Những năm trở lại đây, số vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) liên tục gia tăng cả về quy mô và số vụ, điều này không chỉ là nỗi ám ảnh cho người trong cuộc mà cho cả xã hội. Nạn nhân của bạo hành bị tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần, dẫn đến mất sức khỏe, ảnh hưởng tâm lý, thiếu nhiệt huyết với cuộc sống, ảnh hưởng đến gia đình và xã hội…
Mặc dù mỗi ngày, những câu chuyện về BLGĐ vẫn xảy ra, nhưng rõ ràng không phải ai cũng quan tâm, đấu tranh vì cho rằng đó là chuyện riêng của mỗi gia đình. Thế nhưng theo các chuyên gia thì việc thờ ơ với BLGĐ chính là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng này xảy ra không ít hiện nay.
Bà Phương Thúy công tác tại Trung tâm Phụ nữ và phát triển cho biết, Trung tâm trung bình mỗi ngày nhận được vài chục cuộc, thậm chí hàng trăm cuộc điện thoại gọi đến xin tư vấn, trợ giúp xoay quanh những khúc mắc trong đời sống gia đình, vợ chồng. Đã có không ít người tìm đến Trung tâm để lánh nạn BLGĐ do những người chồng vũ phu hành hạ.
Chia sẻ thông tin là điều cần để hạn chế tình trạng BLGĐ, bởi vấn nạn này giờ đây không còn là chuyện của mỗi gia đình |
Bà Phạm Thị Hương Giang, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và phát triển cho biết thêm, những câu chuyện về BLGĐ mà cộng đồng biết đến chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Trên thực tế, BLGĐ rất khó phát hiện nếu nó không ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng hoặc không được nạn nhân nói ra. Đáng nói hơn, BLGĐ để lại hậu quả dai dẳng cho cá nhân, gia đình, xã hội.
Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê và Liên hợp quốc tại Việt Nam về BLGĐ ở một số tỉnh cho thấy, 58% phụ nữ khi được hỏi cho biết họ đã từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực; 50% số người bị BLGĐ chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực mà họ phải chịu đựng; 87% chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công. Các đợt khảo sát quy mô nhỏ về nạn quấy rối, lạm dụng tình dục cũng cho kết quả, 10% phụ nữ bị bạo lực tình dục từ chồng; 30% gái mại dâm là nạn nhân của bạo lực tình dục.
Theo bà Phương Thúy, vấn nạn BLGĐ xuất phát từ nguyên nhân căn bản, sâu xa nhất là tư tưởng coi thường phụ nữ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nạn nhân của hành vi bạo lực trong gia đình không chỉ là bản thân người phụ nữ mà còn cả trẻ em. Khi trẻ em chứng kiến cảnh BLGĐ của bố mẹ thì có đến 85% luôn có tâm trạng buồn phiền và lo sợ, 4,2% không tôn trọng bố mẹ và có đến 5,5% muốn bỏ nhà để thoát khỏi tình trạng bạo lực hàng ngày… Về phần mình, bà Phạm Thị Hương Giang cho hay, nguyên nhân dẫn đến BLGĐ còn nằm ở việc những nạn nhân thiếu kiến thức về BLGĐ, thiếu kinh nghiệm tự vệ, xử lý nên biến mình thành nạn nhân mà không hay biết.
Đáng nói hơn, việc quan tâm, xử lý của chính quyền, đoàn thể ở các địa phương, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đối với công tác phòng, chống BLGĐ, xử phạt người có hành vi BLGĐ chưa thực sự đúng mức. Nhiều địa phương, cộng đồng mới chú trọng hòa giải để các gia đình bền vững về mặt hình thức, trong khi việc bảo đảm an toàn cho nạn nhân mới là quan trọng nhất.
Chính vì thế để giải quyết BLGĐ, bà Phạm Thị Hương Giang mong muốn các cấp, các ngành chức năng có sự quan tâm sâu sắc, đầy đủ hơn về BLGĐ; tạo ra sự phối hợp liên ngành trong việc chia sẻ thông tin. Đơn cử như việc Hội Phụ nữ huyện Kiến Xương (Thái Bình) đã cùng nhau xây dựng mô hình “địa chỉ tin cậy” và đã phát huy rất hiệu quả, giúp nhiều chị em có nơi “trú ẩn”, tránh được những trận đòn roi của chồng và đó cũng là địa chỉ “đỏ” giúp vợ chồng hòa giải những mâu thuẫn gia đình.
Thực tế cho thấy, gia đình sống hạnh phúc, văn hóa, văn minh; cộng đồng đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là những “bức tường” ngăn cản BLGĐ. Mới đây, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác đã xây dựng kế hoạch triển khai “Tháng hành động về bình đẳng giới và phòng chống BLGĐ năm 2016”.
Phòng chống BLGĐ đối với phụ nữ, trẻ em là việc không của riêng ai, hy vọng, các ngành chức năng, cộng đồng và mỗi người dân ngày càng có nhận thức đầy đủ, toàn diện hơn về những nguy cơ, tác hại do BLGĐ mang lại để chủ động ngăn ngừa hành vi bạo lực.