Gia đình xã hội

Giao thông công cộng đang 'đi lùi'?

08:46, 19/09/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Phương tiện giao thông cá nhân tăng rất nhanh, trong khi lượng người sử dụng phương tiện giao thông công cộng (xe buýt) lại giảm… là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội ngày càng nghiêm trọng.

Hà Nội hiện có 91 tuyến xe buýt với 1.482 phương tiện chuyên chở khách, nhưng chủ yếu tập trung ở khu vực từ vành đai 3 đổ vào trung tâm thành phố. Đáng nói, trong bối cảnh ùn tắc đang diễn biến phức tạp tại đô thị thì tốc độ phát triển của xe máy, ô tô cá nhân lại tăng chóng mặt, trong khi sản lượng hành khách đi xe buýt đã giảm trong vài năm qua.

Hà Nội cần có chính sách đột phá, ưu tiên cho hạ tầng xe buýt
Hà Nội cần có chính sách đột phá, ưu tiên cho hạ tầng xe buýt

Cụ thể, lượng xe máy tăng 7,6%/năm, ô tô con tăng 16,5%, trong khi hạ tầng chỉ tăng 3,9%/năm. Đại diện Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, vài năm trở lại đây, khối lượng vận chuyển khách bằng xe buýt có dấu hiệu giảm hơn so với các năm trước: Trên các tuyến trục chính truyền thống cũng chỉ đạt 90-92% so với cùng kỳ các năm trước.

TS. Vũ Thanh Chương, Khoa Vận tải kinh tế, Đại học GTVT chỉ ra, trong 5 năm qua, tổng số lượt xe buýt tăng chậm. Số bình quân lượt xe phục vụ mỗi năm một giảm: Năm 2010 là 3.600 lượt/xe/năm, nhưng đến năm 2015 chỉ còn 3.300 lượt. Đặc biệt, đối tượng khách chủ yếu của xe buýt là học sinh, sinh viên cũng đang có xu hướng giảm mạnh, nhất là lượng vé tháng và vé liên tuyến.

Chất lượng dịch vụ cũng như sự tiện lợi của xe buýt chưa cao cũng được cho là nguyên nhân khiến lượng khách sử dụng xe buýt giảm.

Ông Chương phân tích: Phần lớn xe buýt của Hà Nội tập trung từ khu vực vành đai 3 trở vào trung tâm nên bị rào cản rất lớn là hệ thống giao thông. Thậm chí xe buýt đã phải giảm tần suất trên một số trục đường để giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông. Việc này đã ảnh hưởng đến hành khách đi xe buýt.

Hơn nữa, số điểm dừng, đỗ xe buýt hạn chế, chưa đầy đủ theo yêu cầu của vận tải khách công cộng, nhiều điểm dừng đỗ còn bị chiếm dụng. Khoảng cách các điểm dừng, đỗ bình quân 800 m là quá dài, trong khi không gian cho người dân đi bộ đến các điểm chờ xe buýt không có. Tốc độ di chuyển của xe buýt quá chậm, không có làn đường dành riêng cho loại xe này.

Còn ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho rằng, sản lượng xe buýt có xu hướng giảm những năm qua là do luồng tuyến, hạ tầng không ổn định, mỗi năm điều chỉnh trên 4.000 lượt điểm dừng, 80 luồng tuyến, thu hồi di chuyển hàng loạt điểm dừng/đỗ… Hơn nữa, thời gian chuyến đi tăng do lộ trình bất hợp lý và ùn tắc, lộ trình tuyến quá dài, lòng vòng.

Cần thiết thay đổi chính sách

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhìn nhận, mặc dù xe buýt vẫn được đánh giá là phương tiện công cộng giữ vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy giảm phương tiện cá nhân, nhưng hiện nay, tại Hà Nội môi trường hoạt động xe buýt chưa được ưu tiên.

“Tốc độ tăng trưởng ô tô cá nhân, thái độ đối với xe buýt của cơ quan quản lý Nhà nước và người dân đang là rào cản lớn nhất tác động đến vận tải công cộng”, ông Khuất Việt Hùng nhìn nhận.

Giai đoạn 2016-2020, xe buýt được dự báo tăng trưởng khá chậm. Đến năm 2020, Hà Nội dự kiến có 159 tuyến buýt với tổng số phương tiện là 2.450 xe; tổng hành khách vận chuyển dự kiến là 850 triệu lượt/năm, đáp ứng 14-15% nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn. Giai đoạn 2020-2025 sẽ đáp ứng 25% nhu cầu đi lại.

Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, nếu không có chính sách đột phá, ưu tiên cho hạ tầng xe buýt và sự quyết tâm của cơ quan quản lý thì rất khó đạt được con số này.

Có mặt ở Hà Nội từ năm 1997, ông Takagi Michimasa, chuyên gia tư vấn cao cấp, Công ty Almec Nhật Bản cho rằng, cần phải kiềm chế được sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy. Cùng với đó, các giải pháp liên quan đến phát triển giao thông công cộng phải dài hạn và kiên trì thực hiện.

“Cần phải ưu tiên quỹ đất dành cho hạ tầng xe buýt, ưu tiên trên các trục đường chính, có nhu cầu cao và vào các khung giờ cao điểm. Nếu không có chính sách đột phá cho vận tải công cộng, mà vẫn đều đều như hiện nay, thì vận tải hành khách công cộng đến 2020 chỉ đáp ứng 11,6%, và như vậy sẽ không thể giải quyết bài toán ùn tắc”, ông Takagi Michimasa chia sẻ.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác