(Congannghean.vn)-Những tiện ích từ mạng xã hội facebook (FB) mang lại đã khiến cho số lượng người sử dụng FB ở Việt Nam ngày càng gia tăng. FB tạo sức hút ghê gớm và tốc độ lan truyền mạnh mẽ, nhất là trong giới trẻ. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ đã hoàn toàn bị FB mê hoặc, sử dụng FB trở thành thói quen không thể từ bỏ, dẫn đến hội chứng “nghiện” trong các bạn trẻ, nhất là ở độ tuổi vị thành niên.
Em Trần Ngọc T. bị bỏng do tự mình dùng xăng đốt trường (Ảnh cắt từ clip) |
Những trò “câu like”, gây sốc
Những ngày này, cả nước đang hướng về khúc ruột miền Trung thân yêu để chia sẻ với những khó khăn, thiệt hại mà đồng bào nơi đây phải gánh chịu trong trận mưa lũ vừa qua. Trên các diễn đàn, mạng xã hội, những lời kêu gọi, vận động, những hình ảnh của các cá nhân, tổ chức làm từ thiện tại miền Trung đầy xúc động, thu hút hàng nghìn người thích và chia sẻ.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội gần đây lại xuất hiện một số tài khoản lợi dụng danh nghĩa từ thiện để “câu like”, trong đó phải kể đến thông tin “lễ hội từ thiện” với nội dung người tham gia cho người khác sờ ngực với giá 50.000 đồng/lần để gây quỹ từ thiện. Nội dung chương trình hết sức phản cảm này đã bị nhiều người “bóc mẽ”, rằng đó chỉ là chiêu trò “câu like” phản cảm của một bộ phận giới trẻ.
Với việc tạo ra các sự kiện gây sốc, giật gân, một số người đã lợi dụng việc người dùng facebook chia sẻ để quảng bá, “đánh bóng” tên tuổi của mình. Điều đáng nói ở đây là những bạn trẻ đã vô tình tiếp tay cho những sự việc như thế này bằng những nút like, share đầy vô cảm.
Chưa bao giờ trên mạng xã hội lại xuất hiện nhiều chiêu trò “câu like”, gây sốc như hiện nay và đáng lo ngại hơn khi nó lại tạo thành hiện tượng, trào lưu trên FB trong giới trẻ. Mạng xã hội trở thành nơi để các bạn trẻ khoe khoang, thể hiện bản thân bằng những sở thích kỳ quái.
Có thể kể đến các trào lưu như hành xác bản thân bằng cách khoe ảnh rạch cơ thể, giết động vật khoe chiến tích, tung ảnh “nóng”…, gần đây nhất là trào lưu “nói là làm”. Hiện tượng đưa ra những thách thức quái dị và gây nguy hiểm trong giới trẻ để “câu like” trên mạng xã hội ngày càng nhiều và trên thực tế nó đã để lại những hậu quả đáng tiếc. Đơn cử là vụ việc em Trần Thị Ngọc T. (13 tuổi, ở Khánh Hòa) đã “câu like” trên FB nếu đủ 1.000 like sẽ đốt trường học.
Nghiện FB ở trẻ vị thành niên
Trong hội thảo về xây dựng môi trường văn hóa trong trường học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào ngày 12/10 đã chỉ rõ, nhiều trẻ vị thành niên lạm dụng mạng xã hội FB một cách thái quá, dẫn đến nghiện FB. Hội thảo chỉ rõ, nghiện FB là tình trạng đáng báo động đối với toàn xã hội hiện nay, nhất là trong độ tuổi vị thành niên (từ 15 - 18 tuổi), gây ra những ảnh hưởng tiêu cực như mải mê FB mà bỏ bê học hành, không làm việc nhà cũng như để ý các hoạt động khác đang diễn ra bên ngoài…
Kết quả nghiên cứu “Hành vi nghiện FB của trẻ vị thành niên” của Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh chỉ rõ, trong số 424 trẻ vị thành niên (học sinh từ 15 - 18 tuổi) được khảo sát thì có đến 414 trẻ đang sử dụng FB, chiếm tỉ lệ 97,6%. 31,4% sử dụng FB từ khi là học sinh THCS và 25,8% sử dụng FB khi là học sinh THPT. 27,8% trẻ sử dụng từ 3 giờ trở lên, 19,1% sử dụng liên tục, 31,6% sử dụng FB ở bất cứ nơi nào. Mỗi ngày, có đến 68,6% trẻ sử dụng bất cứ lúc nào khi rảnh và sử dụng mỗi ngày.
Cô Dương Thanh Thanh, giảng viên khoa Tâm lý, Trường Đại học Vinh chia sẻ: “Dễ dàng nhận thấy các biểu hiện phổ biến của nghiện FB như thường xuyên ấn nút like, thường xuyên đăng tải, share các hình ảnh trên mạng, sử dụng lặp đi lặp lại và liên tục các tính năng của FB dẫn đến phụ thuộc, bất chấp hậu quả về sức khoẻ, tinh thần. Nguyên nhân dẫn đến hành vi này có yếu tố chủ quan và khách quan, trong đó tập trung vào nguyên nhân khách quan là trẻ thích nổi tiếng, mong muốn gây sự chú ý, khẳng định bản thân với người khác…”.
Trở lại với cô bé “câu like” châm lửa đốt trường, nhân vật chính nói rằng em chỉ “câu like” cho vui, không ngờ nhiều người like và bắt em phải làm như đã nói. Vì vậy, em đã châm lửa đốt trường thật để rồi nhận lấy kết cục là bị bỏng nặng 2 chân. Trong sự việc này, một phần lỗi thuộc về cộng đồng mạng. Những nút like thiếu trách nhiệm của cộng đồng mạng, nhất là các bạn trẻ đã đẩy những trò ngớ ngẩn, quái dị thành trào lưu.
Những lời nói mua vui, “câu like” trên thế giới ảo để rồi chính những nạn nhân phải nhận “trái đắng” như một tài khoản Nguyễn Tiến (TP Hồ Chí Minh), đăng tải nếu đủ 40.000 like thì sẽ tưới xăng lên người rồi nhảy cầu. Tiến đã bị Công an tạm giữ để điều tra về hành vi tự thiêu khi đăng tải video tự thiêu trên mạng xã hội… Sau đó, cũng với chiêu trò trên, nhân vật này đã tự lấy dao đâm vào người mình để chứng minh cho thế giới ảo biết mình “nói là làm”.
Không ai phủ nhận những tiện ích mà mạng xã hội mang lại, nhưng nếu lạm dụng thái quá như các bạn trẻ hiện nay thì sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học tập của học sinh cũng như dẫn đến những hành vi lệch chuẩn trong lối sống, đạo đức của một bộ phận giới trẻ. Nếu như không sớm kiểm soát từ trong gia đình, nhà trường thì hệ lụy mà nó mang đến sẽ còn rất lớn và không biết sẽ còn bao nhiêu trào lưu gây sốc nguy hại nữa trên thế giới ảo.