(Congannghean.vn)-Vì mưu sinh, những người con, người chồng và cũng là cha của nhiều đứa trẻ đã phải lênh đênh làm thuê trên biển. Gần 5 năm trước, 3 trong số hàng nghìn phận người ấy bất ngờ rơi vào tay cướp biển Somalia. Sau hơn 1.500 ngày chia biệt, những người này đã trở về trong niềm hạnh phúc vỡ òa của người thân, bạn bè.
Chiều tối 26/10, 3 thuyền viên ở Nghệ An và Hà Tĩnh sau nhiều năm rơi vào tay cướp biển Somalia, bị giam giữ ở trời Phi đã trở về trong vòng tay hạnh phúc của gia đình, người thân và bà con lối xóm. Theo đó, danh tính những thuyền viên được cướp biển “phóng thích” lần này là các anh Phan Xuân Phương (SN 1989) trú tại xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn; Nguyễn Văn Hạ (SN 1981) trú tại xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh và anh Nguyễn Văn Xuân (SN 1981) trú tại phường Kỳ Trinh, TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
1.500 ngày trong tay cướp biển Somalia
Trước đó, do cuộc sống khó khăn nên vào ngày 5/4/2011, các anh Phan Xuân Phương, Nguyễn Văn Xuân và Nguyễn Văn Hạ làm thủ tục xuất cảnh sang Đài Loan và tại đây, nhóm người Việt này được bố trí làm việc trên tàu đánh cá Na Ham 3 của chủ tàu người bản địa. Lênh đênh trên biển được 11 tháng thì tàu đánh cá Na Ham 3 bị cướp biển Somalia bắt và đòi tiền chuộc. Cùng bị bắt với 3 người Việt trên chiếc tàu đánh cá này còn có 26 thủy thủ khác từ các nước Trung Quốc, Philippines, Campuchia, Indonesia và Đài Loan.
Trong niềm vui vỡ òa, chị Nguyễn Thị Quỳnh trú tại tổ dân phố Hòa Lộc, phường Kỳ Trinh, TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh), là vợ của thuyền viên Nguyễn Văn Xuân không cầm được nước mắt khi chia sẻ với phóng viên: “Suốt 5 năm qua, chưa đêm nào tôi ngủ ngon giấc. Vừa thương chồng bị giam giữ ở phương xa, vừa nơm nớp lo sợ đến tính mạng của anh ấy sẽ không giữ được. Mọi thông tin liên lạc hoàn toàn bị chia cắt và đã có lúc tôi rơi vào tuyệt vọng, ôm con vào lòng mà nước mắt cứ tuôn trào vì thương chồng, thương con. Nay anh ấy trở về bình an, đói khổ đến đâu mẹ con tôi cũng không để anh ấy đi thêm lần nữa”.
Theo chị Quỳnh, vào chiều 23/10, chị bất ngờ nhận được điện thoại của chồng, mừng hơn bắt được vàng nên vội vã thu xếp bay ra Hà Nội để đón chồng sau nhiều năm chia biệt.
Cùng niềm vui hạnh ngộ đó, trong căn nhà cấp 4 ở thôn Quảng Ích, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), bà Nguyễn Thị Thủy (SN 1957), mẹ của thuyền viên Nguyễn Văn Hạ cũng đã nở nụ cười hạnh phúc sau 5 năm ngóng con từ họng súng cướp biển Somalia.
Theo lời kể của bà Thủy, suốt thời gian qua kể từ khi con trai bị bắt cóc, gia cảnh vốn đã nghèo khó lại càng lâm vào túng quẫn hơn. Chừng ấy năm tháng con trai nằm trong tay cướp biển cũng là quãng thời gian bà tất tả ngược xuôi, hàng chục lần lập bập ôm đơn thư kêu cứu ra Hà Nội, tìm đến Công ty xuất khẩu lao động Vinamotor là đơn vị đã ký hợp đồng đưa anh Hạ đi Đài Loan. Bà cũng đã gõ cửa đến Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Cục Quản lý lao động ngoài nước để đòi lại con trong vô vọng. Được biết, vợ chồng anh Hạ sinh được 3 người con. Hoàn cảnh của gia đình rất khó khăn, ngày đi xuất khẩu lao động, hai vợ chồng phải vay “nóng” 15 triệu đồng để làm lộ phí, số tiền đó đến nay vẫn chưa trả hết.
Nước mắt trùng phùng
Ngày 26/10, chúng tôi tìm đến gia đình ông Phan Xuân Linh (SN 1945) ở xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, là bố của anh Phan Xuân Phương, 1 trong 3 nạn nhân được trở về trong dịp này. Hay tin anh Phương được trở về bình an, ngay từ sáng sớm, người nhà đã dựng rạp để hàng xóm, người thân đến chúc mừng. Nhiều người đã chờ đợi hàng giờ đồng hồ để tận mắt nhìn thấy Phương trở về bằng xương, bằng thịt chứ không phải là một giấc mơ tan biến.
16 giờ cùng ngày, anh Phương về đến ngôi nhà thân yêu của mình sau nhiều năm chia biệt. Điều khiến anh Phương xót xa là việc mẹ anh - bà Lê Thị Hòa (SN 1964), ngày anh đi còn mạnh khỏe nhưng do mòn mỏi ngóng tin con, đã sinh tai biến, phải ngồi xe lăn từ nhiều năm nay.
Anh Phan Xuân Phương trở về trong vòng tay của gia đình, người thân |
Ông Linh chia sẻ, anh Phương là con thứ 3 trong số 4 người con trong gia đình, 2 anh chị đầu hiện đang đi xuất khẩu lao động ở Malaysia. Đầu năm 2011, gia đình thế chấp ngân hàng vay 25 triệu đồng đóng cho Trung tâm xuất khẩu lao động Vinamotor, trực thuộc Tổng công ty Công nghiệp ôtô Việt Nam để Phương sang Đài Loan làm thuyền viên trên tàu câu cá ngừ, với mức lương theo thỏa thuận ban đầu là 300 USD/tháng.
Cũng như những thuyền viên khác, sau mấy tháng lênh đênh trên biển, anh Phương rơi vào tay cướp biển Somalia. Vào lúc nửa đêm của một ngày cuối tháng 3/2012, gia đình nhận được một cuộc điện thoại gọi về thông báo, phải có 60.000 USD để chuộc con về. Sau này, gia đình ông Linh còn nhận thêm 2 cuộc điện thoại khác cũng với nội dung tương tự. Dù khó khăn nhưng ông cũng huy động đủ số tiền theo yêu cầu, nhưng cũng đành bất lực vì chẳng biết cứu con bằng cách nào.
Theo chia sẻ ban đầu của anh Phương, trong suốt 1.500 ngày vừa qua, các anh đã phải trải qua những thời khắc “kinh hoàng”, thậm chí đối diện với cái chết. Thời điểm cướp biển tấn công vào tháng 3/2012, trên tàu FV Naham 3 (cắm cờ Oman) có 29 thủy thủ. Tuy nhiên, 1 người đã thiệt mạng khi cướp biển nổ súng trấn áp và 2 người khác trong quá trình giam cầm cũng bỏ mạng vì bệnh tật. 26 con tin còn lại đã bị giam giữ trên chính con tàu Naham 3 trong hơn 1 năm, đến lúc nó bị chìm thì nhóm con tin này được đưa lên bờ và bị giam giữ ở một vùng sa mạc, trong hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề, chỉ được uống một ít nước và ăn bất cứ thứ gì, kể cả thịt chuột.
Ngày 22/10/2016, tất cả thủy thủ đã được cướp biển trao trả cho các nhà chức trách Somalia tại thị trấn Galkayo, nằm ở phía Bắc nước này sau khi chúng đã đạt được thỏa thuận và nhận một khoản tiền chuộc. Ngay sau đó, nhóm thủy thủ này đã được máy bay của cơ quan hỗ trợ nhân đạo Liên Hợp quốc đón về thủ đô Nairobi một ngày sau đó, trước khi được đưa về các nước. Trước khi về nhà, 3 thuyền viên được đưa tới Bệnh viện đa khoa Tràng An (Hà Nội) để khám sức khỏe, sau đó đại diện Công ty xuất khẩu lao động Vinamotor đã bố trí xe ôtô để đưa các anh về tận nhà.