(Congannghean.vn)-Nhằm sẻ chia với những hoàn cảnh, số phận kém may mắn do nhiễm chất độc da cam/dioxin, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ, giúp các nạn nhân vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, các cá nhân, tổ chức có tấm lòng nhân ái đã luôn sát cánh, đồng hành với các nạn nhân, giúp họ vơi bớt nỗi đau do chiến tranh để lại…
Đồng chí Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Kỷ niệm chương cho các cá nhân có thành tích trong sự nghiệp chăm sóc và giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam |
Tuy mới thành lập nhưng Công ty Máy công nông nghiệp thành Vinh đã khẳng định được thương hiệu với nhiều sản phẩm như: Máy hàn điện tử, môtơ điện, máy ép nước mía… Điều đặc biệt là hầu hết những máy móc này đều do anh Lê Bá Thành - chủ cơ sở thiết kế. Bị liệt do ảnh hưởng di chứng chất độc dam cam từ bố nhưng bằng nghị lực, niềm tin yêu cuộc sống, anh đã từng bước xây dựng cơ sở sản xuất ngày một vững chắc và có gia đình hạnh phúc.
Tuy nhiên, anh Lê Bá Thành chỉ là một trong nhiều trường hợp may mắn và vượt qua khó khăn, vươn lên khẳng định bản thân. Đa phần những trường hợp bị ảnh hưởng chất độc da cam mà chúng tôi tiếp xúc đều có hoàn cảnh rất éo le.
Do bị ảnh hưởng từ những năm tháng chiến tranh nên sức khỏe của anh Đinh Xuân Lam trú tại khối 7, phường Đội Cung, TP Vinh suy yếu nhiều, trong khi người vợ phải chạy thận rất tốn kém. Đau lòng hơn, đứa con đầu của anh chị lại bị bệnh tâm thần. Ông Đinh Xuân Bông (bố anh Lam) là cán bộ lão thành cách mạng trước năm 1945 hoạt động ở Thái Lan. Nối tiếp truyền thống cách mạng của gia đình, năm 1975, anh xung phong vào chiến trường, làm chiến sỹ thông tin liên lạc, trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch quan trọng.
Trở về từ chiến trường, anh lập gia đình với hy vọng có được hạnh phúc vẹn tròn. Tuy nhiên, bệnh tật cứ thế đè nặng lên gia đình nhỏ. Sau thời gian chống chọi, vợ anh phát bệnh gan, rồi bệnh thận. Tài sản trong nhà không có gì đáng giá ngoài 2 chiếc xe đạp cà tàng và một cuốn sổ hộ nghèo. Hàng xóm thương tình nên thỉnh thoảng hỗ trợ ít tiền để giúp gia đình anh sống qua ngày đoạn tháng.
Nhân dịp kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam (10/8/1961 - 10/8/2016) và 10 năm thành lập Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Nghệ An (26/9/2006 - 26/9/2016), Trung ương Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tặng 29 Kỷ niệm chương cho các cá nhân; tặng Bằng khen cho 1 tập thể và 3 cá nhân vì đã có công lao trong sự nghiệp chăm sóc và giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam. |
Theo thống kê, Nghệ An có hơn 40.000 đối tượng bị phơi nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh. Trong đó có rất nhiều hoàn cảnh bi đát, tuyệt vọng vì bệnh tật dày vò, cô đơn không nơi nương tựa.
Riêng trên địa bàn TP Vinh có 3.523 người phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin gây vô sinh, sinh con dị dạng, bệnh tật hiểm nghèo, để lại bao đau đớn giày vò. Trong đó, mới có 1.091 người được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng.
Có những người bị bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối nhưng vẫn cố nén nỗi đau vào lòng, ứa nước mắt nhìn đứa con dị dạng có lớn mà không có khôn. Họ âm thầm chịu đựng, không muốn tâm sự với ai về việc mình bị di chứng chất độc da cam/dioxin bởi họ đang cố quên nỗi ám ảnh về thứ chất độc truyền từ đời này sang kiếp khác. Mỗi lần gia đình sắp đón thêm thành viên mới, họ lại hy vọng số phận sẽ mỉm cười, ông trời sẽ ban tặng điều kỳ diệu...
Tuy nhiên, sự mong mỏi của họ cuối cùng vẫn không được đền đáp khi lần lượt hết đứa này đến đứa khác sinh ra đều bị dị tật bẩm sinh. Nỗi đau, sự day dứt vì mình là người có lỗi cứ giày vò những con người đã từng cống hiến, hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
Trước những cảnh đời bất hạnh do chất độc da cam/dioxin gây ra, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ; lãnh đạo, chính quyền các cấp, đoàn thể và nhân dân đã giúp đỡ nạn nhân da cam/dioxin vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng.
Tại Nghệ An, đến nay, trên 21/21 huyện, thành; 409/480 xã, phường, thị trấn có 15.000 hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Hội trở thành cầu nối, nơi sẻ chia, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Cùng đồng hành với các nạn nhân còn có các cơ quan, đoàn thể, cá nhân giàu lòng nhân ái. Sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân dành cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin chính là động lực để họ vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống. Trên hết, những hành động đó đã làm đẹp và lan tỏa thêm tinh thần “Tương thân tương ái”, “Thương người như thể thương thân”…