 2 của xã Văn Hóa hầu như bị tàn phá, phủ kín bùn đất. Từ sáng sớm ngày 16-10, hàng chục CBCS CAH Tuyên Hóa đã được huy động đến giúp nhà trường dọn dẹp trường lớp. Đến tối cùng ngày, toàn xã vẫn bị cúp điện nên mọi sinh hoạt vẫn rất khó khăn, một số hộ có máy phát điện được huy động để bơm nước phục vụ các gia đình trong xã. Ông Lương Minh Lai (ngụ thôn Phúc Tự, xã Văn Hóa) cho biết, so với trận lũ lịch sử năm 2010 thì năm nay nước đã cao hơn khoảng 0,5m.
Thiệt hại nặng nề nói trên là do thiên tai, mưa lũ khi nước lên nhanh, nước thượng nguồn tràn về, lũ chồng lũ, nước mưa tại chỗ và nước triều dâng làm nước lũ thoát về biển không kịp... Chính quyền các địa phương đã kịp thời sơ tán người dân và tài sản ở vùng thấp trũng đến nơi khô ráo. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, con số thương vong và thiệt hại về tài sản sẽ giảm thiểu rất nhiều nếu như công tác dự báo chính xác hơn. Nhiều người dân thị xã Ba Đồn, huyện Quảng Trạch cho rằng họ không được thông báo kịp thời về dự báo mưa lũ, tình hình xả tràn của các hồ chứa nước.
Ban phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Bình cho biết, tổng lượng mưa trong mấy ngày qua vượt qua mức 700mm (trên mức dự báo ban đầu của cơ quan khí tượng thủy văn). Ông Nguyễn Ngọc Phụng - Chánh văn phòng Ban phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Bình, thừa nhận, chính đơn vị cũng bất ngờ vì lượng mưa lớn đột ngột ngoài mức dự báo.
Dân không kịp trở tay với lũ từ thủy điện
Chiều 16-10-2016, hồ chứa nước thủy điện Hố Hô vẫn đang điều tiết xả cả 3 cửa van, mỗi cửa 1m với tổng lượng xả là 343m3/s trên tổng lưu lượng nước đến là 468m3/s.
Trước đó, chiều 14-10-2016, trong lúc người dân huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đang lo lắng trước việc mưa lớn kéo dài, lũ dâng thì thủy điện Hố Hô xả lũ. Đồ đạc trong nhà cứ thế bị nhấn chìm.
Ông Trần Kim Hoàng (trú xóm Thái Thượng, xã Lộc Yên, huyện Hương Khê) cho biết: “Chiều 14-10-2016, lúc đó trời mưa lớn kéo dài, người dân chúng tôi đang tìm cách di dời tài sản, gia súc lên cao tránh lũ thì thủy điện Hố Hô không thông báo gì mà xả lũ. Nước lên rất nhanh khiến chúng tôi không kịp trở tay. Mọi người trong nhà tôi phải “chạy đua” với lũ nhưng vẫn không kịp nên đành đứng nhìn đồ đạc bị nước nhấn chìm. Bây giờ ti vi, tủ lạnh cùng nhiều đồ đạc trong nhà bị hư hỏng, 2 con heo nái nặng gần 3 tạ cũng bị nước cuốn trôi”.
Nói về việc xả lũ bất ngờ này, ông Lê Ngọc Huấn - Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, bức xúc: “Việc xả lũ của thủy điện Hố Hô đáng lẽ phải thông báo tới chính quyền địa phương và người dân để mọi người biết mà chủ động. Thế nhưng, UBND huyện không nhận được thông báo bằng văn bản nào của nhà máy này về việc này, lưu lượng và thời gian để cảnh báo”.
Cũng theo ông Huấn, đến 16 giờ ngày 14-10-2016, phía nhà máy thủy điện Hố Hô mới thông báo qua điện thoại về việc xả lũ cho một vị phó chủ tịch huyện. “Việc nhà máy thủy điện nhè đúng lúc mưa lớn để xả lũ như vậy đe dọa đến tài sản và tính mạng người dân. Chính vì thế, lúc họ xả, tôi đã đề nghị dừng lại từ 1 đến 2 giờ cho nước rút bớt, nhưng phía nhà máy không chấp thuận” - ông Huấn cho biết thêm.
Chiều 16-10-2016, thông tin từ UBND huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cho biết, sẽ xả tràn hồ Kẻ Gỗ vào lúc 7 giờ ngày 17-10-2016. Theo đó, hồ thủy lợi này sẽ được xả tràn với lưu lượng từ 200 đến 300m3/s, để điều tiết nước trong hồ.
Ông Trần Hữu Duyệt - Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, cho biết trong ngày 16-10-2016, huyện đã triển khai di dời 1.914 hộ dân với 3.700 nhân khẩu ở các xã Cẩm Thạch, Cẩm Duệ, Cẩm Quan, Cẩm Mỹ, Cẩm Quang và Cẩm Vịnh, sơ tán đến những nơi an toàn trước khi hồ Kẻ Gỗ xả tràn.