Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201608/phu-nu-va-van-de-binh-dang-gioi-692792/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201608/phu-nu-va-van-de-binh-dang-gioi-692792/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Phụ nữ và vấn đề bình đẳng giới - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 09/08/2016, 08:13 [GMT+7]

Phụ nữ và vấn đề bình đẳng giới

(Congannghean.vn)-Vấn đề bình đẳng giới (BĐG) đã được Chính phủ phê duyệt là Chiến lược quốc gia với mục tiêu đẩy mạnh công tác BĐG, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, vai trò và vị thế của người phụ nữ trong thời đại mới đang được ghi nhận và phát huy.

BĐG - phát huy vai trò người phụ nữ

Trong những năm gần đây, tận dụng tiềm năng kinh tế - xã hội, Nghệ An đã có những bước phát triển vượt bậc. Bên cạnh việc chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân thì vấn đề BĐG cũng được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. BĐG được xác định là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phát huy vai trò của phụ nữ trong thời đại mới.

Lao động nữ ngày càng được hưởng nhiều chế độ hỗ trợ
Lao động nữ ngày càng được hưởng nhiều chế độ hỗ trợ

Nếu như trước đây, những định kiến và quan niệm phụ nữ chỉ làm công việc nội trợ, chăm sóc con cái khiến cho vai trò của người phụ nữ chỉ bó buộc trong phạm vi gia đình, người phụ nữ không được thể hiện năng lực của mình trong công việc xã hội thì trong giai đoạn hiện nay, người phụ nữ đã vươn lên khẳng định mình trong mọi lĩnh vực.

Vấn đề BĐG được thể hiện rõ nét trong công tác cán bộ nữ, số lượng và chất lượng của đội ngũ cán bộ nữ ngày càng được nâng cao. Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011 - 2020 đặt ra chỉ tiêu ít nhất 35% đại biểu Quốc hội và HĐND là nữ. Trong cuộc bầu cử nhiệm kỳ 2016 - 2020, tỉ lệ này đã đạt được, trong đó đại biểu HĐND có số lượng nữ giới là trên 25%. Tăng tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội cũng như HĐND không chỉ là yêu cầu của Đảng mà còn là mong muốn của nữ giới được tham gia vào các lĩnh vực xã hội.

Trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, tỉ lệ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội ở Nghệ An đạt 4/13 người, HĐND cấp tỉnh có 27,5%. Điều này đã khẳng định được vị trí, vai trò của phụ nữ trên lĩnh vực chính trị xã hội.

Theo bà Lê Thị Nguyệt, Trưởng phòng Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An, trong các mục tiêu đặt ra trong công tác nữ thì vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ ở nông thôn được đặt lên hàng đầu. Việc tạo việc làm ổn định cho lao động nữ giúp họ làm chủ được cuộc sống, người phụ nữ được tôn trọng và có vị trí nhất định trong gia đình, không còn phải chịu cảnh phụ thuộc vào chồng, từ đó giảm hẳn tình trạng bạo lực gia đình.

Hàng năm, tỉnh Nghệ An có khoảng 42,6% lao động nữ được tạo việc làm mới, 34% lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật, gần 80% phụ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu đều được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức. Hiện nay, nữ công nhân viên chức ở Nghệ An là 85.853 người, chiếm tỉ lệ 60,5%. Các cơ quan, doanh nghiệp đã có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho lao động nữ giới.

Bên cạnh đó, công tác BĐG trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Tỉ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận dịch vụ chăm sóc và lây truyền HIV từ mẹ sang con đạt 40%. Sản phẩm văn hóa, thông tin mang định kiến giới giảm dần; thời lượng phát sóng các chương trình, chuyên mục và số lượng các sản phẩm tuyên truyền, giáo dục về BĐG được tăng lên.

Đẩy mạnh công tác truyền thông

Lao động nữ ở Nghệ An chủ yếu hoạt động tại các khu công nghiệp và khu kinh tế. Hiện nay, ở Khu kinh tế Đông Nam có 80% lao động nữ trong tổng số 16.000 lao động. Nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện triệt để Nghị định 85-NĐ/CP ngày 1/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về chính sách hỗ trợ lao động nữ, chế độ khám, chữa bệnh, chế độ thai sản, bảo hiểm y tế không được thực hiện đầy đủ.

Lao động nữ sau khi mang thai và sinh con nghỉ 12 tháng không được doanh nghiệp ký tiếp hợp đồng dẫn đến mất việc là một thiệt thòi lớn cho lao động nữ khi họ phải đảm nhiệm thiên chức làm mẹ nhưng lại không nhận được chế độ hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp. Do không nắm được quyền của mình nên lao động nữ đã không dám lên tiếng đòi chủ doanh nghiệp thực hiện chế độ hỗ trợ đối với lao động nữ.

Liên đoàn Lao động Nghệ An và Phòng Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp tổ chức “Diễn đàn công nhân và bình đẳng giới” nhằm tuyên truyền cho lao động nữ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình để họ có thể tự lên tiếng đòi hỏi quyền lợi cho bản thân.

Bà Lê Thị Nguyệt chia sẻ: Vấn đề bạo lực gia đình, định kiến về sinh con gái, con trai, phụ nữ chỉ làm việc nội trợ, không được tham gia phát triển kinh tế vẫn đang hiện hữu ở nhiều gia đình, địa phương. Thời gian qua, công tác truyền thông nhằm thay đổi định kiến về giới trong xã hội được thực hiện thường xuyên đã tạo ra những hiệu ứng tốt.

Trong 5 năm (2011 - 2015) đã phát hành 530 cuốn sổ tay công tác vì sự tiến bộ phụ nữ, 6.500 tờ rơi tuyên truyền về BĐG trong lĩnh vực chính trị và gia đình nhân Ngày Gia đình Việt Nam, nhân bản 3.000 tờ rơi tuyên truyền về BĐG bằng tiếng Mông để phát cho đồng bào dân tộc Mông ở 2 huyện Kỳ Sơn và Tương Dương. 

Trong 3 năm (2013 - 2015), tỉnh đã xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện 19 mô hình về BĐG tại 26 xã, thị của các huyện, thị trên địa bàn tỉnh.

Nổi bật như mô hình: “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới” được thực hiện tại xã Nam Kim, huyện Nam Đàn; xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu; xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên. Đã thành lập các tổ phòng, chống bạo lực, tập huấn về kiến thức kỹ năng phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Tuyên truyền vấn đề bạo lực gia đình qua các buổi sinh hoạt ở xóm, xã và hệ thống truyền thanh. Qua đó cơ bản thay đổi nhận thức và hành vi của người dân trên địa bàn.

Mô hình “Hỗ trợ phụ nữ khởi sự và phát triển doanh nghiệp” thực hiện tại 2 xã Nghĩa Sơn và Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn, thí điểm hỗ trợ phụ nữ học nghề và nâng cao kiến thức, kỹ năng để có thể tự tạo việc làm; thành lập, quản lý và phát triển kinh doanh, góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động. Qua đó đã có nhiều phụ nữ khởi nghiệp và thành công trên lĩnh vực kinh tế, khẳng định được vị thế của giới nữ trên thương trường.

Mặc dù các cấp, ngành đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện mục tiêu quốc gia về BĐG nhưng với những định kiến tồn tại lâu đời trong xã hội thì việc thay đổi không thể thực hiện trong thời gian ngắn. Trong thời gian tới, để phụ nữ đạt được 6 chữ vàng: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, rất cần sự chia sẻ của người đàn ông để phụ nữ có thời gian cống hiến cho xã hội và phụ nữ cần tự tin vào bản thân để phát huy năng lực của mình.

.

Phương Thủy

.