(Congannghean.vn)-Những người lầm lỗi sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương thường có tâm lý mặc cảm, tự ti, thậm chí còn chịu sự kỳ thị của những người xung quanh. Hiểu được điều đó, mô hình “Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia giúp đỡ, quản lý người tái hòa nhập cộng đồng” tại xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên ra đời có ý nghĩa tích cực, giúp người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng và bước đầu đạt nhiều kết quả khả quan.
Các ban, ngành, đoàn thể xã Hưng Long đến tận từng gia đình động viên, giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng |
Xóa bỏ mặc cảm
Hưng Long được xác định là địa bàn phức tạp về ANTT, trong đó nổi lên tội phạm và tệ nạn ma túy. Trên địa bàn xã hiện có 80 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sinh sống, trong đó có 15 người tái phạm tội và 10 người tái nghiện.
Để giúp người chấp hành xong án phạt tù nhanh chóng vượt qua mặc cảm, Công an xã Hưng Long đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng mô hình giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân.
Theo đó, tháng 3/2016, mô hình “Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia giúp đỡ, quản lý người tái hòa nhập cộng đồng” tại xã Hưng Long ra đời với mục đích tạo điều kiện cho người một thời lầm lỗi xóa bỏ mặc cảm, giúp họ có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Được biết, trong tổng số 80 người chấp hành án phạt tù thì có 55 người trở về đúng địa chỉ nơi cư trú và hầu hết đều nỗ lực rèn luyện, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Điển hình như anh Hoàng Văn Hiệp (SN 1971) trú tại xóm 7A, xã Hưng Long bị tuyên phạt 5 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. Năm 2015, chấp hành xong án phạt tù trở về, anh không khỏi mặc cảm với những người xung quanh. Tuy nhiên, anh đã được gia đình và chính quyền địa phương động viên kịp thời.
Sẵn có nghề mộc trong tay và được Ban Công an xã giúp đỡ, vận động các ban, ngành, đoàn thể cho vay vốn, anh mua các máy móc, thiết bị để đóng bàn, ghế. Sau một thời gian nỗ lực phấn đấu, hiện, anh là chủ cơ sở mộc với tổng thu nhập 400 - 500 triệu đồng/năm và tạo việc làm ổn định cho 6 lao động với thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Hay như trường hợp chị Nguyễn Thị Liệu (SN 1974) trú tại xóm 9A, xã Hưng Long và chồng phạm tội mua bán trái phép chất ma túy. Sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, thời gian đầu, chị cảm thấy rất mặc cảm và không biết sẽ bắt đầu cuộc sống từ đâu. Đúng lúc đó, chị nhận được sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ tận tình từ người thân và các tổ chức, đoàn thể tạo điều kiện cho chị vay vốn làm trang trại chăn nuôi trâu, bò. Hiện, thu nhập bình quân của gia đình chị khoảng 6.000.000 đồng/tháng, đời sống kinh tế ổn định, ấm no, hạnh phúc.
Ngoài các trường hợp nói trên, trên địa bàn xã Hưng Long còn rất nhiều người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, nhờ có sự quan tâm, giúp đỡ kịp thời của các ban, ngành, đoàn thể đã xóa bỏ mặc cảm trong quá khứ, vươn lên phát triển kinh tế từ chính nỗ lực của bản thân, góp phần đảm bảo ANTT tại địa phương.
Trách nhiệm của cộng đồng
Mô hình “Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia giúp đỡ, quản lý người tái hòa nhập cộng đồng” tại xã Hưng Long được thành lập với sự tham gia của các thành viên trong các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện gồm: Công an, UBND, Ngân hàng Chính sách xã hội, Phòng LĐ-TB&XH, Trung tâm Dạy nghề, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc; cấp xã gồm: MTTQ, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Bí thư Đoàn thanh niên, công chức Ban văn hóa - xã hội, Tư pháp, Văn phòng UBND xã, Công an, thành viên Tổ tự quản…; trong đó, đồng chí Trưởng Công an xã làm trưởng mô hình.
Các thành viên đều là những người có trình độ, am hiểu pháp luật, có uy tín, tinh thần trách nhiệm trong công việc và được phân công phụ trách trực tiếp từng đối tượng cụ thể; thường xuyên nắm bắt tình hình, hoạt động, diễn biến tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương; vận động họ tích cực tham gia các hoạt động chung của cộng đồng dân cư; động viên gia đình, người thân và cá nhân họ yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế; tạo điều kiện làm các thủ tục hành chính cần thiết như: Đăng ký cư trú, cấp chứng minh nhân dân và hoàn thiện các giấy tờ tùy thân cho các trường hợp được ra tù trở về địa phương; đồng thời, trao đổi thông tin về việc làm, giới thiệu những gương điển hình một thời lầm lỗi nay trở về địa phương phát triển kinh tế giỏi; đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân không phân biệt, kỳ thị, xa lánh những người một thời lầm lỗi.
Xây dựng tủ sách pháp luật, phát động nhân dân đến đọc và tìm hiểu pháp luật định kỳ mỗi tháng một lần. Qua đó, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao, nội dung sinh hoạt của mô hình ngày càng đi sâu vào tiềm thức mỗi người dân, góp phần nâng cao ý thức đảm bảo ANTT trên địa bàn; phát hiện, ngăn ngừa và tham gia tố giác tội phạm cũng như động viên, giúp đỡ, tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù xóa bỏ mặc cảm, khắc phục khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
Các thành viên trong mô hình thường xuyên gặp gỡ, động viên những người đã từng vi phạm pháp luật để giáo dục, thuyết phục và tổ chức cho họ ký cam kết không tái phạm, chủ động báo cáo UBND xã làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định xóa án tích đối với những trường hợp có tiến bộ rõ rệt, lập nhiều thành tích trong phong trào bảo vệ ANTQ, đấu tranh phòng, chống tội phạm và đảm bảo ANTT.
Trên thực tế, thông qua mô hình “Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia giúp đỡ, quản lý người tái hòa nhập cộng đồng” ở xã Hưng Long, đến nay, nhiều người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đã có việc làm, một số tham gia học nghề, hướng thiện, vượt qua mặc cảm, tích cực tu dưỡng, rèn luyện bản thân, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các quy định của địa phương; không có trường hợp có biểu hiện tiêu cực, gây mất ANTT. Nhiều người đã vượt qua khó khăn, chăm chỉ lao động, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, góp phần xây dựng quê hương.
Trao đổi với chúng tôi về mô hình này, Trung tá Phan Thanh Bình, Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào và phụ trách xã về ANTT Công an huyện Hưng Nguyên cho biết: “Mô hình tuy không mới nhưng đã đổi mới về cách thức hoạt động, huy động được cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân tham gia, chung tay giúp đỡ những người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng. Qua đó, giới thiệu việc làm, hỗ trợ về tinh thần lẫn vật chất cho họ. Khi người tái hòa nhập cộng đồng được quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ, họ sẽ dễ dàng xóa đi mặc cảm và sống có ích cho xã hội. Hiện, mô hình này đang được nhân rộng ở một số xã trên địa bàn huyện Hưng Nguyên”.